Doanh nghiệp tuần qua: MWG đến quốc gia vạn đảo; Angimex đưa gạo tới Tây phi; VinFast xây 3.000 trạm sạc

0:00 / 0:00
0:00
VinFast xây 3.000 trạm sạc cho xe điện. Thế giới di động đặt chân Indonesia; Angimex đưa gạo tới Tây phi; IPPG muốn mở rộng sân bay Phú Quốc

Thế giới di động lấn sang Indonesia

PT Erafone Artha Retailindo (EAR) có khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ tại Indonesia
PT Erafone Artha Retailindo (EAR) có khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ tại Indonesia

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) chính thức tham gia vào thị trường đồ điện gia dụng tại Indonesia thông qua việc lập liên doanh với Erafone - một công ty con của Tập đoàn Erajaya.

Thông qua công ty con là Công ty cổ phần Thế giới di động, Thế giới di động chính thức tham gia vào thị trường đồ điện gia dụng tại Indonesia thông qua việc lập liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue) với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya.

Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ khách vào giữa năm 2022 tại Jakarta và bắt đầu tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa trong ngành bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng.

“Erafone là một đối tác uy tín và đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại tại Indonesia mà chúng tôi đã có cơ duyên gặp gỡ và trao đổi nhiều năm trước. Chúng tôi tin rằng với sự cộng tác chân thành của cả Erafone và MWG thì liên doanh Era Blue trong thời gian ngắn sẽ trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 và uy tín nhất tại Indonesia, mang lại nhiều giá trị cho cả Erafone và MWG”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG nói.

Việc mở rộng kinh doanh sang các quốc gia trong khu vực đã được ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thế giới di động liên tục nhắc đến trong hơn một năm qua khi mà tại Việt Nam, hãng này đã chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ điện thoại di động và hơn 40% thị phần bán lẻ điện máy.

Như vậy Indonesia sẽ là thị trường thứ ba mang về doanh thu cho Thế giới di động, sau Việt Nam và Campuchia (với chuỗi Bluetronics).

Về phía PT Erafone Artha Retailindo (EAR), đây là công ty con của Tập đoàn Erajaya, đang có khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ tại Indonesia, chuyên cung cấp thiết bị viễn thông, máy tính bảng, laptop và các sản phẩm khác trong cùng hệ sinh thái.

Angimex xuất khẩu gạo cho Sierra Leone ở Tây phi

AGM sẽ xuất gạo sang Sierra Leone với giá trị lên đến 3 triệu tấn gạo trong 3 năm. Ảnh: ST

AGM sẽ xuất gạo sang Sierra Leone với giá trị lên đến 3 triệu tấn gạo trong 3 năm. Ảnh: ST

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vừa ký biên bản ghi nhớ hợp đồng xuất khẩu gạo 3 năm sang quốc gia Tây Phi. Đây cũng là biên bản nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio sang Việt Nam mới đây.

Theo hợp đồng, AGM sẽ xuất gạo sang Sierra Leone với giá trị lên đến 3 triệu tấn gạo trong 3 năm, tổng giá trị ký kết lên đến 1,3-1,4 tỷ USD, tương đương đóng góp đến 60-70% doanh thu thời gian tới.

AGM cũng sẽ chuyển giao mô hình cánh đồng mẫu cho các doanh nghiệp Cộng hòa Sierra Leone.

Cánh đồng mẫu là yếu tố đầu tiên của AGM để đảm bảo nguồn lúa đầu vào đạt chất lượng cao. Việc mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn là một trong các giải pháp nâng cao giá trị hạt gạo cho xuất khẩu theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân sẽ đưa các giống lúa có năng suất và chất lượng cao gieo sạ đồng loạt cùng một giống, cùng một cánh đồng.

AGM là một trong số thành viên Tập đoàn Louis Holdings. Công ty hoạt động trong lĩnh vực lương thực, vật tư nông nghiệp, thương mại dịch vụ… với ngành hàng chủ lực là lúa, gạo. Đến nay, sản phẩm gạo của Công ty được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia năm qua AGM đã lọt vào top 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu công suất các nhà máy chế biến gạo đạt tổng sản lượng tối đa lên đến 1 triệu tấn tấn/năm; mục tiêu doanh thu đạt hơn 8.004 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn gấp đôi và tăng 22% so với kết quả đạt được trong năm 2021.

Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT AGM chia sẻ thêm: "Hiện nay, tình hình Nga - Ukraina căng thẳng, nhu cầu cũng như giá thực phẩm tăng đang là cơ hội xuất khẩu gạo lớn cho Việt Nam cũng như các doanh nghiệp như AGM”.

VinFast bàn với EVN NPC về kế hoạch xây dựng 150.000 cổng sạc cho xe điện

VinFast đặt mục tiêu xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc trong toàn quốc. Ảnh: ST

VinFast đặt mục tiêu xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc trong toàn quốc. Ảnh: ST

Mục tiêu của VinFast là xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc trong toàn quốc để đảm bảo việc lưu thông của xe điện. Tại các tỉnh phía Bắc, số trạm sạc dự kiến là 200 với các trụ sạc được đầu tư có công suất 60 kW, 150 kW và 300 kW. Thời gian dự kiến sẽ hoàn thành trong Quý II và Quý III/2022.

Để thực hiện, VinFast phải đầu tư trạm biến áp và đường dây để đấu nối vào đường trung thế gần nhất trong phạm vi VinFast đạt được các thỏa thuận với bên thuê đất khi đặt trạm sạc. VinFast phải đảm bảo việc ngắt thiết bị khi có sự cố hoặc có những vấn đề liên quan trong thanh toán tiền điện.

Đối với việc ký hợp đồng mua bán điện, Tổng công ty sẽ ký với VinFast dựa trên hợp đồng thuê đất mà VinFast thỏa thuận với bên thuê khi đặt các trạm sạc. Thủ tục kinh doanh mua bán điện được các Công ty Điện lực thực hiện theo một mẫu thống nhất với khách hàng khi thực hiện đấu nối.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ đảm bảo việc cung cấp điện cho VinFast một cách tốt nhất, trên cơ sở VinFast phải thực hiện đúng quy định của Luật Điện lực và quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

FPT Retail đặt mục tiêu mở 700 cửa hàng thuốc Long Châu

FRT muốn có 700 cửa hàng Long Châu đến cuối năm 2022. Ảnh: ST

FRT muốn có 700 cửa hàng Long Châu đến cuối năm 2022. Ảnh: ST

FPT Reatail (FRT) vừa trình cổ đông mục tiêu đạt 27,000 tỷ đồng doanh thuần và 720 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận mục tiêu cao nhất từ khi thành lập của Công ty.

FRT cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2022 nâng tổng số FPT Shop lên 717 cửa hàng và chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 700 cửa hàng.

Về phát triển FPT Shop, FRT có kế hoạch đưa vào hệ thống những dịch vụ, sản phẩm mới như thử nghiệm các điểm bán PC Gaming, nghiên cứu triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo, đẩy mạnh mô hình bán hàng "B2B2C" cho khách hàng là cán bộ nhân viên Tập đoàn FPT...

Năm 2021, FPT Retail đạt 22,495 tỷ đồng doanh thu thuần và 444 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 53% và gấp 17.8 lần năm 2020. Tuy nhiên, biên lãi gộp đi ngang ở mức 14%.

Động lực tăng trưởng của FRT trong năm 2021 đến từ ngành ICT và chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trong đó, doanh thu laptop ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, tăng gấp 2.2 lần năm 2020, nhờ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà tăng đột biến trong quý 3. Chuỗi nhà thuốc Long Châu ghi nhận doanh thu gấp 3.3 lần, đóng góp 35% tăng trưởng của năm 2021, nhờ mở rộng thêm 200 cửa hàng mới và các shop cũng tăng trưởng 2 con số.

So với mục tiêu 2021 đạt 16,400 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, FRT vượt 38% chỉ tiêu doanh thu và vượt 362% mục tiêu lợi nhuận.

Tin bài liên quan