Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng mang về 10 tỷ USD
Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2020, mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019.
Trong đó, sản lượng cá tra đạt 1,42 triệu tấn, sản lượng tôm các loại đạt 850.000 tấn (tăng 3,7% so với năm 2019), kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019.
Nhận định được đưa ra từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ có nhiều thuận lợi khi nhu cầu với sản phẩm thủy sản nuôi ngày càng tăng.
Dân số thế giới sẽ vượt 9,5 tỷ người vào năm 2030.
Ngành đánh bắt cá từ tự nhiên sẽ không tăng trưởng để đảm bảo đa dạng sinh học.
Tỷ lệ cá nuôi trong tổng nguồn cung cấp cá sẽ tăng từ 47% trong năm 2016 lên 54% vào năm 2030.
Thị trường Mỹ sẽ phục hồi về lượng, cùng với đó cá tra đến nay đã lấy lại lợi thế cạnh tranh so với cá rô khi giá đã điều chỉnh về mức tương đương với giá cá rô trong tháng 9/2019.
Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể sẽ được phê chuẩn vào giữa năm 2020 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021.
Thuế nhập khẩu cá tra sẽ giảm từ mức 5,5% xuống còn 0% trong ba năm đối với cá tra nguyên liệu và từ 7% xuống 0% trong bảy năm đối với cá tra chế biến sẽ kích thích nhu cầu cá tra tại thị trường EU.
Doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị nguồn lực, vật lực để nắm bắt cơ hội có đà tăng trưởng khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
Thị trường phục hồi tạo đà tăng trưởng
Trong ngành thủy sản, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) được đánh giá sẽ có thuận lợi nhờ thị trường Mỹ phục hồi về sản lượng nhập khẩu trong năm 2020.
Tuy nhiên, về giá, nhiều khả năng sẽ không phục hồi so với năm ngoái do các nhà nhập khẩu có thể sẽ đặt hàng cầm chừng để chờ đợi kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 15 (POR 15) và thỏa thuận dỡ bỏ thuế quan lên cá rô Trung Quốc khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã có những bước tiến mới.
VHC có những dự án giống giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm giá thành. Công nghệ cao và kinh nghiệm từ Na Uy giúp VHC giảm thời gian nuôi và tỷ lệ tử vong, ít hoặc không sử dụng kháng sinh, giảm hao phí thức ăn và bảo vệ môi trường.
Vùng nuôi mới rộng 220 ha sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2020 và cho thu hoạch lứa cá nguyên liệu đầu tiên vào quý III/2020.
Nguyên liệu tự sản xuất sẽ tăng 30 - 40% một năm khi vùng nuôi mới hoạt động tối đa công suất. Công suất chế biến được dự báo sẽ tăng từ mức hiện tại là 1.000 tấn nguyên liệu/ngày lên 1.100 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm 2020.
VDSC dự phóng, năm 2020, doanh thu VHC có thể đạt mức tăng trưởng 19,2%, tương đương 9.214 tỷ đồng.
Giá trị xuất khẩu cá tra đạt 308 triệu USD, tăng 16,2%; trong đó, tỷ trọng các thị trường chính là Mỹ 52%, EU 10% và Trung Quốc 25%.
VHC sẽ đẩy mạnh bán hàng vào nhiều thị trường khác, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Khối lượng xuất khẩu có thể tăng 15,4% trong khi giá bán trung bình đi ngang. Giá mua cá nguyên liệu từ bên ngoài tăng do tình trạng thiếu nguyên liệu khi nhiều nông dân treo ao do thua lỗ trong năm 2019.
Biên lãi gộp giảm xuống 19,06% từ 20,4% trong năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 1.204 tỷ đồng.
Tại CTCP Nam Việt (ANV), VDSC cho rằng, khả năng kiểm soát chi phí sản xuất tốt nhờ tự chủ hoàn toàn về nguyên liệu và vùng nuôi mới chi phí thấp cho thu hoạch sản lượng lớn từ năm 2020 sẽ là các yếu tố giúp Công ty duy trì sức tăng trưởng doanh số và gia tăng khả năng sinh lời.
Khả năng tự chủ hoàn toàn nguyên liệu giúp giảm giá thành sản xuất. ANV tự cung cấp thức ăn, con giống (70% hiện tại, 100% từ 2020 nhờ vùng nuôi Bình Phú).
Con giống tốt có tỷ lệ sống cao, giúp giảm hao phí thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh và do đó giảm chi phí nuôi và rủi ro tồn dư kháng sinh trong sản phẩm.
Vùng nuôi Bình Phú có chi phí thấp sẽ cho thu hoạch sản lượng lớn từ năm 2020 làm giảm giá thành nguyên liệu.
Khả năng cung ứng khối lượng lớn là tiền đề để phân phối trực tiếp vào các hệ thống siêu thị trong tương lai khi thương hiệu ANV trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Thị trường đa dạng giúp ANV hạn chế ảnh hưởng của các rào cản xuất khẩu và các rủi ro chính trị lên khả năng gia tăng doanh số.
Thị trường lớn nhất của ANV đang chiếm tỷ trọng dưới 30%. Trung Quốc là thị trường chiến lược từ năm 2018.
Vị trí địa lý, các chính sách về cải tổ ngành thủy sản, thuế quan và kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới là các yếu tố thuận lợi cho Công ty xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nếu EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan xuất khẩu cá tra dần được dỡ bỏ, ANV sẽ được hưởng lợi từ thị trường này.
Về kết quả kinh doanh 2020, VDSC dự báo, ANV sẽ đạt doanh thu 4.866 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4%; lợi nhuận sau thuế 711 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tôm: Triển vọng tích cực
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm năm 2020 được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng khả quan.
Doanh nghiệp ngành tôm cũng đang kỳ vọng EVFTA sẽ tạo “bước nhảy” cho sản phẩm tôm Việt sang thị trường EU. Thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Châu Âu là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Tôm nguyên liệu chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU, do đó, thuế giảm sẽ là chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng của ngành tôm trong các năm tới.
Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước khác.
Đơn cử, thuế nhập khẩu tôm sú vào thị trường EU giảm từ mức thuế GSP (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập) 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; thuế nhập khẩu tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm trong khi Thái Lan chịu mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ là 4,2%, Indonesia là 4,2% và Ecuador là 12%.
Trong khi đó, nhu cầu mua tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc.
Trước đó, trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.
Thông tin này đã tạo thêm động lực cho các công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đang có những thay đổi để có đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Mới đây, MPC đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với FPT để thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất. MPC đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ đạt 25% thị phần tôm thế giới, một tham vọng lớn sau khi khởi động chuyển đổi số.
Việt Nam hiện nằm trong Top 3 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, sau Ấn Độ và Ecuador nhờ khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho nuôi trồng và kỹ thuật chế biến đạt trình độ cao.
Chỉ chiếm 6% sản lượng nhưng chiếm đến 16% giá trị thương mại thủy sản toàn cầu, tôm là loài thủy sản có giá trị cao được tiêu thụ chính tại các nước phát triển do có giá trị dinh dưỡng cao.
Tôm Trung Quốc chịu thuế nhập khẩu 25% vào Mỹ đã tạo cơ hội cho tôm Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ, nhất là tôm tẩm bột, do tôm tẩm bột Việt Nam có giá bán thấp chỉ sau sau tôm Trung Quốc và tôm tẩm bột không bị áp thuế CBPG.
Tôm Việt Nam hiện đang được hưởng thuế chống bán phá giá 0% theo kết quả cuối cùng của kỳ rà soát thứ 13.
Tuy nhiên, chương trình truy xuất nguồn gốc SIMP (hiệu lực từ 1/1/2019) của Mỹ đối với 13 loài thủy sản, trong đó có tôm, là một rào cản phức tạp mà ngành tôm cần nhiều thời gian thay đổi để đáp ứng.
Bên cạnh đó, giá tôm thế giới có thể chưa phục hồi trong năm 2020. Những thách thức đó đang được doanh nghiệp lưu tâm để tối ưu hóa lợi nhuận khi bước vào mùa kinh doanh mới.