Nhiều doanh nghiệp sản xuất mòn mỏi chờ đợi được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất mòn mỏi chờ đợi được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Doanh nghiệp trông chờ vào “phao” tài khoá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp Việt Nam được ví như cơ thể vừa ốm dậy sau đại dịch, nhưng đang phải chịu áp lực kép là lãi suất cao và áp lực trả nợ, trong bối cảnh các kênh huy động vốn đều tắc nghẽn. Chiếc “phao cứu sinh” được mong chờ nhiều nhất hiện nay là chính sách tài khoá.

Doanh nghiệp khát vốn

Thời gian qua, câu chuyện doanh nghiệp khát vốn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, cơn khát này chưa được giải nhiệt thì doanh nghiệp lại liên tiếp đối mặt với các thách thức mới: lạm phát toàn cầu tăng cao, cuộc chiến Nga - Ukraine diễn biến phức tạp làm khan hiếm xăng dầu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào gia tăng…

Đặc biệt, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ năm liên tiếp tăng lãi suất cơ bản hôm 22/9 để kiềm chế lạm phát đã kích hoạt động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hai lần liên tiếp trong vòng 1 tháng (ngày 24/9 và 23/10, mỗi lần tăng 0,5 - 1%/năm đối với mỗi loại lãi suất), nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Hiệu ứng tiếp theo là các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động từ 0,3 - 1%/năm, hiện phổ biến trong khoảng 5 - 8,8%/năm, tuỳ kỳ hạn; một số ngân hàng trả lãi suất hơn 10%/năm. Lãi suất cho vay cũng tăng, lên mức 9 - 13%/năm, cao hơn khoảng 2 - 2,5%/năm so với đầu năm.

Một đại diện ngân hàng thương mại cho biết, thông thường, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên lợi nhuận (NIM) từ 3 - 4%/năm. Lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó có thể ở dưới mức 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên.

Trước áp lực này, ông Nguyễn Văn Chữ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green cho hay, nguồn vốn là thách thức lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.

“Nền kinh tế mới chớm phục hồi, nhưng hiện thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó, “room” tín dụng hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp trong mùa cao điểm sản xuất cuối năm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn đang mòn mỏi chờ đợi chính sách hỗ trợ để có thể tiếp cận các khoản vay với mức lãi suất ưu đãi”, ông Chữ nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel nói rằng, trong giai đoạn “rã đông” của ngành du lịch, sức ép tài chính là rất lớn, do vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách hàng.

Trong khi đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ không phát huy được hết tác dụng do mức giảm thuế giá trị gia tăng 2% quá ít; các gói giãn, hoãn thuế có tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch Covid-19, thị trường chưa hồi phục nên tác dụng không nhiều; còn gói hỗ trợ lãi suất 2% thì rất ít doanh nghiệp tiếp cận được do nhiều rào cản (ví dụ, ngân hàng yêu cầu trả nợ cũ mới được vay mới và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản đã thế chấp hết trong 2 năm dịch).

Đại diện cho ngành bất động sản, ngành đang khát vốn hơn cả, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) bày tỏ lo lắng khi doanh nghiệp trong ngành có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trái phiếu. Doanh nghiệp ngành này trước đây phát hành khoảng 35 - 40% tổng giá trị trái phiếu, nhưng gần đây có những quý không phát hành được lô trái phiếu nào.

Phát biểu trên nghị trường Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định, sau 2 năm đại dịch Covid-19, tổng nợ của các doanh nghiệp đang ở mức cao. Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện trách nhiệm tài chính hiện tại, vừa phải trả các khoản nợ đến hạn phải trả, trong đó có các khoản được giãn, hoãn trong 2 năm qua.

“Trong bối cảnh kinh tế có nhiều điểm nghẽn, thị trường thu hẹp thì với những sức ép tài chính trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi tới bờ vực phá sản. Do vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta phải tính sẵn các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đối phó với kịch bản xấu nhất”, ông Cường đề nghị.

Cân nhắc mở rộng chính sách tài khoá

Để giải quyết câu chuyện thiếu vốn của doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nhấn mạnh đến giải pháp tài khoá. Ông đề xuất, Chính phủ cần sớm có giải pháp triển khai hiệu quả các gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt cần có giải pháp để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, giúp nguồn vốn từ chương trình này sớm phát huy hiệu quả trong việc giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế, song song với giải pháp phục hồi và phát triển thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, không chỉ đẩy mạnh các chính sách tài khoá đang áp dụng, mà cần mở rộng dư địa chính sách này.

Cần tính sẵn các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đối phó với kịch bản xấu nhất.

Theo ông Cường, nhờ sự phối hợp linh hoạt, thận trọng giữa chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ trong 2 năm qua mà đến giờ, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo đạt 8%, là mức cao nhất khu vực; nợ công hiện tại chỉ ở mức 43 - 44% GDP so với trần nợ công cho phép là 60% GDP. Từ đó, ông Cường khuyến nghị, “chính sách tài khóa ngược (giảm thuế và tăng chi tiêu của Chính phủ - PV) là giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội sau phát biểu trên, ông Cường giải thích, thuận lợi của việc sử dụng chính sách tài khoá lúc này là Việt Nam còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp, mà ngược lại, dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.

“Chính sách tài khoá là cốt yếu cho điều hành nền kinh tế và ổn định vĩ mô hiện tại. Tôi cũng đồng tình với quan điểm thu ngân sách năm 2023 không nên đặt cao như thực hiện của năm 2022, để có dư địa thực hành các chính sách tài khóa”, ông Cường nói.

Trao đổi thêm về một công cụ tài khoá quan trọng là đầu tư công, cách Chính phủ vẫn bơm “vốn mồi” vào nền kinh tế thông qua cơ chế “đặt hàng” các dự án đầu tư hạ tầng để kích thích các khâu sản xuất - kinh doanh tiếp theo, ông Cường bày tỏ băn khoăn, Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022, nhưng đầu tư công hiện nay đang gặp khó. Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 khoảng 700.000 tỷ đồng, tuy nhiên, ước tính đến cuối tháng 10 mới giải ngân được gần 298.000 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch.

Để giải quyết vấn đề này, ông Cường đề nghị xử lý dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để dành một phần đầu tư công đặt hàng hỗ trợ các tập đoàn kinh tế mạnh phát triển, từ đó khơi thông nguồn lực tài chính cho nền kinh tế.

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chiều 7/11, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó có một giải pháp tài khoá là đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Liên quan đến việc sử dụng chính sách tài khóa, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, ông ủng hộ giải pháp nới chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đề xuất đưa vào Nghị quyết của Quốc hội kỳ này để áp dụng cho năm tới.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đang khủng hoảng đảo nợ hiện nay, việc giãn, hoãn thuế không có nhiều tác dụng, bởi cái họ cần ngay là tiếp vốn trực tiếp, như cách “bơm máu” vào cơ thể đang suy yếu, để duy trì các dự án đang chịu áp lực vay nợ với lãi suất ngày càng cao.

Mặc dù vậy, phương án này có điểm khiến ông Việt băn khoăn, bởi cơ chế bơm tiền theo dư địa an toàn của ngân hàng, với từng nhóm khách hàng ưu tiên đã có sẵn, nhưng các ngân hàng hiện nay vẫn phải đề cao phòng thủ để giữ an toàn hệ thống. Còn nới chính sách tài khoá với bất động sản thì khó, hiện nay có những ý kiến trái chiều về việc có nên “giải cứu” trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản hay không, hay là cứ thanh lọc để chỉ giữ lại những doanh nghiệp tốt, trái phiếu tốt? Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, không cứu doanh nghiệp kiểu cào bằng, mà chỉ cứu doanh nghiệp tốt đang chịu khó khăn do các yếu tố khách quan.

Cuối cùng, vị chuyên gia của VEPR khuyến nghị, nên ưu tiên nới chính sách hỗ trợ vốn cho nhóm doanh nghiệp xây dựng cơ bản, gắn với đầu tư công, để tháo gỡ ách tắc giải ngân vốn đầu tư công, từ đó kích hoạt nguồn vốn chảy vào các lĩnh vực, ngành nghề khác.

Tin bài liên quan