Doanh nghiệp tuần qua: Vinamilk xây Vinabeef; TH Truemilk đón thêm 2.000 bò Mỹ; Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tuyển tài xế

0:00 / 0:00
0:00
Vinamilk xây tổ hợp trang trại Vinabeef Tam Đảo 500 triệu USD; Thế Giới Di Động tạm dừng hợp tác với F88; TH nhập thêm gần 2.000 bò sữa từ Mỹ; Hoa Sen dự báo còn khó kéo đến 2024.
Phối cảnh tổ hợp trang trại & nhà máy chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo

Phối cảnh tổ hợp trang trại & nhà máy chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo

Vinamilk xây tổ hợp trang trại Vinabeef Tam Đảo 500 triệu USD

Dự án tổ hợp trang trại và nhà máy chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo do Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico) thuộc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn Sojitz Nhật Bản làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng trên diện tích gần 75 ha tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo và xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên với tổng mức đầu tư 500 triệu USD.

Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 1.670 tỷ đồng xây dựng các hạng mục: trang trại chăn nuôi – vỗ béo bò thịt với công suất 10,000 con/năm; nhà máy chế biến thịt bò công suất 30,000 con/năm.

Giai đoạn 2, nhà đầu tư mở rộng hoạt động chế biến sâu, cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc protein khác cho thị trường.

Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, dự án có mô hình đầu tư khép kín từ chăn nuôi – sản xuất - chế biến đến phân phối. Dự án xây dựng hệ thống cung cấp thịt bò tại Việt Nam và Đông Nam Á cũng như xuất khẩu đến nhiều thị trường ở châu Âu và châu Mỹ.

Hiện chủ đầu tư dự án đang phối hợp với địa phương, các cơ quan chuyên môn hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng. Trên cơ sở mặt bằng dự án được bàn giao, chủ đầu tư đang khẩn trương san gạt thi công nền, các hạng mục hạ tầng giao thông, điện, nước.

Chủ tịch Lê Phước Vũ của Hoa Sen Group: Thời điểm khó khăn nhất đã qua

Sáng ngày 10/03, Tập đoàn Hoa Sen đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên NĐTC 2022-2023 sau 1 năm khó khăn của ngành thép. HSG đặt mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023.

HSG đặt mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023
HSG đặt mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ, dự báo khó khăn dự kiến sẽ kéo dài hết năm 2023 và thậm chí tới năm 2024, vì lãi suất trong nước cao, chiến sự Nga-Ukraine và giá nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Ngoài ra, Fed cũng mới phát tín hiệu tiếp tục nâng lãi suất.

"Với tín hiệu mới từ Fed, chúng ta hiểu rằng, từ giờ đến cuối năm, lãi suất của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng. Điều này có nghĩa nhu cầu trên toàn cầu sẽ suy giảm vì mọi đồng tiền đều neo theo đồng USD.

Lãi suất cao sẽ tác động ngay tới tiêu dùng của hộ gia đình, họ sẽ thắt lưng buộc bụng và kéo giảm nhu cầu. Đồng thời, xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu vẫn rất khó khăn. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5%", ông Vũ cho biết.

Đây cũng là lý do hãng tôn mạ này đặt ra kế hoạch thụt lùi so với năm trước, với 2 kịch bản chính.

Ở kịch bản đầu tiên, Hoa Sen lên kế hoạch doanh thu 34 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023, với giả định sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn.

Trong kịch bản tích cực hơn, Công ty ước tính doanh thu là 36 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, với giả định sản lượng thành phẩm 1,5 triệu tấn.

Trong năm nay, doanh nghiệp tôn mạ này sẽ ưu tiên phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, đồng thời tập trung phát triển Hoa Sen Home - hệ thống siêu thị chuyên phân phối vật liệu xây dựng và nội thất.

Thời điểm khó khăn nhất đã qua, bắt đầu có lãi từ tháng 2/2023

Chủ tịch Lê Phước Vũ chia sẻ trong 4 tháng từ tháng 10/2022-1/2023, Hoa Sen lỗ hơn 800 tỷ đồng, trong đó riêng tháng 1/2023 lỗ hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hoa Sen đã bắt đầu có lãi trở lại trong tháng 2/2023, với ước tính lợi nhuận ròng khoảng 50 tỷ đồng. Tháng 3/2023, Hoa Sen dự báo có lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng.

"Thời điểm khó khăn nhất của Hoa Sen đã qua", ông Vũ nhận định. "Lượng hàng tồn kho giá cao đã xử lý xong".

Vị Chủ tịch cho biết hàng tồn kho của Hoa Sen hiện đủ dùng tới tháng 5. Giá thép thấp nhất mà Hoa Sen mua trong năm ngoái là 510 USD/tấn và giá tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Trong khi đó, hiện giá thép cán nóng (HRC) của Formosa đã lên 680 USD/tấn và đơn giá từ Trung Quốc cũng trên dưới 700 USD.

Như vậy, Hoa Sen sẽ có lợi nhuận tốt trong những tháng tới để bù cho những khoản lỗ của những tháng đầu NĐTC. "Trong năm nay, chúng ta có lãi đã là thành công lớn", ông Vũ chia sẻ.

Tình hình tài chính Hoa Sen cũng khá lành mạnh, với dư nợ dao động ở mức 3.000 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ 0.3-0.4 và không có tình trạng nợ xấu.

"Với một công ty xuất khẩu lớn và là công ty phân phối bán lẻ lớn, hệ số này là khá thấp", ông nói. "Chưa bao giờ, tình hình tài chính của chúng ta tốt như bây giờ. Đây là những điều kiện để chúng ta phát triển trong tương lai".

Thế Giới Di Động tạm dừng hợp tác với F88

Sau khi có thông tin về vụ việc F88 chi nhánh TP HCM bị cơ quan công an kiểm tra, phía Thế Giới Di Động đã có động thái tạm ngưng hợp tác với F88 để yêu cầu đối tác giải thích, làm rõ vấn đề liên quan.

Một khách hàng đang làm thủ tục vay tiêu dùng
Một khách hàng đang làm thủ tục vay tiêu dùng

Ngày 7/3, liên quan tới vụ Công ty CP Kinh doanh F88 đang bị cơ quan công an kiểm tra, đại diện Công ty Thế Giới Di Động (chủ hệ thống Thegioididong.com và Điện máy Xanh) cho biết đã gửi yêu cầu phía F88 giải thích chuyện gì đang xảy ra, đồng thời tạm thời ngưng hợp tác với F88.

Theo giải thích từ Thế Giới Di Động, trong thương vụ hợp tác với F88, Thế Giới Di Động chỉ làm trung gian kết nối giữa F88 và người có nhu cầu vay. Các thủ tục vay, xét duyệt, lãi suất, thời hạn trả nợ đều do phía F88 thực hiện.

Trước đó, từ cuối năm 2021, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã chính thức trở thành đối tác của Công ty CP Kinh doanh F88 (chủ sở hữu chuỗi cầm đồ F88). Theo đó, 2 bên sẽ hợp tác để cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt tại các cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh.

Trong công bố, Thế Giới Di Động giới thiệu F88 là một nhà cung cấp dịch vụ vay tiền với hệ thống hơn 500 phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước. "Sự hợp tác giữa Thế Giới Di Động và F88 hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm tiện lợi cho mọi người trong vấn đề tài chính" - công ty này kỳ vọng.

Theo đó, khách hàng của F88 có thể đến các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh để vay tiền mà không cần phải mua hàng. Tuy nhiên, khách hàng cần phải có tài khoản ngân hàng mới có thể sử dụng dịch vụ vay của F88.

Cũng theo thông báo của Thế Giới Di Động thời điểm đó, dịch vụ cho vay tiền mặt của F88 thực hiện tại các cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh yêu cầu người vay phải có chứng minh thư hoặc căn cước công dân và cà vẹt xe đứng tên chính chủ. Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng, phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại. Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên 1 kỳ quá hạn.

Từ tháng 3/2022, Thế Giới Di Động và F88 triển khai thêm cho dịch vụ vay tiền mặt đến khu vực miền Tây và 3 tỉnh miền Đông, khoản vay đến 20 triệu đồng.

TH nhập thêm gần 2.000 bò sữa từ Mỹ

1.941 bò sữa thuần chủng Holstein Friesian (HF) cập cảng Cửa Lò đêm 8/3, chuẩn bị gia nhập đàn bò sữa gần 70.000 con của TH trên toàn quốc.

Đoàn bò sữa Holstein Friesian (HF) cập cảng Cửa Lò, Nghệ An
Đoàn bò sữa Holstein Friesian (HF) cập cảng Cửa Lò, Nghệ An

Đại diện Tập đoàn TH cho biết, sau chuyến đi kéo dài 21 ngày, ngay khi đến Việt Nam, đàn bò được đưa về trại Tân Đáo để cách ly, phòng dịch theo đúng quy định quốc tế trong thời gian 45 ngày.

Đây là đợt nhập bò từ Mỹ lần thứ 2 trong năm 2023 của TH. Trước đó, ngày 1/1, doanh nghiệp đã đưa 2.380 con từ Arizona, Idaho đến Pennsylvania (Mỹ) về trang trại tại tỉnh Kaluga, Liên bang Nga, nơi doanh nghiệp đang triển khai dự án đầu tư Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao 2,7 tỷ USD.

"Để kịp tiến độ đón đàn bò về Việt Nam vào đầu tháng 3 này, các chuyên gia cấp cao Israel và Việt Nam từ Viện Nghiên cứu Bò sữa TH đã rút ngắn kỳ nghỉ Tết để dành thời gian tuyển lựa từng con trong đàn bò cao sản thuần chủng HF tại các trang trại ở Mỹ", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Đàn bò được tuyển lựa theo các tiêu chí từ lý lịch, phả hệ, tiềm năng di truyền đến ngoại hình, thể chất, tiềm năng năng suất sữa và khả năng chống đỡ bệnh tật ở vùng nhiệt đới.

Theo đánh giá của các chuyên gia TH, giống bò sữa HF tại Mỹ có năng suất sữa thuộc hàng cao nhất và các tính trạng di truyền ưu thế tốt hàng đầu thế giới. TH yêu cầu chỉ chọn những cá thể bò sữa có chỉ số giá trị di truyền GTPI trên 2.800. Chỉ số này giúp đánh giá tổng thể tiềm năng của bò sữa về sản lượng, khả năng sinh sản, chống đỡ bệnh tật và di truyền các yếu tố này cho thế hệ sau.

"Đa số bò nhập về lần này có chỉ số giá trị di truyền GTPI đạt từ 2.900-3.000. Chúng tôi nhận định đây là những con bò sữa giống tốt nhất của Mỹ về giá trị di truyền, đủ khả năng cải thiện di truyền cho một quần thể lớn", ông Gilad Efrat, Giám đốc Kỹ thuật Trang trại TH, người trực tiếp tham gia tuyển chọn, cho hay.

Theo vị này, đàn bò mới nhập khẩu về là bò tơ có độ tuổi từ 17-20 tháng, đều đạt tiêu chuẩn giống bò sữa HF theo các quy định và tiêu chí của Hiệp hội Bò sữa Mỹ. Các cá thể bò cũng có tiềm năng di truyền tính trạng số lượng tế bào soma thấp (dưới 100.000/ml sữa tươi) giúp hạn chế bệnh viêm vú.

Chuyên gia cho biết viêm vú là căn bệnh phổ biến ở bò sữa và nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng, độ sạch, an toàn của sữa tươi nguyên liệu. Các cá thể bò do TH nhập về có số lượng tế bào soma thấp nên sẽ hạn chế bệnh này, từ đó giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc thú y. "Kết hợp với con chip ‘mắt thần’ cảnh báo bệnh viêm vú trước 4 ngày, chúng tôi hoàn toàn có thể tự hào về chất lượng dòng sữa tươi sạch TH true Milk".

Đây là đợt nhập bò cao sản thuần chủng lần thứ 24 của TH về Việt Nam trong 14 năm qua. Bò sữa TH có khả năng cho năng suất sữa trung bình 11.000-12.500 lít mỗi con theo chu kỳ 305 ngày. Hàm lượng chất béo trong sữa đạt 3,6-3,8% và hàm lượng chất đạm trên 2,7%.

Tại Việt Nam, Tập đoàn TH đang phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Cao Bằng, Lâm Ðồng, Kon Tum, Phú Yên, An Giang. Riêng ở Nghệ An, năm 2020, tập đoàn này xác lập kỷ lục Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp định hướng sản xuất sữa tươi sạch phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu với các dòng sản phẩm tươi ngon, bổ dưỡng.

Công ty thuê xe và taxi của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tuyển tài xế

Công ty GSM do tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa thành lập đang thông báo tìm đối tác tài xế taxi với mức lương cứng lên đến 11 triệu đồng, hoa hồng lên đến 25% tổng doanh thu tháng.

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng công bố quyết định thành lập Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility), chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.

Đây là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai trên thế giới nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa, qua đó thúc đẩy lối Sống Xanh bền vững cho cộng đồng.

Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập với 95% tỷ lệ cổ phần. GSM hoạt động trong 2 mảng chính: cho thuê Ô tô - Xe máy điện và Taxi điện.

Cụ thể, GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô - xe máy điện để chở khách. Đồng thời, GSM cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện. Theo kế hoạch, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng tới tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc trong năm 2023.

Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.

Tin bài liên quan