Đối thoại với chính quyền TP.HCM, doanh nghiệp đề nghị xác định đơn vị gây khó dễ
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau đại dịch do Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 31/8.
Điều doanh nghiệp tha thiết mong mỏi nhất tại Hội nghị là chính quyền Thành phố cần tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, qua đó tạo sự ổn định lâu dài cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Intel Việt Nam kiêm Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM (SBA), nhiều vấn đề thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới mất thời gian, làm tăng chi phí gián tiếp, gây suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong vấn đề điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, do nhiều quy định pháp luật gần đây bị thay đổi, theo hướng đi ngược, từ "một cửa" trở lại cơ chế "nhiều cửa," đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực, hối lộ và tham nhũng.
Trên thực tế, thời gian qua đã có tình trạng doanh nghiệp tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ, nhưng vẫn mất khoảng 2 năm mới xong so với trước đây, so với thông thường từ 3-6 tháng.
“Thậm chí, một số doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ (như kiốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp...) để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người lao động và tiến độ sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do Ban Quản lý phải xin ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và chính quyền địa phương,” bà Hồ Thị Thu Uyên nói.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, mong muốn Thành phố tiếp tục đi đầu và cùng cả nước đẩy mạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất ở tất cả sở, ban, ngành trên mọi lĩnh vực.
“Chúng tôi rất mong Thành phố cùng các sở, ngành có một bộ phận tiếp nhận được ngay các ý kiến của các Hiệp hội khi phát sinh vấn đề; đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng ngành nghề. Qua đó, trực tiếp lắng nghe và rà soát những quy trình thủ tục bất cập gây phiền hà cho doanh nghiệp và xác định những cơ quan, đơn vị nhà nước gây khó dễ cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như tổng hợp, kiến nghị đến Trung ương những quy định không thuộc thẩm quyền giải quyết để Trung ương sớm có biện pháp tháo gỡ. Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của Thành phố, chỉ khi làm tốt và làm tốt hơn nữa thì mới tạo ra hiệu quả bứt phá,” bà Lý Kim Chi nói.
Petrolimex cũng phải lo đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Một loạt những khó khăn và lo ngại về vấn đề nguồn cung vừa được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nêu tại văn bản gửi Liên Bộ Công Thương, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 2/9.
Petrolimex lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ ở một số nơi. |
Petrolimex cho biết, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu hiện nay diễn biến hết sức phức tạp. Giá có mức tăng hoặc giảm bất thường với biên độ rất lớn và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố về địa chính trị, dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng nguồn cung khí đốt khu vực EU...
Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước chưa được tính đủ từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay.
Việc này, theo Petrolimex, đã tạo ra khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao hoặc chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ...
Chưa kể, do thời điểm điều hành giá trùng vào dịp nghỉ lễ 2/9 nên thời gian điều hành giá phải lùi lại đến ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.
Petrolimex cho biết, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực lớn trong công tác tạo nguồn khi việc mua hàng của doanh nghiệp không thể bù đắp ngay lập tức sự thiếu hụt "rất nhanh". Với sự cộng hưởng nhiều yếu tố, thị trường xăng dầu trong nước đã chịu nhiều tác động, thậm chí có hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán hàng, dẫn tới nhu cầu dồn về doanh nghiệp này.
Thông thường, bán lẻ trực tiếp của doanh nghiệp này khoảng 17.000 m3/ngày, tuy nhiên mấy ngày gần đây sản lượng tăng trên 21.000 m3/ngày và đỉnh điểm ngày 31/8 sản lượng bán lẻ trực tiếp là 27.000 m3 tăng 60% so với ngày bình thường.
Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn hàng của các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex cũng không ngừng tăng cao.
Trước tình hình nêu trên, Petrolimex lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ ở một số nơi hoặc một số thương nhân nhượng quyền có thể xảy ra nếu việc kiểm soát tồn kho và công tác vận chuyển không được phối hợp chặt chẽ, đặc biệt đối với các địa bản xa các kho xăng dầu đầu mối.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu hôm 26/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định từ nay tới cuối năm không thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, trên thực tế lại có ghi nhận rất nhiều tình trạng các đại lý đóng cửa vì hết hàng.
Bỏ tham vọng vũ trụ, Thaiholdings rót 600 tỷ đồng theo chân Hòa Phát, Masan, Hoàng Anh Gia Lai, Dabaco...
Thaiholdings liên tục có những thay đổi trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Sau tham vọng vũ trụ, doanh nghiệp của người sáng lập gốc Ninh Bình rót vốn mạnh vào ngành chăn nuôi lợn trị giá 10 tỷ USD.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 của CTCP Thaiholdings, Tập đoàn Thaigroup (công ty con của Thaiholdings) của ông Nguyễn Đức Thụy đã rót 600 tỷ đồng để đầu tư dự án chăn nuôi lợn và sản xuất lợn giống tại Thanh Hóa.
Thaigroup rót 300 tỷ đồng cùng với CTCP Xuân Thiện Thanh Hoá 2 và 300 tỷ đồng cùng với CTCP Xuân Thiện Thanh Hoá 3 và theo hợp đồng sẽ nhận 60% lợi nhuận từ mỗi dự án sau khi trừ đi các khoản trích lập theo dự phòng.
Hai khoản đầu tư được thực hiện trong nửa đầu năm 2022 - khi giá thịt heo tăng mạnh (hiện khoảng 70.000 đồng/kg lợn hơi) và được dự báo sẽ còn ở mức cao cho tới Tết Nguyên đán.
Vài năm gần đây, thị trường chăn nuôi lợn thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nhân đến từ nhiều lĩnh vực như Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long, Masan với thương hiệu Masan MEATLife của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức, Dabaco của ông Nguyễn Như So…
Các doanh nghiệp nội đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, qua đó giúp cán cân không còn nghiêng hẳn về các doanh nghiệp ngoại (CP, GreenFeed, CJ,... ) như các năm trước đây.
Doanh nghiệp xổ số miền Nam lấy lại phong độ sau 2 năm lao đao vì Covid-19
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xổ số miền Nam cho thấy doanh số sau đại dịch đều đạt mức kỷ lục. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cũng tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.
6 tháng đầu năm, Công ty Xổ số Kiến thiết TP.HCM ghi nhận doanh thu thuần 4.710 tỷ đồng. |
Lãi lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp xổ số truyền thống miền Nam là Công ty Xổ số Kiến thiết TP HCM. Nửa đầu năm, báo cáo tài chính của công ty này ghi nhận doanh thu thuần 4.710 tỷ đồng, hoàn thành trên 50% kế hoạch cả năm. Nguồn thu chính đến từ kinh doanh vé số truyền thống, vé số cào; còn lại từ cho thuê văn phòng và in ấn. Theo đó, doanh nghiệp lãi 920 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái và gấp ba lần cách đây mười năm.
Tiếp theo là Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang có doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 2.243 tỷ đồng, lãi trước thuế 441 tỷ đồng, hơn tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Nhờ lãi tăng đột biến, doanh nghiệp này đã trả mức lương hậu hĩnh cho ban điều hành trong 6 tháng đầu năm bình quân ở mức gần 70 triệu đồng một tháng.
Không tăng lãi đột biến như hai doanh nghiệp trên nhưng Công ty TNHH MTV Xổ số Tiền Giang và Bến Tre cũng tăng trưởng tốt nửa đầu năm. Doanh thu thuần trong kỳ của công ty xổ số Tiền Giang đạt 2.247 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 355 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,2 và 8,2% so với cùng kỳ. Còn tại xổ số Bến Tre, doanh thu thuần 6 tháng đạt hơn 2.200 tỷ đồng, lãi trước thuế 384 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái...
Các doanh nghiêp xổ số lãi lớn sau đại dịch chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vé ở khu vực miền Nam tăng cao. Như tại công ty xổ số Bến Tre, ban lãnh đạo cho biết chỉ số tiêu thụ vé số nửa đầu năm tại đây tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Thu nhập khác cũng tăng 9 lần so với cùng kỳ và đạt 2,3 tỷ đồng...
Ngoài ra, việc các công ty lãi đậm còn nhờ chi phí trả thưởng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí quản lý doanh nghiệp của họ cũng được thắt chặt đã giúp tối đa hóa lợi nhuận.