Năm 2015, có không ít công ty trả cổ tức trên 100% mệnh giá và giá của những cổ phiếu này không rơi theo đà rơi của thị trường.
Trong bối cảnh thị trường èo uột và giảm điểm liên tục, không ít NĐT dài hạn đang bắt đầu xem xét bắt đáy cổ phiếu. Thời điểm này, việc lựa chọn nắm giữ cổ phiếu nào quan trọng hơn nhiều so với việc dự đoán thị trường sẽ tăng hay giảm bao nhiêu phần trăm.
Các NĐT dài hạn không thích các cổ phiếu có hệ số beta cao, tức mức độ biến động giá của chứng khoán lớn hơn mức biến động của thị trường, vì lịch sử tăng giá càng mạnh thì nguy cơ điều chỉnh càng mạnh. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm vẫn quanh mức 6%/năm, VN-Index năm 2015 tăng 6,2%, như vậy tỷ lệ cổ tức hàng năm so với thị giá nếu trên 6% sẽ chiến thắng thị trường và được nhiều NĐT quan tâm.
Các doanh nghiệp trả cổ tức cao năm 2015
Thông thường, chính sách cổ tức của công ty sẽ dựa trên kết quả kinh doanh sau một năm, do đó để biết chính xác công ty chia cổ tức năm 2015 bao nhiêu sẽ phải chờ đến ĐHCĐ năm 2016. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, hiện có hơn 150 công ty đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2015 cho các cổ đông, trong đó nhiều công ty trả cổ tức rất “khủng”.
Quán quân trả cổ tức năm 2015 hiện vẫn thuộc về CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS). Trong năm 2015, MAS đã 4 lần chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt, trong đó có 3 lần trả 40% và 1 lần trả 35%. Giá cổ phiếu MAS tăng 89% trong năm 2015, từ 73.500 đồng/CP (giá đã điều chỉnh tỷ lệ cổ tức) lên 139.000 đồng/CP. Trước đó, năm 2014, tỷ lệ cổ tức MAS trả cho cổ đông là 125%. Nếu tính trên thị giá cuối năm 2015, lợi suất sinh lời từ cổ tức của MAS là 11,2%. Trong 3 năm qua, giá cổ phiếu MAS đã tăng 14 lần, từ 10.000 đồng/CP lên 140.000 đồng/CP. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này rất thấp.
Đứng thứ hai về cổ tức là CTCP Vật tư Xăng dầu (COM). Trong năm qua, công ty này đã 3 lần chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, 15% và 40%. COM hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và thiết bị cho trạm xăng và vật tư, giao thông vận tải. Mặc dù giá dầu giảm, song lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2015 của công ty này vẫn vượt 167% kế hoạch năm. Cũng giống như MAS, thanh khoản gần đây của cổ phiếu COM gần như không có, khi nhiều phiên không có giao dịch.
Nhiều công ty khác cũng trả cổ tức ở mức cao như CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Trong năm 2015, FMC đã 3 lần chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%,15% và 30%. Giá cổ phiếu này cuối tuần qua ở mức 18.200 đồng/CP nên lợi suất cổ tức của cổ phiếu FMC trong năm 2015 lên tới 31%.
Trường hợp NĐT mua cổ phiếu FMC và giữ nguyên từ đầu năm đến cuối năm 2015, ngoài việc cổ phiếu này tăng giá 44% trong năm thì sẽ được hưởng lợi tức từ cổ phiếu là 6.500 đồng/CP. FMC hoạt động trong lĩnh vực chế biến và nuôi trồng thủy sản, sản lượng chế biến và tiêu thụ tôm năm 2015 tăng 15%, tiêu thụ nông sản tăng 33%, lợi nhuận tăng 34% so với năm 2014 và vượt 2% chỉ tiêu Nghị quyết ĐHCĐ đề ra. Năm 2016, FMC đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 3.375 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2015; cổ tức bằng tiền mặt 20%.
Trường hợp khác, CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL) trong năm 2015 có 3 lần chia cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 20%, 20% và 50%. Đầu năm 2016 vừa qua, công ty này chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 50%. HTL là một “hiện tượng” trên TTCK năm 2015 khi cổ phiếu này tăng giá 540%, từ mức 23.400 đồng/CP lên 150.000 đồng/CP. HTL kinh doanh xe tải, xe khách, xe chuyên dụng Hino. Trong năm qua, doanh số xe tải bùng nổ sau khi Bộ Giao thông Vận tải tăng cường kiểm soát tải trọng xe, giúp kết quả kinh doanh của HTL tăng vọt, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 9 tháng đầu năm 2015 của công ty này lên tới 12.746 đồng.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) lên sàn vào ngày 8/1/2015, đến nay đã 3 lần trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 40%, 37,1% và 50%. Mức trả cổ tức khủng của NCT đã khiến giá cổ phiếu này tăng 90% trong năm 2015. NCT cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hoá cho các hãng hàng không đang khai thác tại Sân bay Quốc tế Nội bài, 90% doanh thu của Công ty đến từ phục vụ hàng hóa quốc tế. Hiện tại, khách hàng của NCT là 25 hãng hàng không đang khai thác tại Sân bay quốc tế Nội Bài và trên 200 công ty đại lý giao nhận hàng hóa, trong đó 36% sản lượng đến từ 2 khách hàng là Samsung và Microsoft.
CTCP Mía đường Sơn La (SLS) trong năm qua cũng có 3 lần chia cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 10%, 15% và 40%, giá cổ phiếu này đã tăng gấp đôi trong năm. 9 tháng đầu năm 2015, SLS đạt 72,93 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014 và vượt xa kế hoạch năm; EPS 9 tháng đạt 10.726 đồng. Kết quả kinh doanh vượt trội như vậy là nhờ giá bán đường tăng, trong khi giá thành phẩm giảm và Công ty được hưởng chính sách ưu đãi về thuế.
CTCP Sữa Việt Nam (VNM) trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%, 40% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% trong năm 2015. VNM vẫn được coi là “con bò sữa” của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi năm 2015, số tiền cổ tức VNM mang về cho SCIC là gần 3.250 tỷ đồng, chưa kể 20% cổ tức bằng cổ phiếu. Các năm trước đó, mức cổ tức của VNM cũng luôn duy trì ở mức cao, do đó thông tin SCIC thoái vốn tại VNM khiến các quỹ đầu tư nước ngoài cảm thấy rất hào hứng.
CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) đã 4 lần chia cổ tức trong năm 2015, với tổng mức chi là 6.000 đồng/CP, bao gồm cổ tức năm 2014 và tạm ứng năm 2015. Trước đó, ABT duy trì mức cổ tức 40% trong nhiều năm. Năm 2015, ABT đạt gần 472 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 67,5 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2014; EPS đạt 5.206 đồng.
Có thể kể thêm một số mã cổ phiếu khác trả cổ tức cao như IDV, VCS, TMT, DSN, FDC, GDT, NNC, PLC…, với mức trả cổ tức trong năm 2015 từ 3.300 - 8.100 đồng/CP.
Tuy nhiên, không phải cổ đông nào cũng thích doanh nghiệp trả cổ tức cao, việc trả cổ tức phải cân bằng giữa quyền lợi cổ đông và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Với các quỹ đầu tư dài hạn, họ thích các cổ phiếu tăng trưởng đều qua các năm cả về tổng tài sản, lợi nhuận và duy trì mức cổ tức như VNM, BMP, HPG…