Theo Thông tư quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA, những lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ.
Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Thông tư gồm 05 Chương, 42 Điều và 08 Phụ lục kèm theo, cụ thể: Chương I: Quy định chung; Chương II: Cách xác định xuất xứ hàng hóa; Chương III: Chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; Chương IV: Điều khoản đặc biệt; Chương V: Điều khoản thi hành
Cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA được triển khai như sau:
Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Thông tư quy định, với lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, với lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 7 năm 2021. Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA, với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh, đồng thời bảo đảm cân bằng lợi ích của cả hai bên. Hiệp định đã chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021 sau 5 tháng hiệu lực tạm thời.
UKVFTA được ký chính thức tại London, Vương quốc Anh, ngày 29/12/2020. Việc ký kết chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn sau khi Anh kết thúc giai đoạn chuyển tiếp và rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào 31/12/2020
Theo Bộ Công Thương, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của cả hai nước trong những năm tới. Đặc biệt, những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ Hiệp định phải kể đến là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, qua đó hứa hẹn nâng cao tỷ trọng hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường Anh, vốn chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng trị giá nhập khẩu của quốc gia này.
Trong đó, đối với ngành thủy sản, nhóm hàng có lợi thế sớm nhất phải kể đến tôm và một số loại cá (như cá tra). Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản từ 10-20% xuống 0%.
Ngành dệt may, tổng lượng xuất khẩu vào Anh mới chiếm 2,77%, với những cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA và UKVFTA, hứa hẹn sẽ có sự gia tăng kim ngạch tại thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, với những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ EU, về lâu dài sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may mở rộng nguồn cung nguyên liệu, tránh lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Mặt hàng gạo cũng sẽ có cơ hội lớn chưa từng có, đặc biệt là cho gạo thơm, để thâm nhập vào một trong 10 thị trường rộng lớn nhất thế giới, với những tiêu chuẩn khắt khe.
Theo cam kết tại UKVFTA, Anh dành cho Việt Nam tổng hạn ngạch miễn thuế là 13.358 tấn/năm, và mức hạn ngạch này sẽ sẽ được hai nước khởi động rà soát sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Bên cạnh gạo, hơn 10 sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh khác của Việt Nam cũng được hưởng mức ưu đãi hạn ngạch miễn thuế này, như tinh bột sắn, surimi…
Ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ Hiệp định UKVFTA. Năm 2019, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ nhiều thứ 6 vào Anh, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của ngành hàng này. Với UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm tới.