Điều này góp phần làm nên thành công của VN30 sau gần 2 năm ra mắt thị trường, tạo tiền đề công bố bộ chỉ số mới HOSE Index vào đầu năm 2014. Bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chia sẻ với Báo ĐTCK.
Xin bà cho biết đánh giá chung về chất lượng của cổ phiếu, sức khỏe DN nằm trong chỉ số VN30 hiện nay?
Nhìn chung, VN30 tăng trưởng tốt hơn VN-Index. Xem xét theo thời gian 3 năm gần nhất, chỉ số VN30 có mức tăng 10,29%, trong khi VN-Index tăng 3,04%. Điều này xuất phát một phần rất lớn từ chất lượng của các cổ phiếu trong VN30, với trên 50% cổ phiếu trong rổ chỉ số tăng giá cao hơn mức bình quân của thị trường.
Trong kỳ xem xét gần nhất (6 tháng đầu năm 2013), các số liệu cho thấy, mặc dù nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn suy giảm, thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng các công ty trong VN30 có kết quả kinh doanh khá tốt so với mặt bằng chung của thị trường. Có đến 8 công ty thuộc VN30 nằm trong Top 10 công ty dẫn đầu về lợi nhuận trên toàn thị trường. Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các DN trong VN30 đạt 9,45%, trong khi trung bình toàn thị trường là 8,37%.
Trong các hoạt động đối ngoại của mình, HOSE đã làm gì để quảng bá VN30 cũng như các DN trong bộ chỉ số, hiện có tính đại diện cao cho sàn TP. HCM cũng như cho cả TTCK Việt Nam?
Công tác xúc tiến giới thiệu hình ảnh của các DN trong VN30 đến các tổ chức tài chính quốc tế được đẩy mạnh. Chúng tôi đã tổ chức các đoàn DN hàng đầu Việt Nam, trong đó có nhiều DN trong VN30, đi quảng bá TTCK Việt Nam và về chính bản thân DN tại các trung tâm tài chính khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, cùng với dự án liên kết các Sở GDCK ASEAN, 15 DN trong VN30 đã được đưa vào danh mục ASEAN Stars gồm 180 cổ phiếu blue-chip của ASEAN, đại diện cho 30 công ty hàng đầu của mỗi nước thành viên, xét về khả năng đầu tư dựa trên giá trị vốn hóa thị trường và thanh khoản. Nhờ đó, các DN trong VN30 có nhiều cơ hội tiếp cận được các NĐT khu vực ASEAN và thế giới, đặc biệt thông qua chuỗi sự kiện Invest ASEAN được tổ chức luân phiên tại các nước thành viên.
Sắp tới, khi các Sở ASEAN phối hợp xây dựng các chỉ số khu vực, các DN trong VN30 nói riêng và DN Việt
Các tiêu chí sàng lọc, nguyên tắc xác lập bộ chỉ số, trong đó có VN30 sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện như thế nào trong thời gian tới, thưa bà?
Do không còn quản lý một chỉ số duy nhất là VN30 như trước, quy tắc chỉ số sẽ được điều chỉnh để áp dụng một phương pháp thống nhất cho việc sàng lọc, sắp xếp cổ phiếu vào các chỉ số tương ứng để đáp ứng được mục tiêu đặt ra của từng chỉ số. Đồng thời, các tiêu chí sàng lọc sẽ được cải tiến theo hướng chặt chẽ và nâng cao hơn, đặc biệt là điều kiện cổ phiếu tự do chuyển nhượng và thanh khoản.
Cụ thể, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) được nâng từ 5% lên 10%, gần hơn với chuẩn quốc tế. Bộ quy tắc cũng sẽ có thêm khâu sàng lọc thanh khoản thông qua tỷ suất quay vòng chứng khoán (turnover ratio), nhằm loại trừ những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhưng không đảm bảo thanh khoản tương ứng. Việc này góp phần tăng khả năng có thể đầu tư của chỉ số, một yếu tố rất quan trọng cho việc phát triển các sản phẩm đầu tư dựa trên chỉ số. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng quản trị công ty tại các công ty niêm yết, HOSE sẽ loại các cổ phiếu bị cảnh báo do vi phạm công bố thông tin ra khỏi rổ chỉ số.
Tất cả những nội dung cải tiến có sự hoàn thiện hơn so với quy tắc trước đó và tiệm cận dần với chuẩn mực quốc tế, nhưng vẫn phản ánh đặc thù của TTCK Việt Nam còn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Đó là tỷ lệ free float còn thấp, do Nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần tại một số DN hàng đầu. Đó là thanh khoản còn thấp, nên để ra được chỉ số VN30 cần thêm một bước sàng lọc về thanh khoản. Đó là tỷ trọng của một số cổ phiếu còn cao, nên cần áp dụng trần tỷ trọng vốn hóa đối với từng cổ phiếu.
Bà có thể cho biết, vì sao HOSE quyết định chọn thời điểm đầu năm 2014 để công bố bộ chỉ số mới?
VN30 - chỉ số xây dựng nền tảng cho bộ chỉ số mới đã vận hành ổn định trong khoảng thời gian vừa đủ dài (từ tháng 2/2012) để có thể đưa ra đánh giá về hướng phát triển hệ thống chỉ số của HOSE, cũng như có những điều chỉnh phù hợp hơn đối với quy tắc chỉ số. VN30 đã thu hút được sự quan tâm của công chúng đầu tư và thể hiện được các ưu điểm vượt trội so với VN-Index. VN30 đã mang lại một góc nhìn khác, thể hiện rõ nét sự biến động giá trên thị trường và có tính đại diện cao. Đồng thời, VN30 cung cấp thêm thông tin cho NĐT về các công ty niêm yết thuộc loại blue-chip trên HOSE.
Các cổ phiếu trong danh mục của chỉ số VN30 đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các NĐT trong và ngoài nước. Tuy vậy, thực tiễn thị trường cho thấy, cần phải sớm mở rộng qua các chỉ số Midcap, Smallcap và chỉ số ngành. Thời điểm đầu năm 2014 là phù hợp để công bố bộ chỉ số mới. Đây cũng là thời điểm xem xét chỉ số VN30 định kỳ, nhờ vậy sẽ đảm bảo được sự đồng bộ trong việc áp dụng các quy tắc chỉ số mới giữa VN30 và các chỉ số còn lại trong bộ chỉ số.
Do chỉ số được xem như là phong vũ biểu của TTCK, đồng thời có vai trò quan trọng giúp phát triển các sản phẩm đầu tư chỉ số như ETF, phái sinh…, nên việc công bố bộ chỉ số mới cũng là một trong các công tác cần hoàn thành trong thời kỳ này và cần được triển khai tiên phong nhằm định hướng xây dựng các sản phẩm đầu tư theo chỉ số.
NĐT thường dành nhiều sự quan tâm đến các cổ phiếu blue-chip. Theo đánh giá của Sở, các chỉ số Midcap hay Smallcap liệu có thu hút được sự quan tâm của NĐT hay không?
Sự quan tâm của công chúng đầu tư đối với VN30 đã tạo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục giới thiệu thêm những chỉ số khác. Thị trường vốn dĩ tồn tại nhiều phân khúc và thị hiếu đầu tư. Về tỷ trọng giữa các ngành trong từng chỉ số, qua tính toán thử, chúng tôi nhận thấy các chỉ số VNMidcap và VNSmallcap có ngành nghề đa dạng hơn và độ dàn trải giữa các ngành đồng đều hơn, đặc biệt ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn, khác với sự phân bổ các ngành trong VN30. Điều này hứa hẹn sẽ là chỉ báo phản ánh thị trường từ góc nhìn khác, phù hợp hơn với đặc điểm của nền kinh tế và thị hiếu đa dạng của NĐT trong nước.
Thực tiễn thế giới cho thấy, không phải lúc nào chỉ số vốn hóa lớn cũng là chỉ số được thị trường quan tâm nhất. Ví dụ, NĐT Trung Quốc rất quan tâm đến ETF dựa trên chỉ số Midcap. Tuy nhiên, các chỉ số VNMidcap và VNSmallcap của HOSE có hạn chế ở khả năng đầu tư và mô phỏng. Vì vậy, để có thể tạo được sức hút từ NĐT, thị trường phải có các sản phẩm và công cụ hỗ trợ như phái sinh, bán khống, cho vay chứng khoán… phát triển đến một mức nhất định.
Ngày 3/2/2012, HOSE công bố chỉ số VN30 và tổng kết TTCK năm 2011
Việc ra đời các chỉ số sẽ là tiền đề cho các sản phẩm phái sinh, quỹ đầu tư theo chỉ số. Theo bà, hiện nay đã đủ điều kiện cho sự ra đời của quỹ đầu tư chỉ số, cũng như sản phẩm phái sinh hay chưa?
Chúng tôi nhận thấy, thị trường có nhu cầu đang ngày càng lớn về các sản phẩm đầu tư theo chỉ số như ETF và phái sinh. ETF đã có nền tảng pháp lý là Thông tư số 229/2012/TT-BTC ban hành ngày 27/12/2012, có hiệu lực từ ngày 1/9/2013. HOSE cũng đã hoàn tất dự thảo các quy chế giao dịch ETF và đang chuẩn bị hệ thống giao dịch, thông tin thị trường sẵn sàng chào đón sản phẩm ETF đầu tiên lên niêm yết. Đồng thời, chúng tôi đã hỗ trợ các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ trong quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm các nước về mặt quy trình, nghiệp vụ và đẩy mạnh phổ biến kiến thức cho NĐT.
Đối với sản phẩm phái sinh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh và Đề án thành lập sàn giao dịch chứng khoán phái sinh đầu tiên của Việt