Doanh nghiệp thuỷ điện: Tốt lỏi

Doanh nghiệp thuỷ điện: Tốt lỏi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo của các công ty chứng khoán đưa ra bức tranh màu hồng với các doanh nghiệp thủy điện, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào đầu tư vào thủy điện đều có thể cười rổn rảng.

Lợi thế bề mặt

Số liệu của SSI Research cho thấy, đến ngày 21/6/2022, vốn hóa của nhóm công ty thủy điện tăng trung bình 29% (gồm REE, VSH, CHP, SBA, SBH, SHP, SJD, TBC, TMP).

Trong khi các doanh nghiệp khác như SHP, SBA, SJD có biến động vốn hoá không nhiều thì riêng Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã REE) và Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH) có mức tăng trưởng mạnh và có mức đóng góp lớn nhất trong nhóm thủy điện nêu trên.

Diễn biến vốn hóa nhóm thủy điện từ đầu năm 2022 đến nay. Nguồn: Bloomberg, SSIRS tổng hợp.

Diễn biến vốn hóa nhóm thủy điện từ đầu năm 2022 đến nay. Nguồn: Bloomberg, SSIRS tổng hợp.

Cụ thể, vốn hóa của REE đã tăng 43% từ đầu năm đến nay và chiếm 45% tỷ trọng tổng vốn hóa nhóm thủy điện trên thị trường, tương ứng đóng góp mức tăng 19%. Vốn hóa của VSH cũng tăng tới 57% chỉ từ đầu năm đến nay và có tỷ trọng là 14%, tương ứng đóng góp mức tăng 8% cho tổng vốn hoá toàn ngành thuỷ điện từ đầu năm đến nay.

Theo Agriseco Research, trong quý I/2022, các doanh nghiệp thủy điện duy trì đà tăng trưởng khi điều kiện thủy văn tốt kéo dài hơn dự kiến, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh từ 50% đến 300% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp thủy điện đều tăng, hầu hết đạt từ 40% trở lên do giá phát điện cao hơn. Biên lợi nhuận ròng trung bình của nhóm quý I/2022 đạt 48%, cao hơn nhiều so trung bình cùng kỳ (khoảng 37%).

Bên cạnh đó, ROA và ROE của các doanh nghiệp thủy điện lại ở mức khá cao so với trung bình ngành do chi phí đầu vào ít bị tác động bởi cung - cầu hay diễn biến giá mà chủ yếu là các chi phí cố định.

Với kết quả kinh doanh năm 2021 và nửa đầu năm 2022 khả quan, Agriseco Research kỳ vọng các doanh nghiệp nhóm thủy điện sẽ duy trì tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt cao trong thời gian tới. Hiện, một số doanh nghiệp đã công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 như VSH có tỷ lệ 10%, GHC là 35% và CHP là 15%.

Agriseco Research cũng đánh giá toàn ngành điện sẽ đạt được tăng trưởng tốt trong năm nay dựa trên mức nền tăng trưởng thấp của 2021 và theo đà hồi phục của nền kinh tế. Với kỳ vọng GDP tăng trưởng ở mức 6 - 6,5%, thậm chí cao hơn, ước tính phụ tải đạt mức tăng trưởng ít nhất trên 9% trong năm 2022.

Tính đến ngày 20/6/2022, nước tại các hồ thủy điện của quý II/2022 đều tăng khá tốt so với cùng kỳ như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Vĩnh Sơn Sông Hinh, Buôn Koup, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đơn Dương, Thác Mơ. Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, trạng thái La Nina có thể duy trì từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55 - 65%.

So với các loại hình phát điện khác, giá bán của nhóm thủy điện đang là thấp nhất. Đây cũng là một trong những lợi thế dù trong trường hợp tiêu thụ điện giảm, nhóm thủy điện sẽ được ưu tiên huy động nếu điều kiện thủy văn tốt.

Bên cạnh đó, sản lượng huy động từ nguồn điện tái tạo như điện mặt trời và điện gió có sự biến động mạnh trong ngày và giữa các ngày trong tháng. Hơn nữa, sản lượng của 2 loại hình điện tái tạo chỉ duy trì ở mức thấp trong các tháng đầu năm.

Cụ thể, trong tháng 3 có ngày công suất phát điện của điện gió đạt chưa đến 1% công suất lắp đặt vì thiếu gió, tháng 4 và tháng 5 chỉ có lần lượt 7 ngày và 1 ngày cao hơn 2.000 MW (tương đương khoảng 50% công suất lắp đặt).

Còn về phía điện mặt trời đã cho thấy thời gian phát điện hiệu quả chỉ khoảng 4 - 5 giờ/ngày, Do đó, thủy điện vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng là nguồn năng lượng nền tảng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bởi tính ổn định cao.

SSI Research cũng đặt kỳ vọng sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của nhóm ngành thủy điện sẽ khả quan trong quý II/2022 và cả quý III này.

Nỗi khổ người trong cuộc

Các nhà máy thủy điện nhỏ quy mô dưới 50 MW đa phần chỉ có hồ điều tiết nước trong ngày nên hiệu quả theo chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp “chỉ thường thường”.

Tuy nhiên, “hoa nở” chỉ đến với những nhà máy thủy điện quy mô lớn, đã hoạt động được 13 - 14 năm với chi phí khấu hao nhà máy, trả nợ vay thấp.

Bên cạnh đó, các thủy điện lớn như Thác Bà có hồ chứa lớn có thể điều tiết được nước để tối đa hóa hiệu quả hoạt động. Các nhà máy thủy điện nhỏ quy mô dưới 50 MW đa phần chỉ có hồ điều tiết nước trong ngày nên hiệu quả theo chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp “chỉ thường thường”.

Khi quy mô hồ chứa nước nhỏ, La Nina có thể khiến mưa lớn và nhiều nước, song các hồ khó có thể tích nước để dành dùng phát điện cho các tháng cuối năm được dự báo khô hạn hơn.

Một điểm mà nhà đầu tư cũng cần lưu ý là suất đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ thường rất cao, nên dù sản lượng điện được huy động tốt nhưng nếu giá bán điện vẫn chỉ đều đều, thậm chí giảm so với trước thì lãi vay cũng ăn mòn hết lợi nhuận.

Giới đầu tư thủy điện vẫn chia sẻ câu chuyện của Công ty cổ phần Thủy điện Sử Pán 2 (mã SP2, đang giao dịch trên UPCoM) đã hoạt động 10 năm nay, nhưng mới chỉ trả nợ được chưa đầy 10%, các phương án tài chính đều “phá sản” so với dự toán.

Hay Thủy điện Sông Bung 5 của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 (mã TV1), con đẻ của EVN nhưng cũng hoạt động èo uột suốt nhiều năm nay. TV1 rao bán Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5 suốt 3 - 4 năm với giá chỉ cao hơn vốn chủ sở hữu 30 - 40%, tức là chấp nhận lỗ đến 70% nếu tính lãi vay đầu tư nhưng vẫn không có người mua.

Những câu chuyện trên cho thấy không phải cứ doanh nghiệp đầu tư thủy điện là thu lãi lớn. Hiệu quả doanh nghiệp còn phụ thuộc lớn vào quy mô nhà máy, năng lực hồ chứa và thời gian nhà máy đã hoạt động để giảm áp lực chi phí khấu hao, nợ vay đầu tư.

Doanh nghiệp thủy điện nhỏ còn lo phận “treo lơ lửng” với kiến nghị sửa đổi biểu giá chi phí tránh được (ACT) cho các nhà máy thủy điện nhỏ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công Thương hồi cuối năm 2021.

Theo đó, “EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi như sau: Đối với các nhà máy thủy điện nhỏ đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) thì áp dụng cố định biểu giá chi phí tránh được năm 2021 cho đến hết thời hạn PPA, trừ trường hợp nhà máy điện lựa chọn tham gia trực tiếp thị trường điện; EVN được áp dụng linh hoạt các giải pháp thực hiện PPA đã ký với chủ đầu tư như thỏa thuận thay đổi giờ phát điện cao điểm, thay đổi khung thời gian mùa khô, mùa mưa theo ba miền Bắc - Trung- Nam trên nguyên tắc tránh quá tải, đảm bảo an ninh hệ thống điện, đảm bảo tối ưu và không ảnh hưởng đến lợi ích của chủ đầu tư trong các PPA đã ký, phản ánh đặc điểm thực tế thủy văn từng miền, phù hợp với điều kiện vận hành hệ thống điện và lộ trình phát triển thị trường điện.

Cũng trong văn bản gửi Bộ Công Thương, EVN đề xuất Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư 32/2014/TT-BCT theo hướng quy định:

Hàng năm, EVN sẽ tính toán báo cáo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt giờ được hưởng giá công suất tránh được cho các nhà máy ACT, theo từng miền, theo từng mùa…

Các doanh nghiệp đã phản đối đề xuất trên vì nếu mỗi năm, mỗi thời điểm lại phải thực thi và tuân thủ các quy định khác nhau, họ sẽ không thể lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh chủ động, hệ quả là ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh.

Tin bài liên quan