Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ 6,3% các DN trong số 282 DN tham gia cuộc điều tra nêu trên muốn thu hẹp quy mô sản xuất do bất lực trước những tác động bất lợi từ khó khăn chung của nền kinh tế, mọi việc có vẻ khá ổn. Tuy nhiên, đa phần trong số này là các DN ngoài quốc doanh, rồi đến DN nhà nước. DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được điều tra không cho thấy ý định này. Kèm theo đó, tỷ lệ rất cao, tới gần 74%, DN quy mô nhỏ và vừa gặp khó khăn về tiếp cận vốn kinh doanh. Chỉ có khoảng 10,5% DN vay được đúng nhu cầu của mình; 73,2% DN phàn nàn về lãi suất quá cao. Trong bối cảnh vẫn có tới gần 75% DN xem ngân hàng là kênh huy động vốn chủ yếu của mình, những con số này đang cảnh báo những căng thẳng tiếp tục diễn ra trong hoạt động của các DN ngoài quốc doanh vào các tháng cuối năm 2008.
Một phát hiện đáng phải xem xét, đó là các DN nhà nước hoạt động xuất khẩu đánh giá mức độ khó khăn trầm trọng hơn so với các khu vực DN khác. Cùng đối mặt với "chi phí đầu vào tăng", song 91,3% DN nhà nước cho rằng gặp khó khăn, trong khi đó, tỷ lệ này ở DN ngoài quốc doanh là 81,2%, DN FDI là 76,4%. Tương tự, với khó khăn về "chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao", tỷ lệ DN nhà nước kêu ca lên tới 72,5% so với 56,6% DN ngoài quốc doanh và 50,1% DN FDI.
Có thể thấy, tỷ lệ DN FDI gặp khó khăn khi xuất khẩu thấp nhất. Đây là điểm đáng lưu ý khi năm 2007, các DN FDI chiếm tới 57% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, có vẻ như các DN FDI vẫn duy trì tốt phong độ này trong năm 2008, trong khi các DN nhà nước có thể sẽ không đạt được các kế hoạch của mình. Rõ ràng, ở một góc nhìn khác, khi các DN nhà nước phàn nàn nhiều hơn các DN ngoài quốc doanh vốn thường gặp khó khăn hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh ngay trong điều kiện bình thường, câu hỏi lớn về sự chủ động cũng như yếu tố nội tại từ chính các DN nhà nước bên cạnh những khó khăn chung liên quan tới chính sách vĩ mô, lạm phát... được đặt ra.
Tuy vậy, cũng phải khẳng định rằng, các DN Việt Nam đang chuẩn bị khá tốt cho sự phát triển trong bối cảnh mới. Ưu tiên hàng đầu được DN đưa ra, đó là nâng cao trình độ quản lý và phát triển thị trường. Tiếp đó, 56% DN chọn giải pháp mở rộng thị trường kinh doanh. Và với chiến lược như vậy, ngoài tỷ lệ 52,4% DN giữ nguyên quy mô sản xuất, vẫn có tới 41,3% DN dự định mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, quyết định này từ các DN được kèm theo đề nghị Chính phủ xem xét việc điều tiết giá cả các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng, dầu, than…, cũng như tạo điều kiện để DN chủ động hơn trong việc đối phó với những diễn biến phức tạp của thị trường. 97,2% các DN trong số 282 DN tham gia cuộc điều tra nêu trên đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin dự báo về tình hình kinh tế và các chính sách một cách kịp thời.
Đặc biệt, những kiến nghị về đẩy mạnh hỗ trợ được phép tới khu vực DN nhỏ và vừa thông qua các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đang được đưa ra. Thậm chí, nhiều DN cũng nhắc tới ý kiến chuyển một lượng vốn nhất định từ các dự án thuộc ngân sách nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực chưa cần thiết, không hiệu quả sang việc hỗ trợ vốn các DN nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, bởi sự tồn tại và phát triển khu vực này thực chất là lưới an toàn cho các vấn đề lao động việc làm và an sinh xã hội hiện nay.