Doanh nghiệp tư nhân chiếm 44% trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước lại có tổng doanh thu thấp nhất và phần lớn tài sản hiện nay là từ vốn vay.
So với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân yếu thế hơn về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quảng bá và kênh phân phối. Ảnh: L.T

So với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân yếu thế hơn về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quảng bá và kênh phân phối. Ảnh: L.T

Thống kê của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nước trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500) năm 2014 chiếm khoảng 44%, nhưng tổng doanh thu lại ở mức thấp nhất, với 18,6% tổng doanh thu toàn Bảng xếp hạng.

Thậm chí, so với Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2013, tỷ lệ doanh thu của khối tư nhân trong nước đã giảm 0,8%. Nói một cách khác, hoạt động của những doanh nghiệp tốt nhất trong khu vực này vẫn chưa quay trở lại guồng tăng trưởng nhanh như những năm trước.

Đặc biệt, phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng cho thấy, khả năng cải thiện sức khỏe của khu vực này đang đối mặt với khá nhiều thách thức. Tỷ lệ nợ/tổng tài sản của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ở mức cao nhất, trên 67%. Điều đó có nghĩa là, phần lớn tài sản của khối tư nhân trong nước hiện nay là từ vốn vay, kéo theo rủi ro tài chính của khối doanh nghiệp này sẽ cao hơn các khối doanh nghiệp khác.

Xét về tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), khối doanh nghiệp tư nhân trong nước có hệ số ROA trung bình đạt 5,7%, đồng nghĩa với mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra chưa đến 6 đồng lợi nhuận. Đây cũng là mức thấp nhất so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - 13%) và khối doanh nghiệp nhà nước (6,2%).

Các chuyên gia Vietnam Report đã nghiên cứu hai thương hiệu Sunlight (của Unilever), Mỹ Hảo (Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo) và nhận thấy, khi người tiêu dùng lựa chọn nước rửa chén, họ sẽ nghĩ tới Sunlight trước khi ngắm nghía Mỹ Hảo. Theo nhiều phân tích, Mỹ Hảo có phần kém hơn bởi thương hiệu này vốn yếu thế về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quảng bá và xây dựng kênh phân phối.

Như vậy, để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, phải chăng vấn đề mấu chốt đầu tiên của khối tư nhân trong nước nằm ở vốn như nhiều doanh nghiệp đề cập? Thực tế cho thấy, “thiếu vốn” là vấn đề gây đau đầu và là nguyên nhân của khá nhiều “vụ phá sản” của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (tháng 12/2014), nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng cửa chủ yếu do tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Với các doanh nghiệp tư nhân lớn, việc huy động vốn vay từ các tổ chức tài chính hay kêu gọi từ phía cổ đông chiến lược không quá khó. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, có lẽ phải dùng từ “chật vật” mới có thể diễn tả được những khó khăn về vốn mà họ đang phải đối mặt. Vay từ ngân hàng khó, từ nhà đầu tư lại càng khó, nếu họ không có một phương án kinh doanh và kế hoạch phát triển đủ thuyết phục.

So với các doanh nghiệp FDI, thì đây là điểm yếu lớn nhất làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đơn cử, cùng sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, liệu có doanh nghiệp tư nhân trong nước nào đủ tự tin có thể vượt qua Samsung Electronics Việt Nam để trở thành doanh nghiệp lớn thứ hai tại Việt Nam về doanh thu trong năm tới trên Bảng xếp hạng VNR500?

Có khá nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế hơn bởi họ không được ưu đãi như các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Điều này không sai, nhưng nếu chỉ ngồi chờ đợi sự hỗ trợ nào đó từ phía bên ngoài thì vô hình trung, doanh nghiệp tư nhân sẽ làm mất đi những ưu thế vốn có của mình, như sự năng động, tính sáng tạo, không bị ràng buộc và tự chủ hoạt động.

Có lẽ, đã đến lúc doanh nghiệp tư nhân trong nước phải chấp nhận “tự thân vận động” và tìm cho mình một con đường đúng sở trường, thay vì kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực để theo đuổi mục tiêu lợi nhuận trước mắt.

Tin bài liên quan