Bệnh nhân số 1.342
Không lâu sau khi thông tin bệnh nhân Covid-19 số 1.342 được loan truyền, Hãng thời trang Uniqlo phát đi thông báo hủy buổi lễ kỷ niệm một năm gia nhập thị trường Việt Nam.
Tuần lễ đầu tiên của tháng 12 trôi qua trong cảm giác phập phồng lo lắng của các nhà bán lẻ thời trang Việt Nam. Hàng hóa đã sẵn sàng, các chương trình kích cầu cuối năm đã lên kế hoạch, song một lệnh giãn cách có thể gây ra thiệt hại khó lường.
Việc phản ứng kịp thời và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp thời trang. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhóm này trở lại thực tại với hai rào cản chính là sự xâm lấn của nhóm thời trang ngoại và dấu hỏi về sức mua trong thời gian tới.
Khảo sát mới đây của Niesel cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về chuộng hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhãn hàng thời trang nhanh chân đang được hưởng lợi từ xu thế này như H&M, Zara và gần đây là Uniqlo.
Dù mới có 6 cửa hàng trên toàn quốc, nhưng ông Ikezoe Osamu, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết, Uniqlo đã vượt kế hoạch đề ra sau một năm hiện diện tại Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp thời trang ngoại vào Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Sự tham gia của Stripe International (Nhật Bản) là một ví dụ.
Về sức mua, tình trạng mặt bằng tìm chủ mới ngày càng nhiều, phản ánh tín hiệu không tốt về sức mua trên thị trường. “Theo khảo sát của Savills vào quý III/2020, khách thuê thuộc ngành hàng dịch vụ ăn uống và thời trang có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê do trả mặt bằng hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới”, bà Võ Thành Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của Công ty Savills Việt Nam cho biết.
Thủ thế
Đánh giá tình hình kinh doanh năm tới, các doanh nghiệp thời trang ở Việt Nam đều sẵn sàng cho kế hoạch phòng thủ.
Ông Osamu của Uniqlo cho biết, Công ty vẫn chú trọng mở rộng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, tạm thời chưa có ý định mở rộng sang các thành phố lân cận.
Về sản xuất, Công ty sẽ tăng cường thu thập phản hồi từ khách hàng, thông qua hệ thống khảo sát tại cửa hàng, để đưa ra thị trường các sản phẩm cần thiết nhất.
“Tiêu chí của chúng tôi là giảm tối đa sản phẩm ít nhu cầu”, ông Osamu chia sẻ.
Ngay cả các doanh nghiệp thời trang nước ngoài có lợi thế về vốn và kinh nghiệm cũng đang trong thế phòng thủ bằng việc kiểm soát sản xuất và đẩy mạnh các mặt hàng phổ thông.
Tương tự, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Lê Cảnh Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Vascara cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số kế hoạch mở rộng kinh doanh của Stripe Internatinal tạm thời bị hoãn lại.
Đánh giá về tình hình kinh doanh trong năm 2021, bà Hạnh cho rằng, ngành thời trang sẽ khởi sắc hơn nhờ việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ. Tuy nhiên, sức mua của khách hàng sẽ có điều chỉnh do thu nhập bị ảnh hưởng, nên việc kiểm soát hàng tồn được doanh nghiệp này quan tâm nhất trong năm tới.
H&M, Zara, hai thương hiệu thời trang đạt nhiều thành quả tích cực ở Việt Nam trong thời gian qua cũng không tránh khỏi kế hoạch cắt giảm chi phí. Trong khi H&M dự kiến đóng 5% cửa hàng toàn cầu, thì Zara cho biết sẽ đóng hơn một nửa cửa hàng trên toàn cầu trong năm tới.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp thời trang nội vẫn khá kín tiếng về chiến lược trong năm sau. Ngay cả Seedcom, một đơn vị rất chú trọng mảng thời trang, khi đầu tư cùng lúc 2 thương hiệu mới trong năm 2019 là Hnoss và Eva de Eva, cũng từ chối chia sẻ về chiến lược sắp tới.
Thực tế, ngay cả các doanh nghiệp thời trang nước ngoài có lợi thế về vốn và kinh nghiệm cũng đang trong thế phòng thủ bằng việc kiểm soát sản xuất và đẩy mạnh các mặt hàng phổ thông trong năm 2021, thì khó có thể kỳ vọng nhóm doanh nghiệp nội địa làm khác dòng chuyển động này.