Doanh nghiệp trông đợi gói kích thích kinh tế toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang mong đợi một gói kích thích kinh tế mang tính toàn diện hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Đến thời điểm này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch...

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về chính sách thuế nhằm thực hiện 4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020.

Ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khănÔng Nguyễn Quang Tín, Giám đốc Tài chính, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực tiễn và công khai, minh bạch hơn, đơn cử như chính sách hạ lãi suất cho vay, giãn thời gian trả nợ với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề chịu ảnh hưởng của dịch bệnh ảnh hưởng.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua, dù lãi suất ngân hàng đã hạ hơn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng khiến các doanh nghiệp bị động.

Mong muốn của các doanh nghiệp là Chính phủ tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn bằng nhiều hình thức khác, chẳng hạn như các quỹ tín thác. Chính sách, chủ trương của Chính phủ hiện đã cởi mở, nhưng vẫn còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện.

Giải ngân vốn đầu tư công trong 1 năm qua

Giải ngân vốn đầu tư công trong 1 năm qua

Ông Trần Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (mã NCS) cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, cần mở rộng quy mô các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, cần phân nhóm doanh nghiệp, loại hình hoạt động, mức độ thiệt hại, quy mô, khả năng phục hồi, nhất là trong những nhóm ngành đặc thù như hàng không để xây dựng những chính sách hỗ trợ tối đa trong việc thuê đất, thuê mặt bằng, nhà xưởng, thời gian nộp thuế.

Ông Hùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm xem xét điều chỉnh Thông tư 03/2021/TT-NHNN theo hướng lùi thời gian trả nợ và lãi vay cho đến khi đơn vị phục hồi sản xuất về mức trước khi dịch Covid-19 diễn ra.

“Nguồn lực của Chính phủ còn nhiều hạn chế hơn các quốc gia khác và khó có thể triển khai mọi gói hỗ trợ cho tất cả các đối tượng một cách nhanh chóng, điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất là việc cải cách hành chính, thực hiện nhanh chóng chính phủ điện tử, rút ngắn các thủ tục trong phê duyệt, cấp phép, đầu tư, báo cáo. Do việc tiếp xúc và thời gian xử lý công việc ít hơn, gấp hơn do doanh nghiệp vừa phải phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa phòng chống dịch nên điều này là thiết thực hơn cả”, ông Hùng kiến nghị.

Một gói đầu tư công toàn diện với quy mô lớn đang là điều được nhiều người chờ đợi lúc này nhằm kích cầu nền kinh tế trong bối cảnh các trụ cột khác đang gặp khó khăn. Để có thể đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, vấn đề mấu chốt lúc này là tăng cường độ phủ vắc-xin, kiểm soát được dịch bệnh. Thực tế cho thấy, dịch bệnh bùng phát trong tháng 7 đã khiến giải ngân đầu tư công trong tháng này giảm mạnh so với cùng kỳ 2020.

Hiện tại, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức khá thấp so với nhiều nước trên thế giới, do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng một gói đầu tư công toàn diện.

Tin bài liên quan