Theo các số liệu nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra, tỷ lệ doanh nghiệp có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp hoạt động giảm mạnh, từ 60-70% năm 2010 xuống còn trên 30% năm 2015-2016.
Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn có xu hướng giảm đối với tất cả các thành phần doanh nghiệp: năm 2010 tỷ lệ này ở doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng là 16%, 7% và 5% thì năm 2015, giảm xuống còn 12%, 3% và 4%.
Số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không nhiều, thường thấp hơn đáng kể số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Một ví dụ được đưa ra tuy không đầy đủ nhưng phản ánh chính xác xu hướng đó là 10 tháng năm 2017, số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới trong công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi trong lĩnh vực bất động sản tăng 62,5%. Xu hướng này cũng được phản ánh khá thường xuyên trong các báo cáo quý về hoạt động của doanh nghiệp của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Toàn cảnh diễn đàn
Doanh nghiệp tư nhân vẫn là khu vực dễ bị tổn thương. Số doanh nghiệp giải thể hoặc phải ngừng kinh doanh trong những năm gần đây là rất lớn (bình quân 60-80 nghìn doanh nghiệp giải thể mỗi năm. Năm 2018, số lượng doanh nghiệp giải thể là hơn 90.000).
Bên cạnh đó, đa dạng hóa ngành nghề không theo kịp xu thế toàn cầu. Các doanh nghiệp tập trung phục vụ người tiêu dùng; tỷ trọng phục vụ sản xuất chế biến chế tạo chỉ đạt khoảng 15%, mức trung bình của các nước đang phát triển là 17%, của các nước phát triển là 27-28%. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước liên kết rất yếu với các mạng sản xuất toàn cầu.
Tính phi chính thức cao và ít có dấu hiệu cải thiện, ước tính quy mô của khu vực kinh tế “phi chính thức” tương đương 25-30% GDP.
Đáng chú ý xu hướng “li ti hóa” của doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng gia tăng. Năm 2001, số doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn (sử dụng từ 100 lao động trở lên) chiếm 6%, năm 2013 chỉ còn 3%. Năng suất lao động của các doanh nghiệp tư nhân thuộc nhóm vừa và lớn thậm chí còn thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ.
Kinh tế tư nhân trong nước, về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới chỉ đóng góp chưa đến 10%.
Doanh nghiệp tư nhân vẫn là khu vực dễ bị tổn thương. Số doanh nghiệp giải thể hoặc phải ngừng kinh doanh trong những năm gần đây là rất lớn
Số doanh nghiệp "nhỏ và siêu nhỏ" chiếm 95 - 96% tổng số doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp quy mô vừa quá ít, chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng số doanh nghiệp, tạo thành khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn, khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Mặc dù khu vực tư nhân có những bước tiến, song thực lực cơ bản vẫn là “nhỏ bé”, “manh mún” và “yếu kém”. Một số Tập đoàn kinh tế tư nhân trỗi dậy như VinGroup, Hòa Phát, Trường Hải, SunGroup, song chưa đủ sức làm xoay chuyển bức chân dung tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nguyên nhân khu vực kinh tế tư nhân chậm phát triển là do nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi; không định hướng phát triển các thị trường và lực lượng thị trường đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, vẫn còn cơ chế “xin – cho”, bình quân, hay áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển. Ngoài ra, việc kéo dài ưu đãi “phi thị trường” quá lâu đối với khu vực FDI gây méo mó hệ thống.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho rằng, việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội chưa nghiêm, làm chậm quá trình và làm giảm hiệu quả việc thực thi các quyết sách của Nhà nước.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tiếp tục vật lộn với nạn tham nhũng và sự thiếu bình đẳng.
Tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cộng với một vài nơi còn có những cán bộ công chức yếu kém, vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ yếu là nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực nhất là đất đai và tài nguyên khác. Tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ dẫn đến bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi thực hiện gia nhập WTO hàng thập kỷ qua.
Để tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi hỗ trợ kinh tế tư nhân có lực để lớn mạnh, các chuyên gia đề xuất, cần xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt cho giai đoạn mới, nền tảng là doanh nghiệp tư nhân và trục cốt lõi là các Tập đoàn kinh tế; Thừa nhận và bảo đảm bằng luật sự bình đẳng của các khu vực kinh tế trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử.
Thừa nhận kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, thay đổi quan niệm "cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", chuyển nó thành quan niệm "tư nhân hóa" và xúc tiến đẩy nhanh quá trình này.
Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thật sự cho doanh nghiệp, hạn chế thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp. Đặc biệt, cần thiết lập và phổ cập bắt buộc tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp châu Âu cho các doanh nghiệp Việt Nam theo lộ trình rõ ràng và chế tài chặt chẽ.