Doanh nghiệp tuần qua: Thuduc House thay Chủ tịch lần thứ 4 trong 4 tháng; VNPT giữ khối tiền mặt khủng; hé lộ thù lao Chủ tịch HĐQT FLC

0:00 / 0:00
0:00
FECON muốn phát hành trái phiếu; VNPT giữ khối tiền mặt khủng; Thái Tuấn đầu tư từ sợi đến phụ kiện; Thuduc House thay Chủ tịch HĐQT lần thứ 4 trong 4 tháng...là một số tin DN nổi bật.
Lễ động thổ Dự án Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn

Lễ động thổ Dự án Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn

Thái Tuấn đầu tư khu phức hợp sợi – dệt – hoàn tất – may mặc – da giày – phụ kiện thời trang

Tập đoàn Thái Tuấn vừa động thổ Dự án Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn với tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng, tổng diện tích 85 ha tại Khu công nghiệp Đức Hòa III (Long An). Dự kiến, đây sẽ là Khu phức hợp công nghệ cao, sản xuất chuỗi công nghiệp sợi – dệt – hoàn tất – may mặc – da giày – phụ kiện thời trang hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ tập trung đầu tư vào đất, hạ tầng kỹ thuật; giai đoạn 2 tập trung đầu tư các nhà máy dệt, hoàn tất, phụ trang, trung tâm trưng bày sản phẩm, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực; giai đoạn 3 đầu tư nhà máy kéo sợi, kho vận.

Ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn chia sẻ: "Với định hướng trở thành thương hiệu quốc tế cung cấp sản phẩm thời trang toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, Thái Tuấn đã không ngừng đầu tư, phát triển mở rộng và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh".

Thái Tuấn đang có hệ thống phân phối hơn 2.000 đại lý kinh doanh sản phẩm vải rộng khắp cả nước, đang triển khai phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ áo quần thời trang trên toàn quốc. Song song đó, hoạt động xuất khẩu của Thái Tuấn cũng đã và đang mở rộng khắp thế giới, đến các thị trường như: Mỹ, Australia Canada, châu Âu, châu Á và Trung Đông.

FECON muốn huy động tối đa 150 tỷ đồng qua trái phiếu

FECON muốn phát hành tối đa 150.000 trái phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu

FECON muốn phát hành tối đa 150.000 trái phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu

Công ty cổ phần FECON vừa công bố nghị quyết HĐQT phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2022 lần 1. Theo phương án, FECON muốn phát hành tối đa 150.000 trái phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Tổng mệnh giá lên đến 150 tỷ đồng.

Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trái phiếu có thời hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm. Ngày phát hành dự kiến vào 13/06.

Toàn bộ số tiền thu được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo nghĩa vụ phải thanh toán khi triển khai các hợp đồng thi công.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, FCN chỉ ghi nhận doanh thu thuần gần 502 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Theo Công ty, nguyên nhân chủ yếu do tiến độ triển khai một số dự án lớn chậm hơn dự kiến nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng, khiến sản lượng thi công ở mức thấp, doanh thu suy giảm. Mặt khác, giá vốn giảm chậm hơn doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 16%, còn 88 tỷ đồng.

Thuduc House thay Chủ tịch HĐQT lần thứ 4 trong 4 tháng

Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) lại đổi vị trí Chủ tịch HĐQT.

Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) lại đổi vị trí Chủ tịch HĐQT.

Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) lại vừa thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT. Chỉ trong vòng 4 tháng, Thuduc House đã có 4 người nắm giữ vị trí này. Ông Nguyễn Huy Hoàng được bổ nhiệm giữ vị trí này kể từ ngày 9/6, thay cho ông Dương Ngọc Hải.

Tân Chủ tịch Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1975, trình độ cử nhân kinh tế. Ông Hoàng từng công tác Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Tập đoàn Intimex. Ông Hoàng còn làm việc tại Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển TP.HCM - Fideco dưới vai trò chuyên viên phòng dự án, phòng pháp lý trước khi gia nhập Thuduc House. Ông Hoàng vừa mới tham gia HĐQT Thuduc House sau đại hội cổ đông vào tháng 4 vừa qua.

Ông Dương Ngọc Hải giữ chức Chủ tịch Thuduc House trong chưa đầy 3 tháng. Ông Hải chỉ mới ngồi ghế Chủ tịch HĐQT từ cuối tháng 3 để thay thế cho người tiền nhiệm Lữ Minh Sơn xin thôi chức.

Dù xin rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT theo nguyện vọng cá nhân nhưng ông Hải vẫn đảm nhận vị trí thành viên HĐQT độc lập trong nhiệm kỳ 2020-2025, tức là không có bất cứ lợi ích liên quan đến Công ty.

Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm Công ty Phát triển nhà Thủ Đức phải thay đổi vị trí lãnh đạo cao nhất. Vào ngày 8/2, ông Lê Chí Hiếu từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT sau khoảng 30 năm gắn bó để nhường lại cho ông Lữ Minh Sơn. Tới ngày 14/3, ông Sơn đã từ nhiệm sớm để lại vị trí cho ông Dương Ngọc Hải.

Có thể thấy, chỉ sau hơn 4 tháng, Thuduc House đã trải qua 4 đời chủ tịch HĐQT.

Ngoài vị trí quyền lực nhất, hàng loạt cán bộ cấp cao của Thuduc House cũng bị thay đổi ở vị trí thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc hay Trưởng ban kiểm toán.

VNPT tăng nhẹ doanh thu, giảm mạnh lợi nhuận, giữ khối tiền mặt khủng

Trong năm 2021, VNPT đã nộp 5.408 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, bằng 102% kế hoạch.

Trong năm 2021, VNPT đã nộp 5.408 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, bằng 102% kế hoạch.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021.

Trong đó doanh thu tại tập đoàn đạt 51.272 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức khoảng 50.000 tỷ đồng của năm 2020. Dù tăng trưởng về doanh thu nhưng kết quả lợi nhuận sau thuế lại không được như kỳ vọng, đạt 5.055 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2021, VNPT đã nộp 5.408 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, bằng 102% kế hoạch.

Tổng giá trị các khoản tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của VNPT tại thời điểm cuối năm 2021 lên đến hơn 50.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, tương đương tăng gần 6.200 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2021. Khối tiền mặt này của VNPT lớn hơn mọi doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Kế hoạch năm 2022, VNPT cho biết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 6% trở lên so với năm 2021, lợi nhuận công ty mẹ tăng 6%, tổng doanh thu tăng 4% so với năm 2021, trong đó, tăng trưởng doanh thu công ty mẹ là 3% (theo kế hoạch được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước giao). Trong đó, doanh thu dự kiến 41.459 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.820 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn đầu tư của VNPT trong năm 2022 không quá 11.000 tỷ đồng.

FLC: Đại hội cổ đông bất thường bất thành, mức thù lao Chủ tịch HĐQT là 20 triệu đồng/tháng

FLC hoãn họp đại hội cổ đông bất thường do tỷ lệ tham dự dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tập đoàn này lùi lịch dự kiến đến ngày 2/7. Như vậy, nội dung về đề xuất thù lao cho các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát... chưa được thông qua.

Do tỷ lệ tham dự dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết, FLC hoãn đại hội cổ đông bất thường

Do tỷ lệ tham dự dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết, FLC hoãn đại hội cổ đông bất thường

Tại tờ trình gửi cổ đông, FLC đề xuất mức thù lao cho Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này là 20 triệu đồng/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm, các thành viên trong HĐQT sẽ nhận 15 triệu đồng/người/tháng, tương đương 180 triệu đồng/năm.

Thù lao cho Trưởng ban kiểm soát là 15 triệu đồng/người/tháng, tương đương 180 triệu đồng/năm; các thành viên còn lại trong ban kiểm soát sẽ nhận 10 triệu đồng/người/tháng, tương đương 120 triệu đồng/năm.

Hiện tại, HĐQT của FLC chỉ có 3 người gồm Chủ tịch HĐQT Đặng Tất Thắng, 2 thành viên HĐQT là Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền và ông Lã Quý Hiển.

Cũng theo tài liệu họp, họp đại hội bất thường lần này của FLC chủ yếu để miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung, đồng thời bầu ra 2 nhân sự thay thế, bao gồm cả thành viên HĐQT độc lập.

FLC cũng sẽ trình cổ đông miễn nhiệm chức danh với 3 thành viên Ban kiểm soát, gồm bà Phan Thị Bích Phượng, ông Nguyễn Chí Cương và ông Nguyễn Đăng Vụ sau khi các cá nhân này có đơn từ nhiệm. Hiện tại, FLC mới công bố danh sách 3 ứng viên để bầu thành viên Ban kiểm soát, gồm ông Vũ Minh Tuấn, ông Nguyễn Xuân Hòa và ông Nguyễn Quang Thái, đều là nhân sự của tập đoàn.

Trong khi đó, FLC cho biết sẽ công bố danh sách ứng viên bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 thay ông Quyết và bà Dung trước ngày 10/6, tuy nhiên, danh sách này đến nay vẫn chưa được công bố.

Tin bài liên quan