Doanh nghiệp thủy sản đón cơ hội EVFTA

Doanh nghiệp thủy sản đón cơ hội EVFTA

(ĐTCK) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi đi vào thực thi sẽ mở ra thị trường lớn cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. 

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới. Hàng năm, khu vực này nhập khẩu gần 9,3 triệu tấn với kim ngạch khoảng 50 tỷ EUR các sản phẩm thủy hải sản.

Hiện EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 1,25 tỷ USD, chiếm khoảng 15% xuất khẩu thủy sản của cả nước.

“Với EVFTA, thuế nhập khẩu giảm sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường EU”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận.

Trong đó, mặt hàng hưởng lợi lớn nhất là tôm, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ chân trắng đông lạnh. Theo cam kết EVFTA, tôm sú xuất khẩu sẽ được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực; tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm.

Ðây là lợi thế lớn nhất mà mà các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có được trong tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ như doanh nghiệp thủy sản Thái Lan đang phải chịu mức thuế cơ bản 12%; doanh nghiệp thủy sản Ấn Ðộ phải chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12% do các nước này không ký FTA với EU.

Mặt hàng thứ hai là cá ngừ, cũng đều là những sản phẩm có thế mạnh của nhiều doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Việt Nam.

Do đó, việc EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống/đông lạnh ngay khi EVFTA có hiệu lực sẽ có tác động tích cực ngay lập tức tới các doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm này.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp) được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%.

Riêng các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.

Ðối với mặt hàng cá tra, mức thuế EU dành cho Việt Nam trong EVFTA sẽ được giảm từ 5,5% hiện nay về 0% vào năm thứ 3 sau khi EVFTA có hiệu lực.

Còn đối với một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư… sẽ có thể tăng trưởng do được giảm thuế về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Ngoài lợi thế có tác động ngay là thuế, ông Hải cũng cho biết, quy tắc xuất xứ thuần túy đối với thủy sản Việt Nam trong EVFTA được xem là linh hoạt hơn.

Trong GSP, thủy sản được coi là có xuất xứ thuần túy khi đồng thời sinh ra và lớn lên tại EU hoặc nước được hưởng GSP. Bên cạnh đó, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.

Từ phía doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc CTCP Ðông lạnh Quy Nhơn khẳng định: “Với kinh nghiệm đã xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang EU từ nhiều năm nay, việc được giảm thuế sẽ giúp gia tăng lợi thế cho doanh nghiệp vào thị trường đầy tính cạnh tranh này”.

Ông Sơn cho biết, năm 2019, doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 800 tấn tôm đông lạnh, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,7 triệu USD.

Năm nay, mặc dù gặp khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 trong 2 quý đầu năm, song ước tính, kim ngạch xuất khẩu của CTCP Ðông Lạnh Quy Nhơn sẽ vẫn tăng so với năm 2019, ước đạt 5 triệu USD và kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm nay của doanh nghiệp nhìn chung sẽ vẫn đảm bảo tăng trưởng. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu cũng nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi xuất khẩu vào EU do các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, nhất là vấn đề thẻ vàng vẫn đang tồn tại.

Khá thận trọng khi nhận định về những cơ hội từ EVFTA, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thủy sản Bình Ðịnh (BIDIFISCO) cho rằng, nếu không gỡ được thẻ vàng thì rủi ro tiềm ẩn vẫn còn rất lớn.

Ðây cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lưu ý các doanh nghiệp trong việc đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong EVFTA liên quan đến các quy định chống khai thác bất hợp pháp.        

Tin bài liên quan