10.000 doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ được hỗ trợ từ Chính phủ
Kinh doanh bền vững gồm mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn; mô hình kinh doanh bao trùm, các mô hình kinh doanh bền vững khác |
Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.
Chương trình phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển tối thiếu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm.
Quyết định ghi rõ, kinh doanh bền vững gồm mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn; mô hình kinh doanh bao trùm, các mô hình kinh doanh bền vững khác.
Doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững được hỗ trợ các nội dung sau:
- Hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững.
- Hỗ trợ công nghệ bao gồm: tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tư vấn lựa chọn giải pháp chuyển đổi số.
- Hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh bền vững.
- Hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư.
- Hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp: hỗ trợ đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài...
An Phát Holdings động thổ nhà máy nguyên liệu xanh lớn nhất Đông Nam Á
Động thổ nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Đông Nam Á của Tập đoàn An Phát |
Lễ động thổ Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBA đã được Tập đoàn An Phát Holdings tổ chức tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Đây là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Đông Nam Á, có công suất 30.000 tấn/ năm, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng.
Với tổng vốn đầu tư lên đến 120 triệu USD, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu của Tập đoàn An Phát Holdings đồng thời phục vụ mục tiêu xuất khẩu quốc tế.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, dự án là lời giải xuất sắc và hợp lý nhất cho bài toán về nguồn nguyên liệu của Tập đoàn: tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và tiến tới thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống.
“An Phát Holdings sẽ đại diện cho Việt Nam ghi tên vào bản đồ nguyên liệu xanh toàn cầu, đồng thời trở thành doanh nghiệp tiên phong thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam”, Chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings khẳng định.
Thông qua dự án này, Tập đoàn An Phát Holdings sẽ khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn đồng thời chính thức tham gia vào mạng lưới nguyên liệu xanh thế giới. Giá thành sản phẩm xanh sẽ giảm 20%~30% khi nhà máy PBAT đi vào hoạt động.
IPP Air Cargo bám tiến độ thẩm định dự án hãng bay vận tải
Tuần tới, dự kiến vào ngày 14/2, Công ty cổ phần IPP Air Cargo sẽ có buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam để thẩm định hồ sơ cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không của doanh nghiệp.
Trước đó, hồi tháng 1/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Công ty IPP Air Cargo liên quan đến liên quan đến hồ sơ đề nghị thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo.
Trong văn bản gửi nhà đầu tư, Cục Hàng không cho biết, thành phần hồ sơ đề nghị thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo cơ bản hợp lệ. Do đó, cơ quan này sẽ tổ chức thẩm định trong tuần từ ngày 14-18/2/2022 và báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả cuộc họp thẩm định trong thời hạn 20 ngày làm việc.
Được biết, Dự án lập hãng bay IPP Air Cargo được Công ty Cổ phần IPP Air Cargo và ông Johnathan Hạnh Nguyễn rất tâm huyết và quyết tâm thực hiện. Thời gian qua, doanh nghiệp đã có nhiều văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm được triển khai.
Chiến lược của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo là thành lập một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế.
Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Thuduc House có Chủ tịch tạm thời sau khi ông Lê Chí Hiếu gửi đơn từ nhiệm
Ông Lữ Minh Sơn (ngoài cùng, bên phải) sẽ tạm giữ chức Chủ tịch HĐQT Thuduc House từ ngày 9/2, sau khi ông Lê Chí Hiếu (ngoài cùng. bên trái) gửi đơn từ nhiệm |
Ông Lữ Minh Sơn sẽ tạm giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty kể từ ngày 9/2 cho đến khi Công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Ông Lữ Minh Sơn sinh năm 1971, có trình độ cử nhân kinh tế tại Đại học Ngân hàng TP. HCM, vừa được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT Thuduc House ngày 22/12/2021.
Mới đây, Chủ tịch HĐQT Lê Chí Hiếu đã gửi đơn từ nhiệm chức vụ của sau 30 năm gắn bó do sức khỏe không được tốt. Ông Hiếu đề nghị đại hội đồng cố đông và HĐQT chấp thuận cho ông Hiếu được từ nhiệm chức danh này, đồng thời rút khỏi HĐQT kể từ ngày từ nhiệm là ngày 8/2.
Ông Hiếu cũng đề nghị HĐQT thực hiện bầu lại chức danh chủ tịch HĐQT; thực hiện bầu bổ sung thành viên HĐQT trong đại hội đồng cổ đông gần nhất. Trong diễn biến khác, ông Hiếu cũng có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM với lý do tương tự.
Ông Lê Chí Hiếu sinh năm 1957, trình độ tiến sỹ quản trị kinh doanh và bắt đầu làm Chủ tịch Thuduc House từ năm 2001 tới nay. Ông Hiếu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Fideco từ tháng 4/2019.
Động thái từ chức của ông Hiếu diễn ra trong bối cảnh Công ty vướng phải nhiều lùm xùm truy thu thuế. Đáng chú ý vào ngày 25/11/2021, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam với ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – nguyên Thành viên HĐQT và kiêm Phó Tổng Giám đốc của Công ty.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có tổng giám đốc mới
Ông Đào Nam Hải, tân Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam |
Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có quyết định bổ nhiệm ông Đào Nam Hải, Phó tổng giám đốc giữ chức vụ Tổng giám đốc, thời gian 5 năm kể từ ngày 1/3/2022. Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc công ty sẽ nghỉ hưu kể từ ngày 1/11/2021.
Ông Đào Nam Hải sinh năm 1974, trình độ Thạc sỹ Luật kinh tế, Cử nhân Quản trị kinh doanh và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh. Ông Hải được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc từ 1/10/2017 tới nay.
Trước đó, công ty cho biết ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc công ty sẽ nghỉ hưu kể từ ngày 1/11/2021.
Lũy kế trong năm 2021, PLX ghi nhận doanh thu đạt 169.113,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.111,54 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,5% và 148,4% so với cùng kỳ.
Điểm đáng lưu ý, năm 2021, công ty ghi nhận giá vốn hàng bán là 156.406,95 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng giảm giá tồn kho là 194,76 tỷ đồng so với cùng kỳ hoàn nhập lên tới 45,7 tỷ đồng; giá trị hàng tồn kho mất mát trong kỳ là 469,4 tỷ đồng so với cùng kỳ là 212,3 tỷ đồng.
Trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến doanh thu là 135.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.360 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9,1% và 140,2% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận trước thuế là 3.781,37 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành 112,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Viettel ghi bàn trước sau 1 tháng triển khai Mobile Money
Tính đến 11/2, hai nhà mạng là Viettel và VNPT đã phát triển số lượng khách hàng sử dụng Mobile money đạt 463.280 người. |
Tính đến 11/2, hai nhà mạng là Viettel và VNPT đã phát triển số lượng khách hàng đạt 463.280 người.
Trong đó, Viettel có 402.000 khách hàng, VNPT có 61.280 khách hàng. Được biết, tổng số lượng điểm kinh doanh mà Viettel và Vinaphone đã xây dựng trên cả nước là 2.262 điểm. Cụ thể, Viettel có 1.161 điểm, VNPT 1.102 điểm; số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 77.159 điểm (Viettel 68.000 điểm, VNPT 9.159 điểm).
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh truyền thông, phổ cập dịch vụ đến người dân, Viettel đã triển khai 80.000 điểm tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ trên toàn quốc.
Việt Nam vẫn còn khoảng 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng và phần lớn người dùng trả tiền mặt khi mua hàng dưới 100.000 đồng. Do đó, một trong những nhiệm vụ được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra trong năm 2022 là xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai dịch vụ Mobile Money của các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục thúc đẩy các nhà mạng chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số - hạ tầng quan trọng của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc triển khai thí điểm Mobile Money trên phạm vi toàn quốc. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho ba đơn vị đủ điều kiện gồm Viettel, VNPT và MobiFone.
Các dịch vụ chính của Mobile Money gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hóa đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý (của các nhà mạng).
Dịch vụ Mobile Money được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến hầu hết người dân, đặc biệt với người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - điều mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví điện tử chưa làm được.
ACV dự kiến khởi công hạng mục nhà ga Dự án sân bay Long Thành vào tháng 10/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, Đồng Nai) vào ngày 6/2/2022. |
Như vậy, hạng mục nhà ga dự án sân bay Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư không thể khởi công phần thân nhà ga vào tháng 6/2022 như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành,
Thay vào đó, ACV dự kiến khởi công phần thân nhà ga vào tháng 10. Nguyên nhân, đây là hạng mục có khối lượng thiết kế rất lớn, công nghệ phức tạp, thuộc diện hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, dù ACV báo cáo không thể khởi công vào tháng 6/2022, nhưng ACV rất cố gắng trong thời gian vừa qua, đang phấn đấu hết sức để hoàn thành hạng mục nhà ga hành khách vào tháng 3/2025 là đúng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Để đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành, ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, giai đoạn 1.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn được phân công làm trưởng ban, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông làm phó trưởng ban.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ, trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành theo các quyết định của Thủ tướng.
Trước đó, trong buổi làm việc giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và ACV về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Tổng công ty, ACV cho biết, kết thúc năm 2021, ACV đạt tổng doanh thu 7.025 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm và bằng 69% so với năm 2020 (giai đoạn trước dịch). Tổng lợi nhuận trước thuế 698 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch năm và 34% so với năm 2020. Sản lượng hành khách đạt 30 triệu lượt, bằng 46% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng hạ cất cánh các đường bay quốc nội đạt 291 nghìn lượt, bằng 62% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng hàng hóa, bưu kiện đạt 1,48 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.