Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch của Hiệp hội, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Lê Thành cho biết, tại khách sạn của Lê Thành, có đến hơn 95% lượt khách hủy phòng trong một thời gian rất ngắn…
"Hiện tại, khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm đến 80% lượng khách du lịch nước ngoài, chiếm đến 70% đường bay của chúng ta. Tiềm năng khách trong nước lớn với 80 triệu khách, nhưng hiện không ai dám đi du lịch. Đây mới là điều đáng sợ nhất. Theo tôi, không nên thực hiện chiến lược mở đường bay mới hay là mở tour mới, mặc dù đây đúng là chiến lược dài hạn, nhưng hiện tại thì không làm được”, ông Nghĩa chi sẻ và các cấp lãnh đạo TP.HCM cũng như Hiệp hội triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ nhất, hiện có nhiều đề xuất miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng cần nói rõ là miễn giảm thuế năm nào? Nếu đề xuất miễn giảm thuế cho năm 2020, thì không có ý nghĩa, bởi năm nay chắc nhiều doanh nghiệp lỗ. Do đó, cần miễn giảm thuế năm 2019 cho doanh nghiệp, vì thuế năm 2019 tới cuối tháng 3 mới quyết toán.
Thứ hai cần khoanh nợ, giảm lãi suất các khoản đang vay để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-10, chứ không phải là tung gói kích cầu mới và lãi suất ưu đãi với khoản vay mới. Bởi hiện doanh nghiệp không thể kinh doanh được, nên không có nhu cầu vay. Việc vay mới này chẳng khác nào là đảo nợ, dùng tiền không đúng mục đích.
Thứ ba, Nhà nước nên miễn 1 quý đóng tiền bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn để chi trả lương cho nhân viên. Nếu không, doanh nghiệp sa thải người lao động, thì tiền bảo hiểm Nhà nước cũng không thu được, mà ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội khi số lượng người thất nghiệp gia tăng.
Trong khi đó, ông Trần Tấn Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Hello 5 cho biết, qua một lần đi công tác, chứng kiến cảnh vắng vẻ của các sân bay, ông nhận ra giao thương đang gặp khó khăn. Vì vậy, về tới công ty, ông đã quyết định cắt giảm giờ làm và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
“Trước Tết, chúng tôi sản xuất cà phê hòa tan và rang xay rất nhiều cho thị trường trong nước và quốc tế. Tới ngày 27 Tết Âm lịch, Công ty vẫn còn nhận được giấy xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, nhưng sau đó bị đình trệ vì dịch Covid-19”, ông Thiện cho biết.
Ông Thiện cho biết thêm, ngoài khó khăn về xuất khẩu, tiêu thụ trong nước cũng gặp khó khi từ sau Tết Âm lịch tới nay, các siêu thị cũng không đặt hàng, khiến doanh thu từ siêu thị sụt giả hơn 70%, doanh thu từ hệ thống quán cafe cũng sụt giảm.
“Nhờ trước Tết, công ty cung cấp hàng hóa nhiều, dòng tiền về trong tháng 2 và tháng 3, nên doanh nghiệp vẫn có thể sống được một vài tháng nữa. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì khó khăn là không thể tránh khỏi", ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, 90% doanh nghiệp trong hiệp hội là vừa và nhỏ, do đó Hiệp hội cần tìm ra một giải pháp, đặc biệt là phải tăng cường ủng hộ lẫn nhau để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc này cần phải bắt tay vào làm ngay, không nên chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Đầu tiên là kiến nghị với Chính phủ, với UBND TP.HCM hỗ trợ giãn thuế, phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn do chịu tác động từ dịch. Bà Phạm Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Hoàng Linh Biotech cho biết, công ty bà sẽ xây dựng một khu nông nghiệp công nghệ cao ngay tại TP.HCM, chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất 0,5 km.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Biotech cho ra các sản phẩm đặc thù, nên đơn hàng rất nhiều. Theo bà Vân, không ty bị cháy hàng, sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn, sản phẩm Cốm gừng tây trà đông trùng hạ thảo, có tác dụng giữ ấm cơ thể, tránh được dịch, nên thu hút khách hàng.
"Đây là dự án Công ty đã hợp tác với đồng bào dân tộc miền núi, giúp xóa đói giảm nghèo, đồng thời đưa ra dược liệu rất tốt ra cộng đồng”, bà Vân cho biết.