Thủy sản Việt đem về 4,6 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,66 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 7/2018, thủy sản đem về 663 triệu USD.
Như vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang giữ được đà tăng trưởng ổn định và có thể cán đích 10 tỷ USD như kế hoạch đề ra.
Hiện nay, tôm, cá tra và cá ngừ là 3 mặt hàng chiếm tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm đạt 1,6 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái; cá tra đạt gần 1 tỷ USD, tăng 21%; cá ngừ tăng 25%.
Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm bởi tháng 7 thường là thời điểm khởi động cho mùa xuất khẩu.
Nếu giữ được kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 700 triệu USD/tháng, ngành thủy sản nói chung và các doanh nghiệp trong ngành nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc.
Doanh nghiệp báo lãi lớn
CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) - “ông lớn” trong ngành vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến gần 80% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, nửa đầu năm, VHC ghi nhận doanh thu 3.965 tỷ đồng, lãi ròng 427 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2018 đề ra (doanh thu 9.300 tỷ đồng, lợi nhuận 620 tỷ đồng), Vĩnh Hoàn mới chỉ đạt 43% mục tiêu doanh thu nhưng hoàn thành 70% về lợi nhuận.
Lý giải về biến động lợi nhuận, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC cho biết, trong kỳ, tỷ lệ lợi nhuận gộp của VHC tăng do chủ động được nguồn hàng, giảm thiểu chi phí quản lý, trong khi giá bán tăng.
Ngoài ra, Công ty thu tiền lãi từ gửi tiết kiệm và lợi nhuận từ công ty liên kết. Riêng quý II/2018, VHC đạt hơn 328 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 127% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, nửa đầu năm, Tập đoàn Sao Mai gây sự chú ý với doanh thu tăng cao đột biến, đạt 2.717 tỷ đồng (tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái), lãi ròng 857,2 tỷ đồng, tăng 1.546% (cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi hơn 52 tỷ đồng).
Theo ASM, trong kỳ, Công ty có khoản doanh thu tài chính đột biến hơn 527 tỷ đồng nhờ đánh giá lại khoản đầu tư nên ghi nhận lãi ròng tăng mạnh.
Tại CTCP Nam Việt (ANV), tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt 1.683 tỷ đồng, tăng 23,22% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, ANV báo lợi nhuận sau thuế nhảy vọt, đạt 189,2 tỷ đồng, tăng 260,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Lý giải nguyên nhân doanh thu tăng mạnh, Nam Việt cho biết, do Công ty đã chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao.
Chưa kể, một số doanh nghiệp ngành thủy sản khác đều có tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2018.
Chẳng hạn, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) ghi nhận doanh thu thuần tăng 20%, đạt 720,6 tỷ đồng. Đồng thời, nhờ cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí tài chính, lợi nhuận ròng tăng gấp 2 lần, đạt 384 tỷ đồng.
Tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 28%, đạt 2.834 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 81,8 tỷ đồng, cao hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thủy sản lại trong tình cảnh “hẩm hiu”.
Cụ thể, giá cổ phiếu ANV đang chìm trong sắc đỏ, hiện giao dịch quanh mốc 17.650 đồng/cổ phiếu, giảm 32% so với mức đỉnh 26.300 đồng/cổ phiếu ngày 11/6/2018.
Cổ phiếu ASM của CTCP Tập đoàn Sao Mai liên tiếp lao dốc, đã có thời điểm về gần bằng mệnh giá và hiện đang giao dịch quanh mức 12.400 đồng/cổ phiếu. Cùng thời gian này, cổ phiếu FMC cũng đi xuống, còn 21.900 đồng/cổ phiếu, giảm 8.600 đồng/cổ phiếu so với đỉnh cao ngày 16/3/2018.
Trong khi đó, cổ phiếu của CTCP Thủy sản số 4 (TS4) đang có mức giá “rẻ như rau” và liên tục nhuốm sắc đỏ, hiện giao dịch ở mức 5.060 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, chỉ có cổ phiếu VHC của “ông lớn” Vĩnh Hoàn giữ được mệnh giá cao và duy trì sắc xanh, khi đang giao dịch quanh mốc 72.000 đồng/cổ phiếu.