Các doanh nghiệp đang “lắng nghe” những chuyển động thực tế của hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước

Các doanh nghiệp đang “lắng nghe” những chuyển động thực tế của hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước

Doanh nghiệp tìm điểm tựa mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chủ quan nhưng không bi quan, phòng thủ nhưng không “cố thủ” là tâm lý và tâm thế của các doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Không bi quan

Chia sẻ với nhà đầu tư cuối tuần qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept cho biết, khi thương chiến bắt đầu, Công ty đã chuyển sang chế độ chống suy thoái và ngay sau khi Chính phủ Mỹ công bố mức thuế đối ứng, doanh nghiệp liền chuyển sang trạng thái chống khủng hoảng. Các kịch bản xấu nhất được xây dựng để có giải pháp ứng phó kịp thời, bởi sự dịch chuyển hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế. Theo đó, ngành vận tải biển và cảng biển bị ảnh hưởng nặng nề.

Gemadept đã làm việc với các hãng tàu, điều chỉnh cơ cấu khách hàng để giảm phụ thuộc thị trường Mỹ. Tại cảng Gemalink đã có thêm chuyến tàu đi châu Phi, Canada, châu Âu. Cảng Nam Đình Vũ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và châu Á, trong đó hàng hóa từ Mỹ chỉ chiếm dưới 10% sản lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia tìm kiếm thị trường thay thế và củng cố chuỗi cung ứng trong khu vực, chính sách thuế quan mới của Mỹ được dự đoán sẽ thúc đẩy giao thương Nội Á. Vì thế, Gemadept đang tích cực hoàn thiện giai đoạn 3 của cụm cảng Nam Đình Vũ, dự kiến đưa vào khai thác trong quý IV/2025, nâng tổng công suất cụm cảng lên khoảng 2 triệu TEU (so với mức 1,3 triệu TEU năm 2024), vượt công suất thiết kế.

“Khi Mỹ công bố mức thuế quan mới, Gemadept vẫn giữ nguyên sản lượng qua các cảng, sự đa dạng khách hàng, nguồn hàng giúp Công ty duy trì sản lượng. Các đơn hàng sau khi ngừng lại vì thông tin về thuế đã tấp nập trở lại khi các doanh nghiệp tranh thủ thời gian hoãn thuế để đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ lượng tồn kho nguyên liệu đã nhập. Doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để gia tăng sản lượng trong quý II/2025”, ông Bình cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đăng Trình, Tổng giám đốc PVOIL cho hay, sang tháng 4/2025, sản lượng tiêu thụ xăng dầu đã tăng trở lại so với các tháng trong quý I/2025, một phần vì thông lệ hàng năm là tiêu thụ trong quý II tốt hơn quý I (có thời gian dài nghỉ Tết). Năm nay, một phần là có yếu tố các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian đàm phán thuế quan.

“Chúng tôi kỳ vọng, từ nay đến tháng 6/2025, giá dầu sẽ ổn định, còn sang tháng 7 dự kiến phụ thuộc vào chính sách thuế quan của Mỹ”, ông Trình nói.

Trong ngành thủy sản, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn (mã VHC) Nguyễn Ngô Vi Tâm chia sẻ, sang quý II/2025, xuất khẩu sang Mỹ vẫn đều đều, bất chấp thông tin thuế đối ứng. Nhiều đơn vị đang tranh thủ đẩy hàng trước khi thuế mới có hiệu lực. Cá tra là sản phẩm có vị thế độc quyền của Việt Nam và tính cả thuế thì chi phí cho sản phẩm này vẫn phù hợp với túi tiền người tiêu dùng Mỹ nên bên nhập khẩu có thể sẵn sàng chịu mức thuế khi ký hợp đồng nhập khẩu.

Với ngành dệt may, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu toàn ngành, nhưng Việt Nam là đối tác nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ. Do đó, các nhà đầu tư kỳ vọng, đây không phải ngành Mỹ muốn đưa về nội địa nên sẽ không áp mức thuế cao.

Cũng cuối tuần trước, Công ty Chứng khoán APG công bố kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phần riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá trị sổ sách hiện nay là hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều khả năng, nhà đầu tư mua cổ phần riêng lẻ này là nhà đầu tư nước ngoài vừa nâng tỷ lệ sở hữu, trở thành cổ đông lớn của APG là Quỹ đầu tư Pando 1 Investment. Những sóng gió thị trường thời gian qua và ngay cả khi tăng trưởng GDP của Việt Nam gặp thách thức bởi thương chiến và mức thuế quan của Mỹ thì quỹ đầu tư này vẫn triển khai kế hoạch đầu tư lớn vào APG.

Dường như, câu chuyện thuế quan không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch kinh doanh của APG, mà diễn biến trồi sụt của thị trường vì yếu tố thuế đem lại cơ hội tự doanh cho không ít công ty chứng khoán có kinh nghiệm đầu tư.

Là người thận trọng, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho kịch bản thị trường xuống dưới 1.000 điểm trước khi tăng trở lại. Danh mục tự doanh của HSC hiện tại chủ yếu là trái phiếu ngân hàng để chờ cơ hội mới với cổ phiếu. Theo ông Giang, cho đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp niêm yết đều không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã xây dựng từ trước khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng với các đối tác thương mại.

Cho dù thận trọng và phòng thủ, nhưng các doanh nghiệp cũng lắng nghe những chuyển động thực tế của hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, thay vì chịu ảnh hưởng tâm lý vì những diễn biến của chính sách thuế quan và thị trường tài chính Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) Trần Đình Long cho biết:

“Cho dù thị trường ra sao thì truyền thống của Tập đoàn từ trước đến nay là luôn tìm cách bán hết hàng và quan tâm đến số lượng, còn lợi nhuận chỉ là hệ quả tất yếu”.

Tăng trưởng trong nước là điểm tựa

Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp niêm yết không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã xây dựng từ trước khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng với các đối tác thương mại.

Lý do đầu tiên các doanh nghiệp nhắc đến khi không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho dù thị trường được nhận định còn nhiều khó lường đó là Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã được ban hành kịp thời. Trong khi đó, Việt Nam là nước ký kết và tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bà Chế Thị Mai Trang, Trưởng phòng Phân tích Ngành hàng công nghiệp, HSC nhận định, các FTA rộng rãi giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có thể tìm kiếm thị trường thay thế. Lợi thế khác là vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam góp phần giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đa dạng hóa thị trường.

Điển hình cho đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam là câu chuyện của cá file. Năm 2003, khi Mỹ áp thuế 49 - 64% lên cá file của Việt Nam thì tổng sản lượng xuất chỉ giảm trong năm đó. Ngay từ năm sau, sản lượng cá file giảm ở Mỹ, nhưng tăng mạnh ở thị trường châu Âu và sau 5 năm, sản lượng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng kép lên đến gần 64%.

Không phải doanh nghiệp, ngành hàng nào cũng giữ được gam màu hồng trong thương chiến. Các doanh nghiệp, dự án sản xuất ethanol một là ví dụ. Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn ethanol, nguyên liệu để pha vào xăng sinh học theo tỷ lệ khoảng 10% và ở Việt Nam pha theo tỷ lệ 5%. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thương chiến xảy ra, lượng ethanol của Mỹ tràn sang các nước khác, trong khi giảm thiểu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà máy Trung Quốc phải tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước nên tăng cường nhập sắn (một trong những nguyên liệu sản xuất ethanol) của Việt Nam. Vì thế, các nhà máy sản xuất ethanol Việt Nam gặp khó khăn cả về đầu ra vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu và đầu vào khi nguyên liệu tăng giá do ảnh hưởng từ người mua ở thị trường Trung Quốc. Các nhà máy ethanol phải xem xét chuyển sang nhập khẩu ngô làm nguyên liệu sản xuất.

Tác động của chiến tranh thương mại đến các ngành hàng, các doanh nghiệp Việt Nam là rất khác nhau về mức độ tác động trực tiếp cũng như đa dạng về mức độ gián tiếp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, câu chuyện thương chiến không chỉ là thông tin chủ đạo từ thị trường Mỹ, mà còn là sự chuyển động của các nền kinh tế lớn khác để ứng phó với mức thuế từ Mỹ. Những chuyển động đó cũng cho thấy thế xen cài của các tác động tiêu cực và hưởng lợi của ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự năng động và sáng tạo, linh hoạt của doanh nghiệp cần phát huy tối đa để vượt qua được nguy cơ, tận dụng được cơ hội mới. Điểm tựa vững vàng là cả hệ thống chính trị đang chuyển động theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tin bài liên quan