Doanh nghiệp trong bài toán khó tiếp cận nguồn vốn

Doanh nghiệp trong bài toán khó tiếp cận nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi, nguồn vốn vẫn là đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp tiếp đà tăng tốc. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các nguồn vốn hiện nay không hề dễ dàng như giai đoạn trước.

Huy động vốn cổ phiếu giảm

Tại diễn đàn Tài chính 2022: “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, Kinh tế gia trưởng BIDV cho biết, thị trường vốn hiện có 6 dòng vốn khác nhau, bao gồm: ngân sách vốn nhà nước; nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu…); huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, fintech, quỹ đầu tư…); vốn tự có; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và vốn từ đối tác.

Đối với các nguồn vốn cho nền kinh tế, vốn tín dụng đóng góp 47% tổng vốn đầu tư năm 2021. Vốn FDI chiếm khoảng 15%; đầu tư công chiếm khoảng 13,5%. Riêng về trái phiếu doanh nghiệp đã và đang tăng tương đối tốt, khoảng 21,5%. Tuy nhiên, huy động vốn từ thị trường cổ phiếu vẫn còn khiêm tốn, khoảng 3,2% tổng lượng vốn đầu tư vào toàn nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển thông tin thêm, khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, ông nhận thấy nguồn huy động vốn đang gặp khó khăn ở các kênh. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng 6 tháng khá cao, đạt 8,51% (năm 2021 là 5,47%), đây là nguồn vốn cung cấp chính cho doanh nghiệp, nhưng các ngân hàng thương mại đang gặp nợ xấu tăng, nguồn thu nợ chậm khiến ngân hàng giảm mức cho vay, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, huy động vốn cổ phiếu sẽ khó do thị trường chứng khoán suy giảm. Năm 2021, VN-Index tăng 35,7% nhưng vốn cổ phần huy động chỉ đạt 177.000 tỷ đồng, chiếm 3% vốn hóa, là mức huy động rất thấp so với trái phiếu. Đáng chú ý là năm 2022, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục không thuận lợi, do vậy nguồn huy động này sẽ giảm.

Về huy động trái phiếu, nhìn lại năm 2020, quy mô trái phiếu doanh nghiệp gấp 4 lần năm 2016. Năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020 (phát hành riêng lẻ chiếm 94,3%). Năm 2022, Nhà nước đã chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Dự kiến số lượng phát hành sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản.

Doanh nghiệp khó huy động vốn ngân hàng

Tại diễn đàn, Luật sư Phạm Lưu Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, với các doanh nghiệp ở TP.HCM, vấn đề chính hiện nay là nguồn vốn.

Qua đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Nguồn vốn bấy lâu nay các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng, nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được, bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp nhưng các doanh nghiệp SMEs không có.

Ngoài ra, dù báo cáo tài chính trong 2 - 3 năm liền có lãi, nhưng qua dịch, doanh nghiệp SMEs không có lãi, nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng. Thậm chí, doanh nghiệp phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền có thể trả nợ, nhưng với điều kiện thị trường như hiện nay, rất khó để doanh nghiệp có thể thực hiện được.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết, vốn cho doanh nghiệp có hai chính sách: tín dụng và lãi suất.

Về tín dụng, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 14% - mục tiêu phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Trong gần 8 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 9,3%, tức dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450.000 tỷ đồng để đầu tư các hoạt động sản xuất kinh doanh đến cuối năm. Riêng tại TP.HCM, room tín dụng còn khoảng 150.000 tỷ đồng.

Do đó, ông Minh khẳng định, các đơn vị không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các đơn vị có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay. Thậm chí, những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, có thể được hưởng đãi và hỗ trợ.

“Nhưng nếu không đáp ứng được các điều kiện vay vốn thì ngân hàng không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng”, ông Minh nhấn mạnh.

Về cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% theo gói cấp bù lãi suất, ông Minh thừa nhận đang triển khai rất chậm. Vì vậy, ngày 16/8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03 nhằm đẩy nhanh, đẩy mạnh, đẩy đúng đối tượng và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Theo đó, các ngân hàng thương mại ở TP.HCM đã xây dựng được quy trình nội bộ để cho vay và sẽ đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới. Sắp tới, các ngân hàng sẽ triển khai nhanh và cho vay nhanh hơn theo gói cấp bù lãi suất.

Ông Minh nói thêm, các doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp siêu nhỏ còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài sản thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, việc vay tín chấp ở từng ngân hàng cũng có quy định riêng và chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng mới được vay.

“Các ngân hàng ở TP.HCM đã và đang cho phép các doanh nghiệp vay vốn với thế chấp bằng dòng tiền. Có nghĩa là các doanh nghiệp phải minh bạch các thông tin về dòng tiền sản xuất, kinh doanh thì các ngân hàng mới cho vay”, ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

Tin bài liên quan