Xin ông chia sẻ dự cảm về TTCK Việt Nam cuối năm 2018? Trên cơ sở thị trường như vậy, định hướng đầu tư, mở rộng Quỹ của MBCapital, đặc biệt là Quỹ Đầu tư tăng trưởng mới ra đời tháng 3/2018 cũng như một số quỹ khác Công ty đang quản lý sẽ như thế nào?
Chúng tôi kỳ vọng TTCK Việt Nam cuối năm 2018 sẽ có chu kỳ tăng trưởng mới tích cực hơn giai đoạn quý II vừa qua. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường sẽ có tính chọn lọc cao hơn: Các công ty tốt, có kết quả kinh doanh khả quan sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư và tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư MBCapital.
Về phía MBCapital, trong giai đoạn vừa qua chúng tôi cũng đã xây dựng chiến lược đầu tư cùng với kế hoạch hành động phù hợp với các diễn biến của thị trường.
Theo đó, Quỹ đầu tư tăng trưởng MBCapital (MBGF), mặc dù ra đời vào thời điểm khó khăn của thị trường, nhưng trên cơ sở thận trọng, lựa chọn một cách chọn lọc các cơ hội đầu tư tăng trưởng tốt, Quỹ đã tích cực tận dụng được các cơ hội đầu tư.
Đến hết 21/9/2018, Quỹ MBGF đạt mức tăng trưởng 8,59% kể từ khi thành lập. Quỹ đầu tư giá trị MBCapital (MBVF) cũng có nhiều thuận lợi, là một trong số các quỹ đầu tư có lợi nhuận dương trong gần 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng 3,5%.
Với các kết quả đó, chúng tôi hướng tới mục tiêu tiếp tục tăng cường huy động vốn cho các Quỹ mở đầu tư do mình quản lý, đặc biệt hướng tới các khách hàng là các nhà đầu tư cá nhân có nguồn lực tài chính tốt, sẵn sàng đầu tư trên TTCK.
TTCK Việt Nam trong mấy năm gần đây liên tục tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô vốn hóa theo mức độ lên sàn của nhiều DN. Là Công ty Quản lý quỹ từng thu hút được dòng vốn nước ngoài, nhất là dòng vốn Nhật Bản tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn dòng vốn ngoại của TTCK Việt Nam hiện nay?
MBCapital hiện đang quản lý Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF). Trong gần 9 tháng vừa qua, Quỹ cũng đạt được mức tăng trưởng 11,41% so với đầu năm.
Chúng tôi mới có chuyến công tác làm việc với các nhà đầu tư Nhật Bản gần đây. Qua trao đổi với các nhà đầu tư, chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng thận trọng hơn trong việc lựa chọn các cơ hội đầu tư: Những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt, quản trị minh bạch sẽ có rất nhiều cơ hội thu hút vốn.
Hiện chúng tôi đang thảo luận với một số nhà đầu tư nước ngoài để hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Nhìn chung, chúng tôi đánh giá những khó khăn khách quan từ nền kinh tế quốc tế có ảnh hưởng nhiều hơn tới các dòng vốn đầu tư ngắn hạn.
Còn đối với các nhà đầu tư giá trị, tập trung vào chất lượng doanh nghiệp thì mức độ ảnh hưởng này là không nhiều.
Theo ông, việc đại đa số DN Việt Nam không làm báo cáo tài chính theo chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) có ảnh hưởng như thế nào đến sự so sánh đắt, rẻ của TTCK Việt Nam với các TTCK khu vực và quốc tế? Nếu so sánh TTCK Việt Nam với quốc tế thông qua chỉ tiêu như P/E, P/B thì có đáng tin cậy không?
Trước hết khi nói về chuẩn mực kế toán, theo đánh giá của chúng tôi hệ thống báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hiện nay về cơ bản được xây dựng theo hướng tiếp cận với Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS/IFRS.
Hệ thống này đã khá đầy đủ và cũng đã tiệm cận với Chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, giữa 2 hệ thống vẫn còn có sự khác nhau, tập trung ở đặc điểm hình thức và nội dung của báo cáo tài chính, có ảnh hưởng đến tính minh bạch và hữu ích của thông tin cung cấp trong loại báo cáo này.
Do đó, chúng tôi ủng hộ việc Việt Nam sớm áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế mới với một lộ trình phù hợp cho các doanh nghiệp.
Còn khi so sánh đắt rẻ của TTCK Việt Nam so với các TTCK khu vực thông qua các chỉ tiêu giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E), giá trên giá trị sổ sách (P/B) thì so sánh này đều chỉ mang tính tương đối.
Ngoài yếu tố còn vài điểm khác biệt giữa chuẩn mực VAS và IAS/IFRS, thì sự so sánh như vậy còn cần phải cân nhắc thêm đến nhiều yếu tố khác như bối cảnh kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất…
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng việc so sánh trên các số liệu kế toán như vậy chỉ mang ý nghĩa tham khảo một cách tương đối. Bản thân MBCapital khi thực hiện phân tích đánh giá các cơ hội đầu tư thì ngoài việc xem xét phân tích kỹ lưỡng các báo cáo tài chính, chúng tôi rất chú trọng tới những đánh giá khác như chiến lược kinh doanh, quản trị điều hành, nguồn lực con người…
Xin ông chia sẻ Công ty đã và sẽ xây dựng những sản phẩm tài chính gì để kết nối các dòng vốn đầu tư, nhất là các dòng vốn chuyên nghiệp trong và ngoài nước?
MBCapital tập trung vào phát triển các quỹ mở đầu tư theo hướng đa dạng hóa chiến lược đầu tư với những khẩu vị rủi ro khác nhau. Hiện MBCapital đang quản lý 2 quỹ mở đầu tư là Quỹ đầu tư giá trị MBVF với chiến lược đầu tư giá trị, khẩu vị rủi ro trung bình và kỳ vọng lợi nhuận từ 12% - 15%/ năm và Quỹ đầu tư tăng trưởng MBGF với chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng, khẩu vị rủi ro cao hơn với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn từ 15%-20%/ năm.
Ngoài ra MBCapital cũng cung cấp dịch vụ quản lý danh mục ủy thác thiết kế riêng cho từng khách hàng theo khẩu vị rủi ro và chiến lược đầu tư riêng biệt. Sản phẩm dịch vụ này có tính định hướng kết nối cao hơn, tập trung hơn tới các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ông có ý kiến đóng góp gì cho sự phát triển của thị trường chứng khoán?
Hiện có rất nhiều công ty Nhà nước thoái vốn sau cổ phần hóa đã là công ty đại chúng nhưng chưa lên sàn.
Chúng tôi mong muốn các cấp cơ quan quản lý có thẩm quyền có biện pháp, chế tài để đôn đốc các công ty này sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tăng tính minh bạch, tăng thêm lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng quá trình cổ phần hóa sẽ diễn ra nhanh hơn hiệu quả hơn.