Các chuyên gia đến từ Dự án đã chỉ ra nhiều lợi ích khi doanh nghiệp áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch và cộng sinh công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Trọng Tín
Thông tin trên được bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO – đại diện Ban quản lý Dự án khu công nghiệp cho biết tại Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực về hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và công sinh công nghiệp tại khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), diễn ra vào sáng 29/3.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (gọi tắt là Dự án), do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ vốn và thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hiện Dự án được triển khai thí điểm tại một số khu công nghiệp như: khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng), khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM), khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng)… Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và khu công nghiệp đã được xác định từ pha trước của Dự án. Kinh nghiệm thực hiện tại các khu công nghiệp này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái trên cả nước.
“Dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các khu công nghiệp và thực hiện các giải pháp chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái thông qua đào tạo tập huấn, thực hiện giải pháp về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn pháp tài chính cho việc chuyển đổi”, bà Trâm Anh nói.
Theo bà Trâm Anh, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, tái sử dụng tài nguyên, kết nối thành mạng lưới để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh; tiếp cận tài chính xanh.
Bà Trâm Anh ví dụ cụ thể về một doanh nghiệp về ngành sữa tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), tiêu thụ nước nhiều nên nước thải nhiều nhưng chưa thể tái sử dụng. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả thì thu lợi ích rõ rệt. Tổng đầu tư là 600 triệu đồng, lợi ích thu về mỗi năm là 1 tỷ đồng, giảm tiêu thụ điện, giảm phát thải khí CO2...
Hay một doanh nghiệp trong ngành bia, trước đó tiêu thụ năng lượng khá cao, tiêu thụ nước lớn so với các công ty trong cùng hệ thống; có máy móc, đèn, thiết bị động cơ bị hỏng chưa rõ nguyên nhân. Sau khi tập huấn cho doanh nghiệp và triển khai hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, lợi ích thu về của doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp đầu tư 2,35 tỷ đồng cho hệ thống nhưng thu lợi ích về 5,56 tỷ đồng mỗi năm.
Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) là khu công nghiệp đầu tiên được chọn thí điểm chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại TP.HCM. Ảnh: Trọng Tín |
Tại Hội thảo, ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết sau 30 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, mô hình phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM trong thời gian qua cũng có một số hạn chế.
Nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của Thành phố đã giảm bớt so với các địa phương lân cận, do giá thuê đất cao, chi phí lao động cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; thu hút đầu tư còn hạn chế vì tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, cũng như các ngành có giá trị gia tăng thấp. Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất có công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí nguồn lực, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, giữa các khu công nghiệp, giữa các địa phương còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; tuyển dụng lao động có kỹ năng vào khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng, quy hoạch các khu công nghiệp còn hạn chế đặc biệt là các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp; mô hình quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả; cơ chế chính sách chung cho khu công nghiệp đã có nhưng chưa đồng bộ và vận dụng chưa phù hợp với bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng.
“Trước bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh, đòi hỏi phải quy hoạch khu công nghiệp theo bối cảnh mới, xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút dự án lớn theo định hướng của TP.HCM, dự án công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo”, ông Trực nói.
Theo ông Trực, trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 thì một trong những nhiệm vụ chính là cần phổ biến, nhân rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp, mô hình khu, cụm công nghiệp, làng nghề sinh thái và bền vững…
“Trước mắt, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp Hiệp Phước sang khu công nghiệp sinh thái. Thành phố đã quy hoạch xây dựng và phát triển khu công nghiệp Hiệp Phước có quy mô lớn nhất Thành phố với tổng diện tích cả 3 giai đoạn khu công nghiệp là 1.300 ha; gắn liền với khu công nghiệp là xây dựng cảng biển tập trung lớn nhất của Thành phố và Khu đô thị hiện đại với đầy đủ hạ tầng xã hội và các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp và công nghiệp cảng”, ông Trực cho biết thêm.