Một số cá nhân đã giả mạo hồ sơ đăng ký kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Canada và dùng vỏ bọc này để lừa doanh nghiệp Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Canada mới đây đã cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác trước nhiều chiêu thức lừa đảo xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada, bởi thời gian gần đây, số vụ việc lừa đảo trong thương mại tại Canada gia tăng nhanh chóng.
Cơ quan này khuyến cáo, tình trạng lừa đảo xuất khẩu hàng hóa vào Canada đang diễn ra với chiêu thức tinh vi, diễn biến phức tạp. Một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn của Canada và dùng vỏ bọc này để lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Các hình thức lừa đảo phổ biến là: gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như Gmail, Hotmail…), hoặc thông qua các ứng dụng Whatsapp, Viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ.
Việc gia tăng nguy cơ bị lừa đảo trong giao dịch thương mại tỷ lệ thuận với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Canada.
Từ khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu sang Canada tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, Việt Nam mới xuất khẩu sang thị trường này khoảng 3,9 tỷ USD, thì hết năm 2022 đã tăng lên 6,31 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2021.6 tháng 2023, chịu tác động từ thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu sang thị trường này giảm 13,6%, mang về 3,26 tỷ USD.
Khi doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại), thậm chí gửi bản mẫu các chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các đối tượng lừa đảo xuất khẩu khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada hoặc chính quyền phủ, tỉnh, bang trước khi chuyển tiền.
Sau đó, các đối tượng sẽ giới thiệu một luật sư hoặc người môi giới để hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp Việt Nam làm các chứng nhận này tại các cơ quan công quyền Canada.
Luật sư hoặc người môi giới có thể chủ động liên lạc, nêu mức phí hoặc các đối tượng lừa đảo xuất khẩu tự nêu mức phí và nói đây là mức phí đặc biệt do doanh nghiệp mình đã thoả thuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu của các nước.
Các luật sư, người môi giới (cũng dùng email miễn phí) cho số tài khoản để chuyển phí, thường khoảng 1.000 USD Canada/chứng nhận (giá làm nhanh trong khoảng 3 ngày).
Khi các doanh nghiệp Việt Nam nghi ngờ và đề nghị trừ thẳng khoản phí này vào giá trị giao dịch của hợp đồng, thậm chí để tăng độ tin cậy, các đối tượng lừa đảo xuất khẩu còn chấp nhận ký hợp đồng giá FOB (trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm chi phí vận chuyển đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến), xử lý tranh chấp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, thanh toán trước 50%.
Số tiền còn lại thanh toán nốt khi có giấy tờ chứng nhận hàng đã xếp lên tàu; chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng (BCL) hoặc thư tín dụng dự phòng (SBLC). Có vụ việc, đối tượng ở Canada sau khi làm giả BCL, SBLC, còn cung cấp số điện thoại của ngân hàng để doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra.
Ngoài quá trình tự xác minh và phối hợp với các doanh nghiệp để cảnh báo và ngăn chặn, Thương vụ Việt Nam tại Canada đã liên lạc với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam và Bộ An ninh nội địa Canada, đề nghị hỗ trợ kiểm chứng thông tin và phối hợp cảnh báo các ngân hàng, doanh nghiệp có uy tín của Canada về hành vi mạo danh; làm con dấu giả để thực hiện các hành vi lừa đảo xuất khẩu này.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cảnh báo, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, khi các doanh nghiệp Canada đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch thì hầu hết đều là lừa đảo xuất khẩu.
Vì các doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục ở sở tại. Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency, Canada Border Services Agency… đều không có thật.
Ngoài các vụ việc lừa đảo khá tinh vi để lừa các doanh nghiệp Việt Nam bỏ một khoản tiền nhỏ nhằm có hợp đồng lớn, Thương vụ Việt Nam cho biết, trên địa bàn còn có một số vụ việc tranh chấp thanh toán liên quan đến chất lượng.
Theo đó, một số doanh nghiệp Canada nhập hàng theo cơ chế thanh toán LC trả chậm. Sau khi hàng được giao đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng theo hợp đồng, bên nhập hàng dỡ hàng, tự thuê kiểm định không theo thỏa thuận thuê bên thứ ba kiểm định và không chấp nhận kiểm tra ngẫu nhiên mẫu qua video call; cố ý không thanh toán phần chậm trả.