Trước đó, năm 2013, sản lượng thủy điện được huy động thực tế cao hơn so với kế hoạch được lập, trong khi các nguồn nhiệt điện khí, nhiệt điện than và nhiệt điện chạy dầu đều giảm mạnh.
Cụ thể, theo phê duyệt của Bộ Công thương về vận hành hệ thống điện năm 2013, sản lượng thủy điện là 53,94 tỷ kWh, nhiệt điện than là 29,403 tỷ kWh, nhiệt điện khí là 44,349 tỷ kWh, nhiệt điện dầu là 1,57 tỷ kWh và điện nhập khẩu là 3,672 tỷ kWh.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm 2013, nguồn thủy điện huy động lên tới 56,943 tỷ kWh; nhiệt điện than chỉ chạy 26,863 tỷ kWh; nhiệt điện khí chỉ cung cấp 42,854 tỷ kWh; đặc biệt, nhiệt điện chạy dầu và tua-bin khí phải đổ dầu vào chạy chỉ huy động tổng cộng 0,147 tỷ kWh, chỉ bằng 1/10 kế hoạch được lập, đã khiến bức tranh tài chính của EVN tốt lên rất nhiều.
Tại buổi công bố giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2012 ngày 27/12/2013, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, năm 2013, EVN bù tiếp các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn lại và có lãi 120 tỷ đồng.
Trước đó, theo giải thích của các chuyên gia EVN, năm 2012, EVN có lãi từ sản xuất - kinh doanh điện là 4.404 tỷ đồng. Cộng với một số khoản lãi từ các hoạt động kinh doanh liên quan đến điện như tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện…, nên số lỗ lũy kế sản xuất - kinh doanh điện là khoảng 11.000 tỷ đồng của hai năm 2010 - 2011 đã giảm còn 4.736 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2012.
Ngoài ra, phần lỗ do chênh lệch tỷ giá còn lại tại thời điểm 31/12/2012 cũng chỉ còn 15.109 tỷ đồng. Như vậy, nếu theo tuyên bố của ông Tri là năm 2013, EVN tiếp tục bù các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn lại và có lãi 120 tỷ đồng, thì lợi nhuận mà EVN thu được từ sản xuất - kinh doanh điện năm 2013 không hề nhỏ.
Rõ ràng, lợi nhuận tăng có phần đóng góp quan trọng của sự vận hành khéo léo giữa các nguồn điện, như việc tận dụng nguồn nước tự nhiên và giảm các nguồn nhiệt điện khí, than và đặc biệt là dầu.
Theo nguyên tắc tính giá điện hiện hành, thì cơ cấu nguồn điện, giá nhiên liệu, tỷ giá vẫn là 3 thông số đầu vào tác động trực tiếp tới chi phí phát điện mà đơn vị phát điện không có khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, việc vận hành cơ cấu nguồn điện thực tế lại phụ thuộc không nhỏ vào “độ khéo của con người”, bởi hệ thống điện của Việt Nam có sự tham gia rất lớn của nguồn thủy điện, chiếm tới hơn 48% tổng công suất các nguồn điện hiện có, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào mưa lũ. Được biết, trong năm 2013, lượng nước về của các hồ thủy điện là 140 tỷ m3, cao hơn tới 40 tỷ m3 so với phương án tần suất 65% thường được đưa ra để tính an toàn cho hệ thống.
Đáng nói là, giá thành sản xuất của các nhà máy thủy điện chỉ dao động ở mức 600-700 đồng/kWh, trong khi giá thành nhiệt điện khí cao gấp đôi và giá thành sản xuất nhiệt điện dầu tới gần 5.000 đồng/kWh.
Tất nhiên, việc tăng giá điện từ tháng 8/2013 lên mức 1.508,85 đồng/kWh, cao hơn 71,85 đồng so với thời điểm thay đổi trước đó (ngày 22/12/2012), cũng góp phần đáng kể làm tăng nguồn thu tài chính cho EVN.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Quang Tri cho hay, hiện chưa có quyết toán năm, nên chưa chốt được các số liệu chính xác. Theo kế hoạch, cuối tháng 3 hàng năm sẽ có báo cáo tài chính của các đơn vị, sau đó phải tới tháng 6 mới có kết quản kiểm toán độc lập đối với các báo cáo tài chính này. Tuy vậy, theo nguyên tắc, lợi nhuận có được sẽ được ưu tiên để bù lỗ năm trước, sau đó bù tiếp chênh lệch tỷ giá.
Cần nói thêm, theo Quyết định 854/2012/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 1015, EVN sẽ thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất - kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.