Các doanh nghiệp thủy sản đang chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm.

Các doanh nghiệp thủy sản đang chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm.

Doanh nghiệp thủy sản… mong mùa lễ tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau giai đoạn đầu năm ảm đạm, xuất khẩu thủy sản đang có tín hiệu phục hồi và các doanh nghiệp kỳ vọng, bức tranh kinh doanh những tháng cuối năm sẽ khả quan hơn.

Khó khăn vơi dần

Nửa đầu năm 2023, khó khăn bủa vây ngành thủy sản Việt Nam khi kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, cùng hậu quả tác động của đại dịch Covid-19, lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại… Tiêu dùng ở nhiều quốc gia ghi nhận sụt giảm mạnh, đặc biệt ở những bạn hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC) cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu của Công ty giảm do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu còn cao, việc bán hàng chậm, trong khi giá tôm của Việt Nam cao hơn của Ấn Độ và Ecuador, khiến con tôm Việt khó cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, những khó khăn đang dần vơi, doanh nghiệp kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi, ổn định trở lại khi chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng cao. Dự kiến cuối năm, tình hình sẽ khả quan hơn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đang có dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, sức cầu tiêu dùng được cải thiện. Trong khi đó, hàng tồn kho thủy sản đang giảm, thị trường này sẽ cần lượng hàng lớn để phục vụ cho dịp lễ cuối năm. Vasep cho biết, quý IV là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thủy sản cao nhất trong năm, điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại. Hiệp hội kỳ vọng, xuất khẩu thủy sản vào thị trường này cuối năm sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với các thị trường khác như EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc dự báo nhu cầu tiêu thụ tăng nhẹ từ cuối quý III.

Sau những tháng đầu năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp thủy sản bắt đầu nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) nhận định, quý III ngành thủy sản sẽ tăng tốc, các doanh nghiệp ngành tôm đang có sự chuẩn bị chu đáo để có đà bật lên trong cuối năm.

Ông Lực cho rằng, doanh số tiêu thụ của doanh nghiệp thủy sản tăng là tín hiệu tốt, giúp bù đắp cho việc sụt giảm trong nửa đầu năm, tuy nhiên cần tính đến các yếu tố để có sự tăng trưởng bền vững.

Có chung nhận định này, Vasep cho hay, giá tôm có xu hướng chạm đáy và ngành xuất khẩu tôm sang Mỹ có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 khi mùa cao điểm xuất khẩu là cuối quý III/2023.

Động lực tăng trưởng

Mặc dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu chậm, nhưng Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong giai đoạn cuối năm 2023, nhờ nhu cầu cải thiện, trong khi chi phí giảm, gồm cả chi phí nguyên liệu đầu vào bao gồm tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản, cũng như chi phí vận chuyển giảm. Hai yếu tố này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) được nhận định sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ trong quý III/2023 do giá trung bình đã đạt đỉnh trong quý III/2022. Vĩnh Hoàn có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV/2023.

Tương tự, tại một số doanh nghiệp, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đã cải thiện so với quý II về sản lượng tiêu thụ. Riêng đối với Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), động lực tăng trưởng còn đến từ việc được hưởng lợi khi được miễn thuế chống bán phá giá của Mỹ trong năm nay.

Bên cạnh đó, với việc nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.

Kết quả khả quan trong nửa cuối năm sẽ góp phần cải thiện bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong cả năm 2023. Công ty Chứng khoán SSI dự phóng, doanh thu của Vĩnh Hoàn cả năm 2023 ước đạt 11.000 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.300 tỷ đồng, giảm 34%. Con số lợi nhuận dự phóng này cao hơn so với kế hoạch mà Vĩnh Hoàn đã thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 (mục tiêu doanh thu 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận 1.000 tỷ đồng).

Bước sang năm 2024, Vĩnh Hoàn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh khi doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt đạt 12.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% và 14% so với cùng kỳ.

Đối với Công ty cổ phần Nam Việt, SSI ước tính, doanh thu năm 2023 đạt 4.900 tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2022) và lợi nhuận sau thuế đạt 465 tỷ đồng (giảm 31% so với năm trước). Từ năm 2024, Nam Việt sẽ có bức tranh khởi sắc với doanh thu thuần ước đạt 5.300 tỷ đồng (tăng 8%) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 611 tỷ đồng (tăng 32%).

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), ước tính doanh thu thuần năm 2023 đạt 5.700 tỷ đồng (tăng 0,2% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 330 tỷ đồng (tăng 7% so với năm ngoái). Trong năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sao Ta được kỳ vọng tiếp tục tăng 8,2%, với 6.200 tỷ đồng doanh thu và tăng 11,2%, với 368 tỷ đồng lợi nhuận. Giá bán bình quân cao hơn sẽ giúp Công ty có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan từ cuối năm 2023, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cho biết, cuối năm, mùa lễ hội Noel, đón năm mới, nên mức tiêu thụ thủy sản sẽ tăng lên. Từ tháng 8/2023 trở đi, giá tôm tăng trở lại, từ đó giải quyết được hàng tồn kho, các đại lý nhập khẩu tăng, tình hình kinh doanh của Minh Phú tốt hơn.

Vasep cho biết, mặt hàng phục hồi sớm nhất là cá tra do giá cả phù hợp với thị trường. Hiệp hội này ước tính, xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 9 tỷ USD, trong đó tôm mang về 3,5 tỷ USD, cá tra là 1,9 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,6 tỷ USD.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới bên cạnh việc giữ các thị trường truyền thống. Có thể nói, khó khăn đang bắt đầu dần qua với ngành thủy sản Việt Nam.

Tin bài liên quan