'Bút bi' Thiên Long lãi giảm
CTCP Tập đoàn Thiên Long vừa thông tin về tình hình kinh doanh tháng 8, với ước đạt lãi sau thuế 28 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với tháng 7. Nhưng so với cùng kỳ, con số này thấp hơn 30%. Lũy kế 8 tháng, con số này ước đạt 305 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Thiên Long thông báo phát hành mới 800.000 cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) |
Chủ sở hữu bút bi Thiên Long thu thuần 293 tỷ đồng trong tháng 8, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế giảm mạnh hơn 30% về còn 28 tỷ đồng nhưng cải thiện lớn so với mức 9 tỷ đồng của tháng 7/2023 (tương ứng tăng 211%).
Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thiên Long đạt 2,511 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ và thực hiện được 63% kế hoạch năm; lãi sau thuế giảm 23% xuống mức 305 tỷ đồng và đạt 69% mục tiêu lợi nhuận cả năm (400 tỷ đồng).
Do thay đổi trong cơ cấu bán hàng, biên lãi gộp 8 tháng của Tập đoàn duy trì ở mức 44%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 14% so với cùng kỳ lên 730 tỷ đồng.
Lý giải kết quả kinh doanh thụt lùi, phía TLG giải trình “y hệt” các tháng trước. Cụ thể, kinh tế Việt Nam năm 2023 chịu ảnh hưởng của các yếu tố phức tạp, khó lường, dẫn tới ngành bán lẻ đối mặt nhiều khó khăn.
Đối với nhóm hàng văn phòng phẩm, nhu cầu đầu tư và dự trữ hàng hóa của các điểm bán không tăng nhiều so với năm trước. Kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt với OEM (đơn vị chuyên thực hiện các công việc sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác), cũng đối mặt nhiều thách thức từ bối cảnh ảm đạm của thị trường quốc tế.
Giữa tháng 9 vừa qua, HĐQT Tập đoàn Thiên Long thông báo phát hành mới 800.000 cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tỷ lệ 1,03%. Nếu thành công, vốn điều lệ Công ty dự kiến tăng lên 786 tỷ đồng.
Giá phát hành ESOP là 10.000 đồng/cổ phần, thua xa thị giá TLG trên sàn chứng khoán. Đối tượng mua là t\hành viên HĐQT, Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng và các vị trí quản lý của Công ty và công ty con trực thuộc Tập đoàn Thiên Long.
Sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát lên đỉnh năm 2023
Nhờ cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát đang tăng dần trong 6 tháng liên tiếp.
Tháng 9/2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 635.000 tấn thép thô, giảm 7% so với tháng 8. Bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước và cũng tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ 2022 |
Nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. Tuy vậy, thép xây dựng Hòa Phát vẫn nhỉnh hơn tháng 8 vừa qua, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ”, Hòa Phát cho biết.
Mặt khác, lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao xuất khẩu ghi nhận 90.000 tấn. Trong tháng 9, thép cuộn cán nóng đạt 234,000 tấn, xấp xỉ mức bán hàng tháng trước đó.
Về thị trường tiêu thụ, Hòa Phát phát triển cả nội địa và xuất khẩu nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ. Sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát gồm ống thép và tôn mạ đạt lần lượt hơn 48.000 tấn và 20.000 tấn trong tháng vừa qua, tương ứng tăng 20% và 75% so với tháng 8.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19%.
Qua 9 tháng, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát ghi nhận 2,57 triệu tấn, giảm 25% so với 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó thị trường xuất khẩu đóng góp gần 490.000 tấn. Sản phẩm HRC đạt gần 2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2022.
Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 488.000 tấn ống thép, 240.000 tấn tôn mạ các loại, giảm tương ứng 14% và 3% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Hiện tại, công suất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát là 8,5 triệu tấn/năm, lớn nhất khu vực Đông Nam Á
May Đức Giang sắp trả cổ tức tỷ lệ 25%, dự kiến doanh thu cả năm giảm
Kể từ khi giao dịch trên UPCoM vào tháng 11/2017, Tổng Công ty Đức Giang - CTCP luôn duy trì trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao.
May Đức Giang chi gần 22,5 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này |
Tổng công ty Đức Giang thông báo chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/10/2023. Tỷ lệ thực hiện là 25%, cổ đông sở hữu 1 cổ phần được nhận 2.500 đồng. Với gần 9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính May Đức Giang cần chi gần 22,5 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 20/10.
Cơ cấu cổ đông của Tổng công ty Đức Giang tính tới ngày 31/12/2022 gồm 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam sở hữu hơn 3,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 35,2%) và CTCP Chứng khoán Phố Wall nắm 1,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 14,71%). Như vậy, trong đợt trả cổ tức này, 2 cổ đông lớn trên sẽ nhận về lần lượt gần 8 tỷ đồng và 3,3 tỷ đồng.
Kể từ khi giao dịch trên UPCoM vào tháng 11/2017, Tổng Công ty Đức Giang đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn hàng năm. Mức trả cổ tức cao nhất 35% được duy trì trong 3 năm liền từ 2017-2019. Năm 2020, Doanh nghiệp giảm tỷ lệ trả cổ tức xuống còn 20%, năm 2021 và 2022 có tỷ lệ 25%.
Về tình hình tài chính, tổng doanh thu quý 3/2023 đạt gần 459 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu đạt gần 1,750 tỷ đồng, giảm 12%.
Công ty dự kiến tổng doanh thu quý 4 hơn 672 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ và ước tính tổng doanh thu cả năm 2023 đạt 2,422 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước.
Tập đoàn Masan sẽ có ít nhất 200 triệu USD từ quỹ đầu tư Mỹ
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố thông tin quỹ đầu tư tư nhân Bain Capital đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group, với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng.
Giao dịch với Masan đánh dấu dự án đầu tư đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam |
Tổng tài sản quỹ Bain Capital - đơn vị thành lập năm 1984 này - đang quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Giao dịch này đánh dấu dự án đầu tư đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam. Quỹ này có kinh nghiệm trong đầu tư để hỗ trợ sự tăng trưởng và quản trị của nhiều nhóm doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng ở châu Á.
Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dùng để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán.
Cụ thể, giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (Convertible Dividend Preference Share- CDPS) được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1.
Theo ghi nhận, các nhà đầu tư khác đang mong muốn đàm phán với Masan, và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của đơn vị này cũng như điều kiện thị trường, Masan có thể tăng quy mô giao dịch lên đến 500 triệu USD.
Về giao dịch này, ông Danny Le, Tổng Giám đốc của Masan Group, cho biết, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng gặp nhiều thách thức, tập đoàn vẫn liên tục đầu tư vào nền tảng sẵn có và không ngừng thực hiện những đổi mới mang tính đột phá để luôn ở vị thế sẵn sàng khi thị trường tiêu dùng phục hồi.
"Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành nhân tố mang lại lợi nhuận gia tăng gấp nhiều lần trong "thời điểm vàng" của câu chuyện tiêu dùng tại Việt Nam. Giao dịch hợp tác cùng Bain Capital là sự ghi nhận nỗ lực của chúng tôi trong suốt thời gian qua. Masan đã không ngừng triển khai các sáng kiến, đầu tư lấy người tiêu dùng làm trọng tâm để đạt được 80% thị phần chi tiêu của người tiêu dùng", ông Danny Le nói.
Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong năm nay và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác.