Sau thông tin nói trên của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 diễn ra cuối tuần qua, câu hỏi lớn về “doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể làm gì” lại nổi sóng, trong đó có cả sự nghi ngờ.
Phải nói rõ, khi đưa ra thông tin trên, ông Bình đang ở tư cách Trưởng ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Ông Bình không nhận nhiệm vụ cho FPT, mà cho cả khối doanh nghiệp tư nhân.
Rõ ràng, sau 30 năm đổi mới, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa thực sự có được vị thế vững chắc trong tư duy của nhiều người. Lý do là doanh nghiệp Việt Nam vẫn quá nhỏ, với tỷ lệ 94% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,65% và doanh nghiệp cỡ vừa là 5,85%.
XeNăng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu...
Nhưng không thể không nhắc tới dấu ấn sắc nét của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tại các khu đô thị lớn nhất Việt Nam, với tòa nhà cao nhất Việt Nam, với các sân bay, bến cảng, tuyến đường cao tốc đạt kỷ lục về thời gian hoàn thành và chất lượng xây dựng, với các dự án sản xuất ô tô, dịch vụ hàng không, thành phố thông minh…
Nhiều thương hiệu Việt đã lớn lên, nhiều doanh nghiệp tiên phong, đầu đàn trong các chuỗi giá trị sản xuất mới đã xuất hiện, kết nối mạng lưới với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều ngành, lĩnh vực từng được coi là địa hạt riêng của doanh nghiệp nhà nước, như thông tin, viễn thông, hàng không... đã tạo nên sự thay đổi ngoạn mục cả về chất và lượng của doanh nghiệp trong ngành, mở dư địa mênh mông cho những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, không giới hạn...
Tất nhiên, để có được các dấu ấn này là một chặng dường dài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp tư nhân. Những nỗ lực đó cần phải mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, song chìa khóa chính là sự sẵn sàng lui chân của Nhà nước, qua cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản. Nhiều dự án quy mô lớn, có tầm quan trọng tới quốc kế dân sinh đã được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư, nhiều dự án được thực hiện bằng sự liên kết của các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước, nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước...
Nhưng dường như mọi việc vẫn chưa thuận theo hướng tất nhiên đó. Mặc dù Chính phủ vẫn nhấn mạnh là Nhà nước chỉ làm những gì khu vực tư nhân không làm được hay không muốn làm, song câu nói “nếu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối không làm được, thì sẽ xem xét giao cho doanh nghiệp tư nhân” vẫn tiếp tục được đưa ra.
Phải nhắc lại, chính trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành 10 từ để tặng khu vực tư nhân. Đó là “bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội”.
Cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước chỉ thực sự rộng mở khi 10 từ trên được thực hiện thống nhất, từ tư duy đến hành động.