Kế hoạch rời sàn của VTF được nhìn nhận nằm trong dự liệu của công ty mẹ HVG

Kế hoạch rời sàn của VTF được nhìn nhận nằm trong dự liệu của công ty mẹ HVG

Doanh nghiệp thủy sản thứ ba tuyên bố rời sàn

(ĐTCK) Nối gót hai DN cùng ngành là CTCP Thủy sản Gò Đàng (AGD) và CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) vừa thông báo triệu tập họp ĐHCĐ bất thường vào ngày 7/8 tới để thông qua kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện.

DN rời sàn hiện nay không chỉ vì thua lỗ ba năm liên tiếp, vi phạm quy chế công bố thông tin…, tức đối tượng buộc phải rời sàn theo quy định. Ngày càng nhiều DN làm ăn khá hiệu quả, giá cổ phiếu duy trì ở mức cao nhưng vẫn nhất định “bỏ cuộc chơi” niêm yết. Điều này đã gây không ít bất ngờ cho cổ đông và thị trường.

Tương tự AGD và MPC, VTF là doanh nghiệp kinh doanh rất hiệu quả, với doanh thu hàng năm (tính từ năm 2008 đến nay) luôn duy trì ở mức từ hơn 1.000 tỷ đồng đến 4.000 tỷ đông, lợi nhuận tăng trưởng qua các năm. Năm 2014, VTF đạt lợi nhuận sau thuế hơn 154 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ 500.000 tấn, doanh thu thuần 5.320 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.

Nhìn nhận về câu chuyện hủy niêm yết tự nguyện của các DN thủy sản nói riêng, DN trên sàn nói chung, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGD cho biết, mỗi DN khi quyết định rời sàn đều có những mục đích riêng. Có DN chấp nhận rời sàn theo yêu cầu của đối tác chiến lược, có DN lại rời sàn vì cho rằng việc lên sàn không đạt được mục đích huy động vốn…

Với trường hợp VTF, theo tìm hiểu của ĐTCK, lý do rời sàn xuất phát từ “ý kiến của công ty mẹ” - CTCP Hùng Vương (HVG). Từ giữa năm 2014, HVG đã liên tục mua vào cổ phần VTF và cho đến ngày 7/4/2015, sau khi mua vào gần 3,99 triệu cổ phiếu không qua chào mua công khai của hai cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Triều và bà Phạm Nguyệt Anh, lượng cổ phiếu VTF mà HVG nắm giữ đã lên tới 37,75 triệu đơn vị, tương đương 90,28% vốn điều lệ của công ty này. Việc hủy niêm yết tự nguyện của VTF nếu thành công phải đạt điều kiện trên 50% cổ đông nhỏ lẻ của VTF thông qua, trong khi HVG sẽ không có quyền biểu quyết về vấn đề này.

Xung quanh câu chuyện VTF trở thành công ty con của HVG và công bố hủy niêm yết tự nguyện, nhiều ý kiến cho rằng, việc này đều nằm trong dự liệu của HVG. Hiện tại, HVG có quy trình khép kín với vùng nuôi tôm và cá để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến và tự sản xuất thức ăn chăn nuôi cho ngư trường của mình. Với việc VTF trở thành công ty con của HVG sẽ cung ứng thức ăn cá với mức giá rẻ hơn, tạo điều kiện phát triển chủ động hơn cho HVG.

Tin bài liên quan