Việc chính quyền các địa phương tại Đại lục đổ thêm vốn đầu tư vào doanh nghiệp là nhằm mục đích chìa bàn tay giúp đỡ các công ty đang gặp khó khăn về tài chính, chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng như các công ty có lãnh đạo bị tác động bởi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, xu hướng chính quyền địa phương dần nắm quyền kiểm soát tại các doanh nghiệp tư nhân khiến giới đầu tư quan ngại các nỗ lực cải cách lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước sẽ “đổ xuống sông xuống bể”. Xu hướng này đang được gọi là “guo jin min tui”, với ý nghĩa “nhà nước trên hết, lĩnh vực tư nhân ra rìa”.
Kể từ tháng 1 - 10/2018, các tài sản nằm dưới dự quản lý của chính quyền các địa phương đạt tổng cộng 30 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD), phân bổ tại hơn 50 công ty niêm yết trên 2 sàn chứng khoán chính là Thượng Hải và Thẩm Quyến. Tại hơn một nửa số doanh nghiệp này, chính quyền địa phương là cổ đông lớn nhất nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động.
Đáng chú ý, hoạt động thu mua tài sản của doanh nghiệp tư nhân diễn ra nổi bật tại Bắc Kinh và Thẩm Quyến. Tại Bắc Kinh, chính quyền quận Hải Điến (Haidian District), nơi được mệnh danh là thung lũng Silicon của Trung Quốc đã đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi, trong đó có Beijing Sanju Environmental Protection & New Material, công ty nghiên cứu, đầu tư vào công nghệ và vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, chính quyền Thẩm Quyến đang nắm quyền kiểm soát hoạt động tại công ty dịch vụ đám mây Montnets Technology, nhà sản xuất thiết bị điện tử Shenzhen Yitoa Intelligent Control, cùng nhiều doanh nghiệp khác chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Với diễn biến này, hai luồng ý kiến đối chọi nhau đang xuất hiện. Một mặt, các chuyên gia tài chính và nhà đầu tư cho rằng, việc chính quyền địa phương đầu tư và thâu tóm doanh nghiệp tư nhân không phải là biện pháp tích cực để hỗ trợ hoạt động của kinh tế tư nhân, đi ngược lại nỗ lực tư nhân hóa bấy lâu. Ở chiều ngược lại, chính quyền các địa phương phủ nhận cách nhìn này và cho rằng, đây là những giao dịch thương mại bình thường giữa nhà nước và công ty tư nhân, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên.
Tại sự kiện dành cho các doanh nhân tiêu biểu toàn quốc diễn ra đầu tháng 11/2018, ông Tập Cận Bình cho biết: “Các chính sách của Chính phủ Trung Quốc luôn kiên định với việc hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân”.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người được xem là “nhạc trưởng” đang chỉ đạo cuộc chuyển mình của kinh tế nước này nhấn mạnh, chính quyền Bắc Kinh nỗ lực cải tổ để sát cánh cùng doanh nghiệp tư nhân đối diện với các khó khăn tài chính hiện tại.
Đáng chú ý, số liệu từ cơ quan thống kê Trung Quốc tại lĩnh vực công nghiệp cho thấy, từ tháng 1 - 9/2018, doanh nghiệp có sở hữu nhà nước đạt lợi nhuận 1.530 tỷ nhân dân tệ, so với con số 1.260 tỷ nhân dân tệ của các doanh nghiệp tư nhân. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, doanh nghiệp nhà nước vượt qua doanh nghiệp tư nhân về tiêu chí lợi nhuận.
Hiện tại, các thành viên thị trường đang chứng kiến chính quyền các địa phương thu mua cổ phiếu trực tiếp từ người sáng lập hoặc lãnh đạo doanh nghiệp. Báo Nikkei dẫn lời một lãnh đạo công ty cho biết: “Giá cổ phiếu hiện giảm khoảng 20 - 30% so với mức đỉnh gần nhất. Các lãnh đạo doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng dưới chiếc ô của chính quyền”.
Trong khi đó, làn sóng nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân chưa có dấu hiệu dừng lại. Liu Shiyu, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc trả lời tờ Xinhua News Agency rằng, ông khuyến khích các quỹ của chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, nhất là khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết hiện ở mức thấp nhất 4 năm qua.
Tính tới cuối năm 2017, các khoản nợ của doanh nghiệp niêm yết tại Trung Quốc ở mức gần 33.000 tỷ nhân dân tệ, gần gấp đôi so với 5 năm trước. Trước mắt, nguồn tiền từ chính quyền địa phương sẽ giúp trì hoãn tình trạng vỡ nợ.