Ba năm xin giấy phép chưa xong
Ba năm trước, ông Hán Hữu Hải, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành YourTV đã hoàn thành việc thử nghiệm và bắt đầu xin giấy phép kinh doanh mạng xã hội này tại Việt Nam.
Đối với dịch vụ có thu phí (2.000 đồng/ngày), YourTV phải xin giấy phép dịch vụ truyền hình trả tiền. Giấy phép này phải đảm bảo điều kiện được 8 đài truyền hình cho phép tiếp sóng kênh truyền hình thiết yếu. Với start-up nhỏ như YourTV, thì việc này không dễ.
Tiếp đến, YourTV có vốn đầu tư của Google, nên theo cam kết, YourTV phải sử dụng dịch vụ máy chủ, lưu trữ dữ liệu của Google, mà theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải đặt máy chủ ở Việt Nam.
Chưa hết, YourTV kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nên lại phải làm một bộ hồ sơ xin giấy phép thành lập Sàn thương mại điện tử từ Bộ Công thương.
“Đến nay, sản phẩm đã hoàn thiện, thử nghiệm thành công, nhưng chúng tôi không dám đưa ra thị trường, vì cả 3 giấy phép đều chưa được cấp. Với tình trạng “nộp hồ sơ và chờ đợi” hiện nay, nếu ít lâu nữa vẫn không có giấy phép, YourTV sẽ tìm đường sang Singapore để lập doanh nghiệp và đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Hải cho biết.
Câu chuyện ông Hải kể tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình) cuối tuần qua là một ví dụ điển hình về nỗi khổ của doanh nghiệp khi xin giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sửa để tăng hay giảm điều kiện kinh doanh?
Trên thực tế, dường như Dự thảo Nghị định không nhận được nhiều sự ủng hộ của doanh nghiệp.
“Mục đích sửa đổi Nghị định này nhằm đảm bảo cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường, song lại quy định thêm việc cấp phép, dường như đi ngược lại với mục tiêu đề ra. Dự thảo không bổ sung điều kiện kinh doanh, nhưng lại bổ sung danh mục ngành nghề, dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Dự thảo đã mở rộng phạm vi lĩnh vực quản lý, thậm chí có tác động lớn hơn việc bổ sung điều kiện kinh doanh”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cũng cho rằng, nội dung Dự thảo phức tạp và mở rộng quá nhiều, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
“Một số thay đổi trong Dự thảo sẽ tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và là rào cản cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường sẽ cần huy động một nguồn lực lớn để đảm bảo công tác quản lý và triển khai các quy định, đặc biệt là yêu cầu đăng ký thêm giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền và biên tập, biên dịch. Quy định không được phép bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài, các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam cũng có thể vi phạm cam kết của Việt Nam theo WTO”, Luật sư Đặng Thanh Sơn (Công ty Baker McKenzie) nêu quan điểm.
Lấy câu chuyện VTV phát triển VTVGo, ông Nguyễn Đình Thơ, Trưởng phòng Pháp chế (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết, với VTVGo, VTV đã tự sản xuất nội dung, thực hiện các nghĩa vụ quảng bá, có khả năng tiềm lực sản xuất, nhưng để cung cấp dịch vụ VTVGo theo đúng quy định của Nghị định 06/2016/NĐ-CP, VTV cần phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình OTT.
Theo nghị định này, chỉ có doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được cấp phép để cung cấp và kinh doanh các dịch vụ truyền hình OTT tại Việt Nam. VTV là đơn vị sự nghiệp, nên không thuộc đối tượng cấp phép kinh doanh dịch vụ OTT.
“Đây là một bất cập mà khi sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP cần cho phép các đơn vị sự nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ OTT”, ông Thơ nói.
Được biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP đang được Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện và sẽ chuyển qua Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình lên Chính phủ xem xét trong thời gian tới.