Vinatex chọn thu nhập cho 62.000 lao động thay vì 1.500 tỷ đồng lợi nhuận
Để giữ ổn định thu nhập cho 62.000 lao động, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chấp nhận mất 1.500 tỷ đồng lợi nhuận. Đó là khẳng định của ông Cao Hữu Hiếu, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinatex.
Ông Hiếu nhấn mạnh, 2023 là năm đặc biệt khó khăn với diễn biến của thị trường và kinh tế thế giới, nhu cầu thấp. Trong ngành may, các đơn vị liên tục thiếu đơn hàng, lượng đơn hàng và đơn giá gia công đều giảm 20-30% (cá biệt có đơn hàng giá giảm đến 40%). Ngành sợi, thị trường sợi ảm đạm, tín hiệu đơn hàng chỉ tính theo tháng, đơn vị phải kinh doanh dưới giá thành…
Kết quả, doanh thu 2023 của Tập đoàn ước đạt 17.225 tỷ đồng và lãi trước thuế 377 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 12% và 69% so với năm 2022.
Trước đó, cuối tháng 5/2023, ĐHĐCĐ thường niên của Vinatex thông qua kế hoạch doanh thu 2023 đạt 17.500 tỷ đồng và lãi trước thuế khoảng 610 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 50% so với cùng kỳ.
Đến cuối tháng 11/2023, cổ đông Vinatex nhất trí điều chỉnh giảm 6% chỉ tiêu doanh thu xuống mức 16.500 tỷ đồng và giảm 39% mục tiêu lãi trước thuế còn 370 tỷ đồng. Nhờ đó, Tập đoàn đã vượt cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra, lần lượt ở mức 4% và 2%.
Tổng giám đốc Vinatex thông tin, tổng số lao động toàn Tập đoàn là 61,956 người, thu nhập bình quân đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng (bằng 98% năm 2022 và bằng 95% kế hoạch).
Để đạt kết quả trên, các doanh nghiệp trong Tập đoàn có nhiều giải pháp như chấp nhận những đơn hàng đơn giá thấp, không có lãi nhưng người lao động có việc làm; nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm thì bố trí làm việc luân phiên, nghỉ thứ bảy, không tăng ca, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, thu nhập…
“Với đơn giá thấp, các doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ ổn định thu nhập cho người lao động. Phương thức này làm giảm lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Sang năm 2024, dự báo thị trường tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.500 tỷ đồng và lãi trước thuế 390 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 2% và 4% so với năm 2023.
ACV ước lợi nhuận trước thuế 2023 vượt kế hoạch
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hé lộ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV cho biết, năm 2023, Công ty đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, cùng với các xung đột kinh tế chính trị thế giới. Trong khi đó, tình hình phát triển kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh lương thực, năng lượng… Về ngành hàng không, thị trường vận tải hàng không quốc tế có phục hồi nhưng chưa đạt mức kỳ vọng.
Tuy vậy, ACV vẫn ghi nhận kết quả lạc quan trong năm 2023. Tổng doanh thu ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm và tăng 26% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch năm và tăng 14% so với năm 2022.
Đại diện ACV cho biết các chỉ số tài chính được duy trì lành mạnh, với hệ số ROA là 10,95% và ROE đạt 14,89%.
Trong năm 2023, ACV phục vụ 113,5 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 32,6 triệu lượt khách, tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1.207 ngàn tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710 ngàn lượt chuyến.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản “sạch” nợ trái phiếu
Công ty TNHH Điền Phát Land, Công ty TNHH Hoa Kim Anh, Công ty TNHH Vinh An Điền, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Đắk Lắk, Công ty TNHH Minh Khang Điền, Công ty TNHH MTVSunrise Power Đăk Psi, CTCP City Garden, CTCP Hong Lim Land, CTCP Địa ốc Downtown, Năm Bảy Bảy, C.E.O, HDG chi từ 157 tỷ đồng đến 770 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn, đồng thời xóa hết nợ trái phiếu. Tổng số tiền đã chi của những doanh nghiệp này là hơn 5,1 ngàn tỷ đồng.
Trong số kể trên, nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái CTCP Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm) - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) gồm có Điền Phát Land, Hoa Kim Anh, Hong Lim Land, Minh Khang Điền, Vinh An Điền.
CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng chi nốt 290 tỷ đồng trong nỗ lực xóa toàn bộ khoản nợ 490 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, phát hành vào tháng 06/2021. Số tiền huy động được dùng để hợp tác đầu tư với Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm. Ngoài ra, NBB còn thể hiện mục đích huy động 200 tỷ đồng trái phiếu đợt 2 dùng để làm dự án khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi ở tỉnh Quảng Ngãi.
Tập đoàn C.E.O có 220 tỷ đồng nợ trái phiếu từ đầu năm, trước khi chủ động giảm toàn bộ gánh nặng trái phiếu từ giữa năm 2023.
Tập đoàn Hà Đô không còn nợ trái phiếu sau khi thanh toán 210 tỷ đồng trong quý 1/2023.
Dòng tiền tăng mạnh từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp tạo động lực để Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc quyết định giảm nợ vay, bao gồm xóa toàn bộ 2,4 ngàn tỷ đồng nợ trái phiếu ra khỏi sổ sách. Từ đầu năm, KBC đã tất toán 1 lô trái phiếu đến hạn và mua lại trước hạn đối với 2 lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 06/2023 và tháng 11/2024 theo kế hoạch.
CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Dương - chủ đầu tư dự án La Vida Residences tại Vũng Tàu lãi “khủng” sau nửa đầu năm 2023, nhờ đó thanh toán hết nợ cho các trái chủ với tổng số tiền 1.200 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn cũng có kết quả kinh doanh thuận lợi là động lực lớn để trả dứt điểm 220 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Tập đoàn Hateco - chủ đầu tư các dự án gắn với cái tên Hateco như Hateco Laroma, Hateco Green Park, Hateco Green City, cuối năm vừa qua lãi đậm 421 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước, tạo điều kiện thuận lợi để Hateco tất toán đúng hạn lô trái phiếu 310 tỷ đồng kết thúc vào tháng 3/2023.
CTCP Đầu tư Thương mại Bright Jupiter cũng thu lãi lớn trong năm 2022, trong khi năm trước đó lỗ, nhờ vậy đã mạnh tay dùng 485 tỷ đồng mua lại sớm 1 năm lô trái phiếu duy nhất còn lưu hành. Tương tự, CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong, CTCP Vui chơi Giải trí Tổng hợp Tam Giang (thành viên Tập đoàn BRG) cũng nhanh chóng hoàn tất sớm nghĩa vụ với các trái chủ...
Vietravel đạt kỷ lục doanh thu
Tập đoàn Vietravel ước doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2022.
Theo số liệu thống kê, Vietravel đã phục vụ 730.314 lượt khách; đạt doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, tăng 29% về lượt khách và 56% về doanh thu so với năm 2022, vượt nhẹ kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, đồng thời chiếm 87% lượng khách so với thời kỳ trước dịch COVID-19 (năm 2019). Riêng quý IV/2023, doanh số của Vietravel ước thực hiện 1.435 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ khách hàng, Vietravel đã tiến hành ký kết - hợp tác phát triển du lịch song phương với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Singapore, Tổng cục Du lịch Hồng Kông...
Đối với mảng hàng không, Vietravel Airlines cũng đang trong quá trình tái cơ cấu tổ chức.
Điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2023 là việc bổ nhiệm ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, làm thành viên HĐQT độc lập. Ông Philipp Rösler giữ vai trò cố vấn chiến lược, nhằm mở rộng hợp tác quốc tế đến năm 2027.
Đồng thời, sự gia nhập của ông Nguyễn Minh Hải với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, cùng với ông Andrew J Pyne, một chuyên gia hàng không kỳ cựu hơn 30 năm kinh nghiệm, sẽ hỗ trợ thêm cho Vietravel.Bên cạnh đó, Vietravel Airlines đã mở rộng mạng đường bay trong và ngoài nước.