Doanh nghiệp ứng biến với biến động tỷ giá

Doanh nghiệp ứng biến với biến động tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
Biến động mạnh của USD kéo nhiều cặp tỷ giá thay đổi bất thường khiến không ít doanh nghiệp đau đầu tìm cách ứng phó.

Tỷ giá có lên, có xuống

Trong tuần đầu tiên của tháng 9/2024, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng giảm sâu tới hơn 200 VND/USD, mức trượt sâu đáng kể trong các năm gần đây. Tại Vietcombank, tỷ giá được niêm yết ở mức 24.480 VND/USD (chiều mua vào) và 24.820 VND/USD (chiều bán ra). Khảo sát trên thị trường tự do, giá USD cũng “hạ nhiệt” rất sâu, chỉ còn được mua vào ở mức 25.110 VND/USD và bán ra tại 25.190 VND/USD.

Cách đây hơn hai tháng, giá USD tự do có thời điểm đã chạm mốc 26.000 VND/USD. Trên thị trường chính thức, các ngân hàng lớn từng niêm yết tỷ giá bán suýt soát 25.500 VND/USD, cao hơn tới 4,3% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, cú đảo chiều ngoạn mục khiến tỷ giá USD hiện chỉ còn tăng hơn 1,62%.

Tính đến cuối tuần trước, Chỉ số US Dollar Index (DXY) đã giao dịch dưới mốc 101 điểm, giảm nhẹ so với cuối năm trước và đã “bốc hơi” tới hơn 5% so với mức đỉnh trên 106 điểm từng ghi nhận vào cuối tháng 4/2024. Áp lực do USD mạnh đã không còn đè nặng lên đồng tiền nhiều quốc gia như những tháng trước nhờ dữ liệu lạm phát tháng 7 của Mỹ đã cho những tín hiệu tích cực.

Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDirect, các tuyên bố có phần “bồ câu” hơn từ ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Jackson Hole khi cho rằng, đã đến lúc đảo ngược chính sách tiền tệ, là một trong các tín hiệu “bật đèn xanh” cho việc giảm lãi suất. Giới đầu tư đều đang đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 19/9 tới, vấn đề chỉ còn nằm ở việc giảm 25 hay 50 điểm cơ bản.

Ngoài sự thuận lợi từ yếu tố bên ngoài, nguồn cung USD dồi dào giúp tỷ giá giữ được đà giảm. Tính đến ngày 31/8, cả nước thu hút được hơn 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2024 theo ước tính sơ bộ ghi nhận mức xuất siêu 4,53 tỷ USD, qua đó nâng mức xuất siêu 8 tháng đầu năm 2024 lên 19,07 tỷ USD, gần ngang bằng mức 19,9 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Nội tại nền kinh tế cũng đang hỗ trợ xu hướng đi xuống của tỷ giá.

Ứng biến giữa biến động không ngừng

Biến động của USD - đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới cũng như chiếm phần lớn dự trữ ngoại hối của nhiều ngân hàng trung ương - khiến đồng tiền nhiều quốc gia biến động theo. Các cặp tỷ giá có lên có xuống, dù có những đồng tiền đã về ngang ngửa mức cuối năm, nhưng đã tác động đến không ít doanh nghiệp, nhất là nhóm có các khoản vay nợ bằng ngoại tệ, hay thực hiện các giao dịch thanh toán liên quan đến xuất nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chủ động thích ứng để hạn chế tác động của biến động tỷ giá lên hoạt động kinh doanh.

Chia sẻ trong buổi gặp mặt với các chuyên viên phân tích mới đây, lãnh đạo Tập đoàn FPT cho biết, xu hướng đảo chiều của yên Nhật (JPY) sẽ không có tác động đáng kể đến lợi nhuận ròng của Công ty. Nguyên nhân là trong giai đoạn này, FPT đã vay nợ bằng JPY (8,3 triệu JPY tính đến cuối quý II/2024) để phòng ngừa cho doanh thu bằng JPY (35,9 triệu JPY trong nửa đầu năm 2024). Do đó, ước tính biên lợi nhuận của Công ty cải thiện 0,5% cho mỗi 10% tăng giá của JPY.

Việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá giúp FPT không còn phải quan tâm quá nhiều đến yếu tố này. Kết quả kinh doanh phản ánh thực chất hiệu quả tăng trưởng của hoạt động kinh doanh lõi. Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FPT lần lượt tăng 21,4% và 21,2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ mảng công nghệ.

Cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của JPY, chỉ riêng lãi/lỗ do chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ đã giúp Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hưởng mức chênh 818 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2023. Đây cũng là yếu tố đóng góp đáng kể cho mức tăng 2.363 tỷ đồng của lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay.

Đến cuối tháng 6/2024, tỷ giá JPY/VND giảm 7,7%, nhưng đến nay gần như đã lấy lại những gì đã mất sau hai tháng. Nếu trạng thái trên tiếp tục duy trì, thì khoản lãi do chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ của ACV cũng sẽ “bốc hơi”. ACV có khoản vay bằng JPY trị giá khoảng 11.000 tỷ đồng, nghĩa là khi JPY tăng giá 1% so với VND, sẽ dẫn đến khoản lỗ tỷ giá 110 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong một báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, dù JPY biến động khá mạnh trong thời gian gần đây, nhưng không thấy có tác động quá lớn đến yếu tố cơ bản và định giá của ACV. Giá cổ phiếu ACV đã phản ánh một phần lo ngại về ảnh hưởng của JPY. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích từ SSI, đây cũng có thể là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu

Trong trường hợp JPY tăng giá thêm 5%, khối phân tích của SSI cho rằng, khoản lỗ tỷ giá 500 tỷ đồng vẫn khá nhỏ so với mức lợi nhuận trước thuế hiện tại. Ngoài ra, doanh thu của ACV tiếp tục đà phục hồi so với cùng kỳ nhờ lượng hành khách quốc tế tăng lên, dù lượng khách nội địa giảm do tình trạng thiếu máy bay. Doanh thu trên mỗi khách hiện tại đối với hành khách quốc tế cao hơn hành khách nội địa cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận của ACV.

Trái với doanh nghiệp có khoản vay bằng JPY, với nhiều doanh nghiệp có các khoản vay bằng USD đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá sâu trong nửa đầu năm, đồng bạc xanh giảm giá có thể mang về doanh thu tài chính trong quý III, tỷ giá USD/VND quay đầu giảm sau “sóng” tăng bất thường sẽ giúp thu hẹp khoản chi phí tài chính đã ghi nhận.

Tin bài liên quan