Kể từ cuối tháng 6/2019 đến nay, 33 công ty niêm yết tại Trung Quốc đã có thông báo gửi tới 2 sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Thẩm Quyến về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng hoạt động sản xuất tại nước ngoài, theo số liệu thống kê của Nikkei Asian Review.
Tương tự các doanh nghiệp nước ngoài đang có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Ðại lục phải chịu nhiều thiệt hại từ các hàng rào thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dựng lên với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cộng với những khó khăn xuất phát từ mức lương leo dốc, chi phí gia tăng… Ðây là các nguyên do thúc đẩy nhiều công ty Trung Quốc quyết định rời bỏ quốc gia này và tìm địa điểm thay thế.
Gần 70% trong số 33 doanh nghiệp kể trên cho biết, họ cân nhắc chọn Việt Nam là điểm đến. Số còn lại có những lựa chọn khác như Campuchia, Ấn Ðộ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
Trong số những doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam, Jinhua Chunguang, nhà sản xuất sản phẩm cao su đã thông báo sẽ đầu tư 4,35 triệu USD để thiết lập cơ sở sản xuất tại quốc gia này. Ðây là dự án mới nhất của Công ty nhằm mở rộng thêm nhà máy, bên cạnh 3 cơ sở sẵn có tại Malysia và Việt Nam. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là nhằm thích ứng với các thay đổi của môi trường quốc tế và phục vụ chiến lược mở rộng ra toàn cầu.
Jinhua sản xuất các vòng đệm cao su được sử dụng trong nhiều thiết bị gia dụng, máy hút bụi - các sản phẩm nằm trong nhóm 200 tỷ USD hàng hóa chịu thuế 25% kể từ nửa cuối năm 2018. Trong khi đó, Zhejiang Henglin Chair Industry cũng tìm tới Việt Nam khi đã tiến hành mua lại một nhà máy sản xuất cũ với tổng giá trị đầu tư khoảng 48 triệu USD. Một lãnh đạo cấp cao của Công ty cho biết, Zhejiang Henglin sẽ bắt đầu sản xuất trong nửa cuối năm 2019. Ðây là nhà sản xuất thiết bị nội thất với các khách hàng lớn bao gồm Ikea (Mỹ) và Nittori (Nhật Bản).
Huafu Fashion, doanh nghiệp ngành dệt may Trung Quốc thông báo đầu tư 362 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Theo Công ty, với việc tổ chức hoạt động tại Việt Nam, Huafu Fashion có thể tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô với giá rẻ hơn, trong khi giảm thiểu chi phí lao động và tránh được các hàng rào thuế.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương danh nghĩa tại Trung Quốc đã tăng 44% trong 5 năm qua. Con số này tương đối lớn so với mức tăng 30% tại Việt Nam, 28% tại Malaysia và 11% tại Mexico trong cùng giai đoạn.
Thực tế, ngay từ trước khi chiến tranh thương mại diễn ra, việc chi phí tiền lương gia tăng đã tạo động lực để các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm địa điểm khác bên ngoài quốc gia để thiết lập hoạt động sản xuất.
“Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là chất xúc tác đẩy nhanh hơn quá trình này trong ngắn hạn, tạo thêm sức hấp dẫn cho các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam”, Darren Tay, chiến lược gia tại Fitch Solutions cho biết.
Nếu như Việt Nam có lợi thế là lao động kỹ năng tốt, giá rẻ, tham gia vào nhiều hiệp định tự do thương mại thì Malaysia cũng có sức hút riêng đối với các doanh nghiệp Ðại lục nhờ việc là một phần của Sáng kiến Một vành đai - Một con đường (Belt and Road Initiative), nhất là tại lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
“Nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư đa dạng vào nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là cơ sở hạ tầng, khai thác các nguồn lực tự nhiên, Nhiều quốc gia đang phát triển sẽ đón nhận dòng vốn này, tạo thêm động lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Rajiv Biswas, nhà kinh tế tại HIS Markit cho biết.