Ảnh Internet

Ảnh Internet

Doanh nghiệp thủy sản hết cơn bĩ cực

(ĐTCK) Khác với một năm 2015 nhiều khó khăn, nửa đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thủy sản cho thấy nhiều chuyển biến tích cực sau một quá trình điều chỉnh chiến lược kinh doanh khá quyết liệt.
 

Đáng chú ý nhất trong nhóm này là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) với doanh thu quý II/2016 đạt 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 205 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu VHC ước đạt 3.717 tỷ đồng; lợi nhuận ròng đạt 306 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 48% và 87% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh ngành cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ các thị trường lớn thì các công ty nội địa vẫn đang loay hoay cạnh tranh thị phần chủ yếu ở phân khúc fillet truyền thống với biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp. Nhận thức được điều đó, VHC đã triển khai một chuỗi chiến lược kinh doanh như đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tối đa hóa giá trị từ phụ phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng. Ngoài ra, VHC còn chú trọng đầu tư cho công tác marketing tại từng thị trường riêng biệt, tập trung vào những thị trường ưu tiên, thay vì hướng đến thị trường đại trà như trước.

Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC, Công ty đã qua giai đoạn chạy theo số lượng, thị trường cũng đã đi vào ổn định nên thời gian tới, VHC sẽ tập trung vào chất lượng thương hiệu với giá bán tương ứng. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu của VHC trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 80 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Tỷ trọng này không chênh lệch mấy so với năm 2015 bởi Công ty tập trung phát triển sản phẩm chất lượng với giá cao nhằm tối đa hóa lợi ích. Ngoài ra, chiến lược tiếp cận các thị trường mới bắt đầu cũng có dấu hiệu tích cực với nhiều đơn hàng đến từ châu Phi, Nam Mỹ… Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc và Nhật Bản của VHC cũng có mức tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015.

Cũng không thể không kể đến lợi thế về chuỗi nuôi trồng - sản xuất khép kín của VHC với tỷ lệ tự chủ nguyên liệu trên 60%. Vị trí nuôi trồng đặt tại thượng nguồn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang cũng là lợi thế giúp VHC giảm được rủi ro trước những biến động của giá nguyên liệu trong nước cũng như ảnh hưởng của xâm nhập mặn thời gian vừa qua.

Doanh nghiệp thủy sản hết cơn bĩ cực ảnh 1

Một ông lớn khác trong ngành thủy sản cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm là CTCP Hùng Vương (HVG). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, niên độ 1/10/2015- 30/9/2016 (tức quý II/2016), HVG đạt 6.654 tỷ đồng doanh thu, tăng 44%; lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh được lý giải là do trong kỳ Công ty nhập khẩu hơn 172.000 tấn bã đậu nành và tiêu thụ ngay với giá tốt. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HVG đạt doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiến lược kinh doanh của HVG được xác định với 3 nhóm mặt hàng chủ lực, bao gồm thức ăn chăn nuôi kết hợp chăn nuôi heo theo mô hình khép kín, xuất khẩu tôm và cá tra. Mới đây, Hùng Vương vừa có thông báo triển khai dự án nuôi khoảng 4.200 con heo, trong đó có 1.500 heo giống cụ kỵ (GGP) với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, bao gồm việc xây dựng trang trại, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc và thuốc thú y.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, HVG đã mua lại 51% cổ phần của Công ty Russian Fish chuyên phân phối thủy hải sản cho toàn nước Nga với trị giá 15 triệu USD. Việc này có ý nghĩa lớn trong việc kết nối thị trường không chỉ giữa Nga và Việt Nam, mà còn với các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam thông qua các FTA. Đại diện HVG chia sẻ, thông qua Russian Fish, HVG vừa có thể quản lý và điều tiết hệ thống tất cả các mặt hàng hải sản, vừa quản lý được thị trường bán buôn và sản xuất, một cách thuận tiện hơn.

Khác với Vĩnh Hoàn hay Hùng Vương, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) hoạt động với quy mô nhỏ hơn, những cũng xác định được cho mình hướng đi phù hợp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch HĐQT ABT cho biết, để có hiệu quả cao trong kinh doanh, Công ty phải chọn ngách đi riêng, giảm sự cạnh tranh với các đối thủ lớn. Sản phẩm của ABT chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với các điều kiện rất khắt khe. Chẳng hạn như, khách hàng chỉ mua cá với trọng lượng 700 gram, vấn đề của Công ty là làm sao ra được sản phẩm đủ tiêu chuẩn an toàn và đúng trọng lượng khách hàng yêu cầu.

“Chúng tôi kiên quyết cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm và đó là lý do khiến ABT dù kinh doanh đạt hiệu quả cao, nhưng không vội vàng mở rộng hoạt động”, ông Khải chia sẻ.

Lũy kế 6 tháng qua, ABT đạt 217 tỷ đồng doanh thu, 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong năm 2016, này ABT dự kiến cổ tức ở mức 30 - 50% và trong tháng 8 này, Công ty sẽ chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2016 với tỷ lệ 25%.       

Tin bài liên quan