Cơ chế, chính sách thông thoáng hơn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh

Cơ chế, chính sách thông thoáng hơn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh

Doanh nghiệp tự tin hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự trở lại của Nghị quyết 02 độc lập sau một năm gộp vào Nghị quyết 01, với những mục tiêu rõ ràng, quyết liệt là điểm nhấn chính sách đầu năm 2024, thể hiện quyết tâm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh để bứt phá tăng trưởng.

Trăn trở số liệu về đầu tư tư nhân

Con số tăng trưởng GDP 5,05% của Việt Nam trong năm qua tuy thấp hơn mục tiêu 6 - 6,5% nhưng vẫn ở mức khá cao so với thế giới và khu vực. Các cân đối vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định; lạm phát ở mức 3,25% - dưới ngưỡng mục tiêu 4%; nợ công trong giới hạn kiểm soát. Tuy vậy, có một chỉ tiêu gợi lên nhiều trăn trở, đó là khu vực đầu tư tư nhân (doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ gia đình…) trong cả năm chỉ tăng trưởng 2,5%.

“Đây là mức thấp chưa từng có trong 10 năm qua, thậm chí thời Covid, con số này vẫn là 3%. Tôi mong muốn đầu tư tư nhân phải tăng gấp đôi hiện nay, khoảng 6 - 7% thì mới ổn”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024, diễn ra tuần trước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2023, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp lại thấp so với nhiều năm gần đây.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục, tới 172.578 doanh nghiệp; tăng 20,5% so với năm 2022 và cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Có thể nói, năm 2023, về vĩ mô, Việt Nam duy trì tốt sức chống chịu và phục hồi, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy rẫy khó khăn, bất ổn. Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại doanh nghiệp yếu kém, ngân hàng yếu kém đang bị chậm. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang phục hồi nhưng còn chậm so với yêu cầu.

Thêm vào đó, hàng loạt khó khăn về lãi suất, tỷ giá, khủng hoảng năng lượng và đặc biệt, những vụ việc bất ổn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu và bất động sản đã làm sa sút niềm tin của giới đầu tư.

Báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (Business Confidence Index - BCI) mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) công bố hôm 8/1/2024 - khảo sát trên khoảng 1.400 thành viên của hiệp hội này - cũng cho thấy, BCI quý IV/2023 ở mức 46,3 điểm. Con số này tuy đã cải thiện nhẹ so với mức 45,1 điểm và 43,5 điểm trong hai quý trước đó, song lại đánh dấu 5 quý liên tiếp dưới ngưỡng trung tính.

Đáng lưu ý, việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vốn là công cụ thúc đẩy niềm tin kinh doanh mạnh mẽ nhất thì gần đây cũng có dấu hiệu chậm lại. Báo cáo BCI của Eurocham cũng cho hay, bên cạnh tín hiệu lạc quan là 62% doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Việt Nam xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu thì lại có tới 52% doanh nghiệp được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản lớn nhất tại đây.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, phần lớn khó khăn của doanh nghiệp trong Hiệp hội là do vướng mắc pháp lý, sau đó là vốn, tiếp cận tín dụng…

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham cho biết, rào cản đầu tiên đối với những doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư ở Việt Nam vẫn là thể chế.

“Có hai vấn đề chúng tôi quan tâm hàng đầu hiện nay là Việt Nam cần phải tháo gỡ quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng, giao thông, logistics… và giải quyết tình trạng cán bộ ở các địa phương xử lý hồ sơ chậm trễ, không dám chịu trách nhiệm”, ông Minh nói và nhấn mạnh, bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam có thể tranh thủ tối đa dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ châu Âu.

Cải cách để lấy lại niềm tin

Ngày 5/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với thông điệp, lấy năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá để lấy lại đà tăng trưởng cao, làm tiền đề để đạt kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ cũng chủ trương phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ và thực thi hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

TS. Cấn Văn Lực bày tỏ đồng tình với quan điểm trên của Chính phủ. Để đạt được mức tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm nay, ông Lực cho rằng, cần “kích” vào hai điểm mấu chốt hiện nay là tiêu dùng và đầu tư tư nhân, bằng cách duy trì các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ít nhất ở mức tương đương giai đoạn đại dịch Covid-19; đồng thời, phải lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc cải thiện mạnh mẽ thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) nhận xét, pháp luật về đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã khá cởi mở và hiệu quả đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Tuy nhiên, ông cho rằng, quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ cấp phép vẫn cần cải thiện về tiến độ, nhất là những dự án liên quan đến đất đai, bất động sản và một số dự án có yếu tố nhà nước.

“Vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không phải lúc nào cũng chờ đợi lâu dài tại Việt Nam. Nếu Việt Nam cấp giấy phép chậm, muộn thì nhà đầu tư buộc phải đi tìm thị trường khác”, Chủ tịch Kocham nói.

Một tín hiệu đáng mừng là năm nay, Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã trở lại với phiên bản độc lập, sau một năm gộp vào Nghị quyết 01, được Chính phủ ban hành hôm 5/1, cùng ngày ban hành Nghị quyết 01.

Bình luận về điều này, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận xét, sự trở lại của Nghị quyết 02 độc lập là một điểm mới, thể hiện thông điệp: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự tập trung giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ tập trung rất nhiều vào năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, với mục tiêu rõ ràng là làm sao tăng được nhiều doanh nghiệp tư nhân mới thành lập và giảm thiểu số doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

Trong nhiều nhóm giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 02, ông Tuấn thấy nổi lên một thông điệp là Chính phủ giao trách nhiệm cho các bộ ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên rà soát và đề xuất cắt bỏ những quy định, thủ tục hành chính không có lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Tinh thần của chính sách là hàng hoá của Việt Nam, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể trở nên cạnh tranh hơn nếu hệ thống quy định pháp luật phải đơn giản hơn, thuận lợi hơn và cạnh tranh hơn so với các quốc gia trong khu vực.

“Như vậy, ngoài việc khắc phục các khó khăn từ thị trường, chúng ta phải giảm thiểu các khó khăn từ cơ chế, chính sách. Năm 2024, Chính phủ sẽ quyết liệt lấy lại đà tăng trưởng cao. Vì vậy, tôi kỳ vọng rằng mọi rào cản thể chế có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu trên sẽ được xử lý dứt điểm”, ông Tuấn nhấn mạnh và lưu ý, cải cách thể chế hãy theo hướng tạo thuận lợi, chứ đừng chỉ “tháo gỡ khó khăn” một cách thụ động.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cộng với sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu, “cải cách thể chế còn quan trọng hơn cả cải cách chính sách tài khóa và tiền tệ”.

Theo vị chuyên gia, cải cách thể chế ở thời điểm hiện tại không chỉ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính mà còn phải hướng đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, cần nhất quán không ban hành những quy định mới nếu chưa thật sự cấp bách; những quy định cần thiết phải ban hành nhưng chưa thật sự cấp bách thì cần có lộ trình phù hợp, giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị; còn những quy định cấp bách buộc phải ban hành ngay (như quy định về phòng cháy, chữa cháy...) thì Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan