Doanh nghiệp thủy sản kêu nặng gánh với “giấy phép con” mã số mã vạch

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn tới Thủ tướng và các bộ kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.
VASEP kỳ vọng Thủ tướng và các Bộ sớm xem xét tháo gỡ bất cập nói trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn  do dịch bệnh Covid-19.

VASEP kỳ vọng Thủ tướng và các Bộ sớm xem xét tháo gỡ bất cập nói trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo những vướn mắc, VASEP nêu rõ: Nội dung vướng mắc, bất cập tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài khi sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên bao bì hàng xuất khẩu.

Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1: Phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được chủ sở hữu của mã nước ngoài ủy quyền sử dụng; Trường hợp được chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tổ chức phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài.

Nhưng, các tỉnh không được giao quyền cấp giấy chứng nhận này, chỉ có một nơi cấp là Trung tâm MSMV Quốc gia (GS1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đóng tại Hà Nội.

Để đăng ký với GS1 doanh nghiệp  tốn khá nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy chứ chưa có thủ tục đăng ký qua mạng (online), chưa kể thủ tục xử lý tại GS1 sau khi có đủ hồ sơ & nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả.

Do đó, để có được đầy đủ các giấy tờ nêu trên và hoàn tất được thủ tục đăng ký MSMV nước ngoài với Trung tâm GS1 (thuộc Tổng cục TĐC) thì nhiều khi doanh nghiệp phải mất 20-30 ngày mới xuất được lô hàng do thông thường không chỉ có 1 mã hàng hoá.

Trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho nguồn vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Trong khi có rất nhiều đơn hàng gấp xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần.

Do vậy, VASEP cho rằng, việc yêu cầu cung cấp quá nhiều giấy tờ đang tạo ra khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp thường xuyên có thêm khách hàng mới hoặc mặt hàng mới nên mã số, mã vạch của các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí.

Mặt khác, yêu cầu này cũng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm khách hàng, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với các nước khác, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ trên toàn cầu.

VASEP cũng cho biết, thủ tục cấp giấy còn thủ công do một cơ quan duy nhất thực hiện, trái với định hướng và chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh:

Trên thực tế, quy định trên đang làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các doanh nghiệp phải chi trả cho việc xin Giấy xác nhận đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài trên nhãn cho các lô hàng xuất khẩu là một con số không nhỏ.

VASEP kiến nghị, Thủ tướng và các bộ sớm tháo gỡ bất cập, không tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính hay tạo ra các vướng mắc, ách tắc cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tin bài liên quan