Doanh nghiệp tuần qua: Một tuần đầy thử thách, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch PVN, CEO Gelex nói gì

0:00 / 0:00
0:00
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, doanh nhân Mai Hữu Tín, Nhà sáng lập TH TrueMilk, Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng, CEO GELEX ghi lại những dấu ấn gì trong một tuần đầy thử thách với giới kinh doanh.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: Chính sách càng hoàn thiện, những doanh nghiệp chân chính và tốt càng dễ làm

Ngày 11/5, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã trả lời phần lớn câu hỏi của các cổ đông.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trả lời các câu hỏi của cổ đông

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trả lời các câu hỏi của cổ đông

Với Vinfast, ông Vượng cho biết, nhà máy ở Mỹ được thiết kế với công suất 150.000 xe/năm. Trong năm 2022, kế hoạch là 17.000 xe và phần đặt hàng tại Mỹ đã là 4.000 xe.

Chủ tịch Vingroup cũng nói muốn phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ cho ô tô. Vũng Áng và các khu bất động sản công nghiệp khác của Vingroup đều sẽ hướng đến mời gọi nhà đầu tư sản xuất linh kiện, trước tiên là ưu tiên cho xe điện, sau đó mới cho các phần khác.

Hiện nay mức độ nội địa hóa của VinFast đã đạt khoảng 60% và trong tương lai sẽ tiến tới khoảng 80% nội địa hóa theo các tiêu chuẩn công bố bây giờ.

Chủ tịch Vingroup nhận định, với VinFast, lúc này đang là thời cơ vàng để có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng thương hiệu, tạo dựng vị thế và Vingroup đang rất quyết liệt ngày đêm, giải quyết tìm kiếm từng linh kiện, từng nguồn cung.

Để giải quyết vấn đề này, Vingroup đang thúc đẩy rất mạnh mẽ chiến lược nội địa hóa linh kiện. "Chúng tôi đang mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam. Vingroup thậm chí có những ưu đãi rất lớn cho họ: miễn thuê đất, miễn tiền thuê nhà xưởng 10-15 năm để họ có thể đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất", ông Phạm Nhật Vượng nói.

Với Vinhomes, ông khẳng định: "Vinhomes làm ăn chân chính, nghiêm túc, thượng tôn pháp luật thì là cơ hội chứ không phải thách thức. Chúng tôi không chia lô bán nền, không làm dự án ảo, không chụp giật, mà càng làm thì càng tạo ra giá trị".

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I: Chúng ta biến những doanh nghiệp đang bình thường trở nên tốt hơn

"Nếu được lựa chọn thì tôi sẽ không dùng từ ‘giải cứu. Tôi thích dùng từ ‘xoay chuyển’ hơn. Chúng ta biến những doanh nghiệp đang bình thường trở nên tốt hơn", ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I, doanh nhân được mệnh danh là "ông trùm giải cứu" chia sẻ tại số đầu tiên của The Next Power.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I (ngoài cùng, bên phải)

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I (ngoài cùng, bên phải)

Thương vụ gần nhất vào năm 2017, Công ty Xây dựng U&I của ông Tín thâu tóm cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành sau sự rút lui nhanh chóng của Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) khi phát hiện nhiều sai phạm trong số liệu tồn kho, doanh thu khống và công nợ của công ty gỗ này.

Trước đó từ năm 2013, TTF có khoản vay ngân hàng lên tới 1.900 tỷ đồng do sử dụng đòn bẩy tài chính để huy động vốn trên sàn chứng khoán.

Sau 4 năm đi tìm nguyên nhân và giải quyết "khối u" trên, tháng 12/2021 TTF cho biết đã thanh toán xong khoản nợ cuối cùng với ngân hàng và chào bán thành công 59,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với 18 nhà đầu tư cá nhân, thu về 594,6 tỷ đồng. Công ty cũng đề ra tham vọng tham gia cuộc chơi 1 tỷ USD tại ASEAN.

Trước TTF, ông Tín ghi dấu là "ông trùm giải cứu" khi thực hiện các thương vụ M&A và vực dậy thành công Bồn nước Toàn Mỹ năm 2007 và Giấy Sài Gòn năm 2013.

Chia sẻ tại chương trình, ông Tín nhấn mạnh việc ông đã đổi mới Gỗ Trường Thành ở ba khía cạnh. Thứ nhất, đầu tư vào việc thiết kế để sản xuất những sản phẩm cao cấp và có giá trị cao hơn. Thứ hai, đầu tư vào công nghệ phù hợp với Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu lớn hơn của thị trường bên ngoài. Thứ ba, đổi mới quản trị để tất cả người lao động trong doanh nghiệp có tiếng nói và tham gia vào quá trình thay đổi doanh nghiệp.

“Với tôi cái đó còn quan trọng hơn những thành quả tài chính”, ông Tín nhấn mạnh vai trò của bộ máy quản trị. “Đó mới là xương sống của việc thay đổi để chúng ta có thể nhân rộng ra. Đó chính là cái Việt Nam cần nhất”.

Bà Thái Hương vào Top 10 phụ nữ châu Á vì sự phát triển bền vững

Bà Thái Hương - đại diện Việt Nam duy nhất trong danh sách 10 phụ nữ vì sự phát triển bền vững 2021 tại châu Á do tổ chức CSRWorks International bình chọn.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH

Top 10 Phụ nữ vì sự phát triển bền vững tại châu Á (Asia’s Top Sustainability Superwoman 2021) năm nay ghi nhận sự góp mặt của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức xã hội đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Ấn Độ và Việt Nam.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true Milk) là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam trong danh sách này. Theo CSRWorks International - đơn vị hàng đầu tư vấn thực hành phát triển bền vững tại châu Á, bà Hương được ghi nhận nhờ những thành tựu trong hành trình dẫn dắt phát triển bền vững tại TH cũng như đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, xã hội, môi trường tại Việt Nam.

Bà Thái Hương dẫn dắt sự thay đổi trong và ngoài tổ chức của mình thông qua các chiến lược, sáng kiến phát triển bền vững và các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Chiến lược phát triển bền vững của TH có 6 trụ cột, gồm: dinh dưỡng - sức khỏe, môi trường, con người, giáo dục, cộng đồng, phúc lợi động vật.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng: Dấu mốc quan trọng của Nhiệt điện Thái Bình 2

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 từng khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đau đầu đã chính thức 'hồi sinh' khi phát điện tổ máy số 1 chạy dầu lên lưới điện quốc gia vào chiều 13/5.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng (hàng đứng, thứ hai bên phải) trong ngày hòa lưới điện Tổ máy số 1 Nhiệt điện Thái Bình 2

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng (hàng đứng, thứ hai bên phải) trong ngày hòa lưới điện Tổ máy số 1 Nhiệt điện Thái Bình 2

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cho biết, đây là mốc tiến độ quan trọng để hướng tới các mốc tiến độ tiếp theo và đưa Nhà máy vào hoạt động thương mại trong năm 2022.

Sau mốc hoà lưới điện Tổ máy số 1, khối lượng công việc rất lớn, đề nghị Ban quản lý dự án và tổng thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, trách nhiệm để đưa tổ máy vào phát điện bằng than.

“Trải qua một thời gian dài khó khăn do dịch bệnh, gián đoạn nguồn vật tư, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và đặc biệt là huy động nguồn nhân lực từ các nhà thầu nước ngoài… Để khắc phục khó khăn này, Ban quản lý dự án, tổng thầu và các nhà thầu phụ đã phối hợp chặt chẽ, thi đua lao động sản xuất để hoàn thành các mốc tiến độ” - Chủ tịch Petrovietnam lưu ý.

Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đạt hơn 93%; thiết kế đạt 99,9%, công tác mua sắm hoàn thành khoảng 97,32%; công tác chạy thử hoàn thành khoảng 40%; công tác thi công xây lắp hoàn thành khoảng 93,88%.

Trong quá trình triển khai, Dự án đã gặp vô vàn khó khăn, bị đình trệ do các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc, đã có nhiều ý kiến cho rằng phải đưa “khẩn cấp” dự án vào danh sách dự án yếu kém ngành Công thương.

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Gelex mua lại doanh nghiệp nhà nước đúng quy định

CEO Gelex khẳng định việc M&A doanh nghiệp nhà nước được Gelex đấu giá, chào mua công khai, khớp lệnh thỏa thuận trên thị trường theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex

Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex

Vấn đề được đặt ra tại Đại hội cổ đông theo hình thức trực tuyến của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX), một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất công nghiệp và phát triển hạ tầng.

Các cổ đông dành sự quan tâm tới một loạt vấn đề, từ vay nợ, phát hành trái phiếu, kế hoạch kinh doanh, cho tới câu chuyện giá cổ phiếu, việc M&A các doanh nghiệp nhà nước.

Các cổ đông đặt nhiều câu hỏi cho ông Tuấn về hoạt động M&A các doanh nghiệp nhà nước gần đây. Dấu ấn lớn nhất cho hoạt động M&A doanh nghiệp nhà nước của Gelex ghi nhận trong năm 2021 là việc thâu tóm Tổng công ty Viglacera (VGC). Nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh sau thương vụ này, Gelex vượt kế hoạch cả năm với doanh thu thuần hơn 28.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng.

Trả lời, CEO Nguyễn Văn Tuấn khẳng định công ty này đã đấu giá, chào mua công khai, khớp lệnh thỏa thuận trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định.

Thông điệp này cũng là câu trả lời của CEO Gelex về việc phát hành trái phiếu. Năm 2021, Gelex đã phát hành hai đợt trái phiếu, huy động 1.800 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, họ phát hành trái phiếu cho định chế tài chính lớn nước ngoài, người mua trong nước cũng là các ngân hàng thương mại lớn như MSB, TPBank, "nên phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật".

Với câu hỏi của cổ đông về việc hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tăng trưởng nhưng giá cổ phiếu liên tục giảm, ông Tuấn cho biết hiện Gelex có hơn 56.000 cổ đông, quy mô tương đối lớn. Hội đồng quản trị và ban điều hành đang cố gắng. Để trấn an cổ đông, ông Tuấn đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư dài hạn.

Gelex tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện thuộc Bộ Công Thương. Cuối năm 2015, Bộ Công Thương thoái toàn bộ 78,74% vốn của Gelex thông qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường chứng khoán, tạo nên phiên giao dịch lịch sử trên UPCoM. Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex, là một trong số những cổ đông lớn nhất của Gelex sau thương vụ thoái vốn này.

Tin bài liên quan