Doanh nghiệp trước quy định mới về kinh doanh xăng dầu: Nâng khả năng dự báo

Quy định mới về kinh doanh xăng dầu sắp có hiệu lực sẽ buộc các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm này phải xây dựng kế hoạch kinh doanh phức tạp hơn và phải dựa trên những dự báo dài hơi.

Hơn một tháng nữa, Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu sẽ có hiệu lực. Điểm đáng chú ý của Nghị định này là doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu được quyền chủ động điều chỉnh giá bán trong phạm tăng/giảm 7% so với giá cơ sở. Việc này sẽ giúp các DN ngành xăng dầu được tự chủ hơn trong kinh doanh. Nghị định này cũng cho phép DN xăng dầu có thể điều chỉnh giá bán tới 3 lần trong một tháng.

Thay đổi này sẽ tạo sức ép đối với các DN sử dụng xăng dầu là nhiên liệu đầu vào để sản xuất, kinh doanh và đòi hỏi các DN phải có những tính toán phù hợp trước biến động giá xăng dầu.

Ông Nguyễn Võ Liễu, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích, xăng dầu chiếm 40% chi phí đầu vào của DN vận tải, nên mỗi thay đổi của giá xăng dầu đều tác động trực tiếp tới hoạt động của DN. Việc tính toán giá cước đối với các DN vận tải trong điều kiện giá xăng dầu biến động liên tục là khá phức tạp.

“Việc thay đổi giá nhiên liệu tất nhiên kéo theo sự điều chỉnh cước vận tải. Nhưng DN vận tải lại không thể áp dụng chính sách thay đổi giá cước liên tục, vì phải vừa đảm bảo khả năng cạnh tranh, vừa tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Điều này đòi hỏi DN vận tải phải có khả năng tính toán hợp lý”, ông Liễu nói.

Theo ông Liễu, DN phải đưa ra được dự báo về mức biến động của nhiên liệu để xây dựng chính sách giá cước ổn định nhất. Đơn cử, với DN taxi, phải giữ được giá cước ổn định ít nhất 1 - 2 quý thì mới có thể giữ chân được khách hàng để kinh doanh ổn định.

“Để làm được điều đó, đòi hỏi DN phải có phương án dự phòng - vấn đề liên quan trực tiếp tới khả năng của các lãnh đạo DN. Trong bối cảnh lãnh đạo nhiều DN vận tải đường bộ còn khá hạn chế về kiến thức kinh tế, thì việc tính toán này không dễ dàng, nhất là khi giá nhiêu liệu đầu vào sẽ thay đổi thường xuyên, chứ không giữ ổn định trong khoảng thời gian dài như trước. Do đó, việc giá nhiên liệu đầu vào thay đổi là một thách thức của DN khối vận tải”, ông Liễu nhấn mạnh.

Trước đây, khi giá xăng dầu khá ổn định, các DN sản xuất sử dụng xăng dầu thường ký hợp đồng nguyên tắc với DN xăng dầu, trong đó có đề cập giá bán cũng như chiết khấu. Theo một số DN xăng dầu, với sự biến động giá nhiên liệu (chắc chắn sẽ xảy ra), thì việc ký các hợp đồng nguyên tắc này cũng sẽ được các DN bàn bạc lại. Đây cũng là thách thức mới đối với các hộ sử dụng xăng dầu lớn như than, điện..., khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng ban Kế hoạch (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) cho biết, việc mua sản phẩm xăng dầu với giá tăng, giảm theo thị trường trong thời gian tới là đương nhiên. Trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, phương án dự phòng cho giá nhiên liệu đầu vào biến động cũng đã được tính tới, nên khi giá xăng dầu được điều chỉnh, thì DN sử dụng sẽ không quá khó khăn. Song, theo ông Biên, nếu như giá xăng dầu biến động quá lớn, thì DN sẽ phải có phương án điều chỉnh và tính toán lại trong kế hoạch của mình.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc DN xăng dầu được chủ động điều chỉnh giá bán sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các DN trong ngành kinh doanh xăng dầu, thông qua đó, những hộ sử dụng nhiên liệu lớn có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm cho mình. Đây là yếu tố tích cực và sẽ có bước chuyển sau thời điểm ngày 15/12 (thời điểm Nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực), bởi các DN xăng dầu đang xây dựng kế hoạch cạnh tranh để giữ thị phần.

Đơn cử, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang thực hiện chương trình khuyến mại cho khách hàng sử dụng sản phẩm mới của mình (thẻ xăng dầu). Petrolimex cam kết sẽ có chính sách giá khác biệt cho các khách hàng thường xuyên. Điều này đồng nghĩa với việc các DN xăng dầu sẽ phải cạnh tranh để có thể giữ được khách hàng và việc quyết định tăng giảm giá bán sẽ được nghiên cứu rất kỹ.

Do đó, quy định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ buộc cả các DN cung cấp lẫn sử dụng xăng dầu phải “nâng tầm” khả năng tính toán của mình để đạt được mục tiêu.