Văn phòng Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong tại Quận Trung tâm. (Ảnh tư liệu: AFP).
Các chỉ số chứng khoán chính của châu Á biến động trái chiều trong ngày giao dịch 30/6. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn đón sắc xanh bất luận chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo của nước này trượt nhẹ từ 51,0 điểm trong tháng 5, xuống còn 50,9 trong tháng 6, theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay.
Chỉ số Shanghai Composite chiều nay tăng 0,50% lên 3.591,20 điểm còn chỉ số Shenzhen Component bật tăng 1,08% lên 15.161,70 điểm.
Hãng dược Trung Quốc Hutchmed hôm nay thắng lớn trong lần niêm yết thứ cấp tại thị trường Hong Kong sau hai năm trì hoãn kế hoạch này. Cổ phiếu Hutchmed giao dịch ở mức 64,50 đô la Hong Kong (tương đương 8,31 USD), tăng hơn 60% so với giá chào bán.
Hutchmed, nhà phát triển thuốc điều trị ung thư do tỷ phú Li Ka-shing hậu thuẫn, đã huy động được 537 triệu đô la trong đợt niêm yết tại thị trường Hong Kong. Ban đầu họ đã lên kế hoạch niêm yết tại Hong Kong vào năm 2019, nhưng kế hoạch này bị gác lại do bối cảnh thị trường vào thời điểm đó có nhiều bất ổn.
Thương vụ niêm yết thứ cấp của Hutchmed diễn ra sau thành công rực rỡ về doanh số bán cổ phiếu lần đầu tiên tại Hong Kong trong nửa đầu năm 2021, với mức huy động kỷ lục 28 tỷ USD, theo dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg. Tại Mỹ, cổ phiếu của Hutchmed niêm yết tại sàn New York tăng 3,8% từ đầu năm đến nay, trong khi cổ phiếu của hãng dược này niêm yết ở London tăng giá 3,3%.
Trái lại, cổ phiếu của chuỗi cửa hàng trà sữa Trung Quốc Nayuki Holdings hôm nay "bốc hơi" 13% trong ngày chào sàn Hong Kong.
Trước Hutchmed, gần 59% trong số 44 công ty có kế hoạch niêm yết tại Hong Kong trong năm 2021 đã kết thúc phiên giao dịch đầu tiên với giá cổ phiếu cao hơn giá niêm yết, trong đó 8 công ty ghi nhận giá cổ phiếu tăng hơn 50% so với lúc mở bán.
Đầu tuần này, cổ phiếu của Công ty quản lý bất động sản Yuexiu Services Group đã kết thúc lần chào bán cổ phiếu tại Hong Kong vào ngày 28/6 không như kỳ vọng với mức giá không đổi so với giá IPO là 4,88 đô la Hong Kong. Trong khi đó, vẫn cùng ngày niêm yết tại Hong Kong, cổ phiếu của hãng sản xuất thiết bị nén Trung Quốc Morimatsu International Holdings lại tăng dựng đứng 259%.
Thêm một thương vụ niêm yết thất vọng của doanh nghiệp Trung Quốc là cổ phiếu của Tập đoàn sữa Trung Quốc Youran trượt dốc 12% sau khi huy động được 643 triệu USD từ IPO.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hôm nay đóng cửa đi ngang ở mức 28.791,53 điểm, còn chỉ số Topix trượt nhẹ 0,3% xuống 1.943,57 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,3% lên đóng cửa ở mức 3.296,68 điểm. Đáng chú ý là sóng tăng điểm của nhóm cổ phiếu công nghệ với cổ phiếu của hãng chip SK Hynix tăng 2% và cổ phiếu LG Electronics đạt mức tăng 1,55%.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 nhích 0,16% lên 7.313,00 điểm nhờ nhóm cổ phiếu của các công ty khai khoáng quy mô lớn đóng cửa trong vùng tích cực, với cổ phiếu Rio Tinto tăng 1,31% và cổ phiếu Fortescue Metals tăng gần 1%.
Giá dầu thô Brent giao dịch theo giờ châu Á chiều nay nhích 0,16% lên 74,88 USD/thùng, trong khi giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng 0,42% lên 73,29 USD/thùng.
"Trái ngược với Ấn Độ, dầu mỏ thế giới tăng giá lại là diễn biến tích cực với Malaysia", các chuyên gia Ngân hàng Mizuho đánh giá. Malaysia là nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt trong khu vực. Trong kế hoạch ngân sách năm 2021, Malaysia ước tính giá dầu ở mức 42 USD/thùng trong khi giá dầu hiện trên 73 USD/thùng. Điều này sẽ tạo ra một khoản doanh thu bổ sung cho Malaysia.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng vọt lên 92,057, từ mức trên 91,7 ghi nhận hồi đầu tuần. Đồng yên Nhật lên giá và giao dịch ở mức 110,47 JPY "ăn" 1 USD, so với mức đầu tuần là 110,8 JPY đổi 1 USD. Trái lại, đồng đô la Australia trượt giá còn 1 AUD đổi 0,7516 USD, so với mức 1 AUD/0,758 USD vào đầu tuần.