Doanh nghiệp tuần qua: Nhà sáng lập Novaland trở lại ghế Chủ tịch; Tổng giám đốc Trí Việt từ nhiệm; CEO Lê Hồng Minh gia nhập CLB nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
Tuần đầu tháng 2/2023, ông Bùi Thành Nhơn được bầu Chủ tịch HĐQT Novaland; Trí Việt có Tổng giám đốc mới; CEO Lê Hồng Minh của VNG gia nhập CLB tài sản nghìn tỷ; Dàn lãnh đạo nhiều ngân hàng thay đổi.

Nhà sáng lập Novaland Bùi Thành Nhơn trở lại ghế Chủ tịch

Ngày 03/02/2023, HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đã thống nhất bầu ông Bùi Thành Nhơn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Việc này đã được công bố hồi tháng 11/2022, sau hơn một năm chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Xuân Huy. Novaland khi đó dẫn lời ông Nhơn cho biết ông muốn trở lại "vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức bởi trở ngại này qua đi, khó khăn khác sẽ đến".

Theo công bố mới nhất, Novaland đã điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 thành viên và bầu cử lại thành viên Hội đồng Quản trị.

Ông Bùi Thành Nhơn.

Ông Bùi Thành Nhơn.

Ông Bùi Thành Nhơn đồng thời là người đại diện pháp luật của Novaland.

Theo đề án tái cấu trúc, Tập đoàn sẽ tinh gọn bộ máy, sơ đồ tổ chức có nhiều sự thay đổi, có sự tách bạch và phân quyền hoạt động độc lập, giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành, từng cá nhân được giao quyền và trách nhiệm rõ ràng.

Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, ông Bùi Thành Nhơn cùng các cộng sự đã vững vàng vượt qua các giai đoạn khó khăn để cùng chèo lái con thuyền Nova. Từng đối mặt với cơn khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1999, khủng hoảng Kinh tế toàn cầu 2008 và rất nhiều khó khăn khác nhưng Nova vẫn kiên định vượt khó vươn lên.

Trong thông điệp đầu năm mới gửi toàn thể nhân viên, ông Nhơn đã viết: "Sau 30 năm hình thành và phát triển, Novaland đã là Thương hiệu Quốc gia. Tôi tin rằng tất cả các thành viên đang làm việc hoặc đã rời khỏi Tập đoàn đều nhận thấy mọi công sức của mỗi chúng ta đều mong muốn mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và cho sự phát triển của đất nước.”

Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 257.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho chiếm hơn 134.000 tỷ đồng trong số này, chủ yếu là giá trị quỹ đất và các dự án đang xây dựng.

Tổng giám đốc Trí Việt nộp đơn từ nhiệm

Theo công bố gần đây của CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC), Tổng giám đốc Đỗ Thanh Hà đã nộp đơn từ nhiệm lên HĐQT. Lý do được đưa ra trong đơn là vì lý do sức khỏe và điều kiện cá nhân không cho phép.

Ông Đỗ Thanh Hà không còn là Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC).

Ông Đỗ Thanh Hà không còn là Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC).

Thay thế, Công ty bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hằng thay thế từ ngày 30/1/2022. Song song, TVC cũng miễn nhiệm chức danh Kế toán trưởng với ông Lê Thanh Tùng, bầu bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ thay thế.

Động thái của ông Hà diễn ra sau khi TVC phát đi thông báo triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, dự kiến diễn ra ngày 15/03. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự cuộc họp là 02/02.

Cuộc họp dự kiến được tổ chức tại Hà Nội qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nội dung dự kiến tại đại hội là việc kiện toàn nhân sự HĐQT và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo điều lệ Công ty.

Việc TVC triệu tập ĐHĐCĐ để kiện toàn bộ máy nhân sự diễn ra trong bối cảnh cựu Chủ tịch Công ty - ông Phạm Thanh Tùng đã bị khởi tố vì tội thao túng thị trường chứng khoán, liên quan tới vụ Louis Holdings.

Công ty cũng vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2022, ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 26,6 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm nhưng chi phí giá vốn của TVC lại tăng 40% lên 26,7 tỷ đồng khiến TVC lỗ gộp 123 triệu đồng. Khấu trừ chi phí, TVC lỗ 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 119 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của TVC đạt 154 tỷ đồng, giảm 64% so với năm ngoái và lỗ sau thuế 380 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 547 tỷ đồng.

CEO Lê Hồng Minh của VNG gia nhập CLB tài sản nghìn tỷ

Ngày 1/2/2023, sau 13 phiên "trắng" thanh khoản, CTCP VNG chính thức ghi nhận những cổ phiếu đầu tiên được khớp lệnh trên sàn chứng khoán.

CEO Lê Hồng Minh.

CEO Lê Hồng Minh.

Kết phiên giao dịch, cổ phiếu VNZ của VNG đã tăng kịch trần ( tăng 96.000 đồng, +40%) lên mức 336.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hoá VNG lên 12.000 tỷ đồng. Đây là mức thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán thời điểm hiện tại.

Với biên độ phiên khớp lệnh đầu tiên sau khi chào sàn UpCOM lên đến 40%, VNZ đã lập kỷ lục trở thành cổ phiếu có mức tăng trong một phiên mạnh nhất lịch sử tính theo số tuyệt đối. Con số này thậm chí còn cao hơn thị giá của phần lớn cổ phiếu trên toàn sàn chứng khoán.

Kỷ lục mới mà VNZ thiết lập cũng chính thức đưa ông Lê Hồng Minh, CEO VNG gia nhập CLB những người sở hữu tài sản nghìn tỷ trên sàn giao dịch.

Cụ thể, với 3.525.837 cổ phiếu VNZ đang nắm giữ (tương đương nắm 9,837% vốn VNG), tính theo thị giá hiện tại của VNZ, khối tài sản của ông Minh đã tăng lên mức 1.185 tỷ đồng.

So với dàn lãnh đạo nhóm các công ty công nghệ, ông Minh đã vươn lên trở thành người giàu thứ 4, xếp sau 3 đại diện liên quan đến cổ phiếu FPT và vượt Phó chủ tịch FPT Đỗ Cao Bảo.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT là lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ sở hữu khối tài sản lớn nhất (6.350 tỷ). Nhiều lãnh đạo FPT cũng xuất hiện áp đảo thống kê này.

Dàn lãnh đạo cấp cao của nhiều ngân hàng thay đổi

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ đối với ông Anrban Roy, Phó tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghệ và Chuyển đổi số từ ngày 1/2/2023.

Lý do miễn nhiệm theo công văn thông báo thay đổi nhân sự của OCB gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM là vì hết hạn hợp đồng lao động.

Ông Anrban Roy sinh năm 1967, có trình độ Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, được bổ nhiệm làm Phó tổng Giám đốc phụ trách Khối công nghệ của OCB từ ngày 1/2/2021.

Hiện OCB còn 5 Phó tổng Giám đốc là ông Trương Đình Long, ông Trương Thành Nam, ông Nguyễn Văn Hương, bà Huỳnh Lê Mai và ông Bùi Thành Trung.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank) cũng đã công bố quyết định cho ông Lê Văn Ron thôi nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc ngân hàng kể từ ngày 1/2/2023.

Ông Lê Văn Ron sinh ngày 22/02/1967, đã có 32 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế-tài chính-ngân hàng. Ông Ron được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Sacombank kiêm Giám đốc Khối quản lý rủi ro từ ngày 11/7/2017.

Hiện Ban điều hành Sacombank gồm có Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm và 12 Phó tổng giám đốc.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nguyễn Thanh Tùng vừa chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vietcombank kể từ ngày 30/1/2023.

Ông Tùng sinh năm 1974, là cử nhân Kinh tế Ngoại thương, Đại học Ngoại thương và cử nhân Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ông đã gắn bó với Vietcombank 26 năm và kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng. Ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành từ tháng 8/2021 đến nay.

Cũng trong thời gian này, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ra quyết định cử bà Lê Thị Bích Phượng, Phó tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBank thay ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/1/2023.

Bà Lê Thị Bích Phượng sinh năm 1977, tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Cử nhân Tiếng Anh - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Bà có 19 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, có kinh nghiệm chuyên sâu trong mảng kinh doanh bán lẻ và phát triển kênh phân phối...

Bà Phượng được Hội đồng quản trị tuyển dụng và bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc tại ABBank từ ngày 2/12/2022.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa có Tổng giám đốc mới là ông Faussier Loic Michel Marc.

Ông Loic Faussier (quốc tịch Pháp) đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc ngân hàng từ ngày 3/1/2023 và quyết định có thời hạn trong vòng 2 năm.

Ông Loic Faussier sinh năm 1972 tại Pháp, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế của Đại học Paris Assas và sở hữu 2 bằng thạc sỹ gồm Thạc sỹ tài chính - Đại học Paris Dauphine và Thạc sỹ Luật kinh doanh - Học viện Chính trị Paris.

Ông đã có hơn 25 năm kinh nghiệm công tác tại nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn ở Pháp, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Trước khi được bổ nhiệm chính thức chức vụ Tổng giám đốc SeABank, ông Loic Faussier là Phó tổng giám đốc cao cấp phụ trách điều hành hoạt động ngân hàng từ tháng 7/2022 và từng là Thành viên độc lập Hội đồng quản trị của SeABank nhiệm kỳ 2018-2023, được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng của ngân hàng và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của SeABank trong thời gian qua.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), từ giữa tháng 1/2023, ông Nguyễn Khắc Nguyện và ông Ngô Tấn Long đã được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc ngân hàng với thời hạn lần lượt là 3 năm và 1 năm.

Tin bài liên quan