Nền tảng quản trị vững mạnh sẽ giúp doanh nghiệp chống chịu tốt với khó khăn từ môi trường kinh doanh

Nền tảng quản trị vững mạnh sẽ giúp doanh nghiệp chống chịu tốt với khó khăn từ môi trường kinh doanh

Doanh nghiệp thích ứng để vượt qua khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tận cùng khó khăn, sẽ tìm ra các cơ chế, phương thức hoá giải, sẽ có những giải pháp để nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam phát triển đột phá hơn, bền vững hơn.

Doanh nghiệp chịu nhiều cú “va đập”

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Tại một cuộc tọa đàm về triển vọng kinh tế 2023 và những vấn đề đặt ra với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, được tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia có chung lo lắng rằng doanh nghiệp Việt Nam đang chịu những cú “va đập” rất lớn từ môi trường kinh doanh toàn cầu nhiều biến động và những vấn đề đang phát sinh trên thị trường tài chính trong nước.

Triển vọng nền kinh tế thế giới năm 2023, theo dự báo của các tổ chức, chuyên gia kinh tế, không mấy lạc quan. Đa phần các chuyên gia đều khẳng định sẽ xảy ra suy thoái ở mức độ khác nhau, trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và dai dẳng, cạnh tranh địa chính trị lẫn kinh tế giữa các quốc gia và trong khu vực châu Á, ASEAN còn nhiều diễn biến phức tạp.

Trên thực tế, năm 2022, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam chưa phục hồi được bao nhiêu sau hai năm chịu nhiều tổn thất từ đại dịch Covid-19 thì ngay lập tức chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Cuộc xung đột này đã làm tăng giá nhiên liệu và các hàng hóa cơ bản khác, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thậm chí, các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, châu Âu đối mặt với tình trạng lạm phát hai con số, mức cao kỷ lục trong vòng 3, 4 thập kỷ qua. Áp lực lạm phát tại Việt Nam được dự báo sẽ rất lớn trong năm tới và Quốc hội đã phải đồng ý với Chính phủ về mức lạm phát mục tiêu cao hơn năm 2022, với 4,5%.

Lạm phát tăng cao kéo theo dư địa cho việc ổn định chính sách tiền tệ ngày càng cạn kiệt, lãi suất buộc phải tăng và ngân hàng thắt chặt các khoản cho vay. Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn phù hợp nhằm duy trì sản xuất - kinh doanh, chưa nói tới chuyện đầu tư mở rộng sản xuất.

Thêm vào đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất điều hành từ năm 2022 và dự báo tiếp tục có thêm những đợt nâng lãi suất trong năm 2023 nhằm “ghìm cương” lạm phát đã và sẽ đẩy giá đồng USD tăng vọt, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ bằng USD lớn, hay lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, lạm phát cũng khiến người dân ở nhiều quốc gia đối tác, bạn hàng của Việt Nam thắt chặt chi tiêu. Theo đó, động lực tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp gắn với xuất khẩu sẽ bị suy giảm nghiêm trọng trong năm 2023.

Cần tư duy thích ứng

Dẫu vậy, cũng có ý kiến lạc quan cho rằng, một nguyên lý tự nhiên là “cùng tắc biến”, tức là khi sự vật phát triển tới cực điểm, tới cùng tận thì tất phải biến hóa. Tôi cũng đồng ý với quan điểm trong tận cùng khó khăn, sẽ tìm ra các cơ chế, phương thức hoá giải. Và có lẽ, sẽ có những giải pháp để nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam phát triển đột phá hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên, việc cải cách, thay đổi không dễ dàng và đến tự nhiên như vậy, nó phải được thể hiện thành quyết tâm hành động cải cách và thi hành các sáng kiến đổi mới từ cả phía Nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tiếng vỗ tay chỉ có thể được kết hợp bởi cả hai bàn tay.

Bên cạnh thay đổi trong quản trị nội bộ và sản xuất - kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, ứng phó rủi ro thị trường, các doanh nghiệp cũng cần hướng tới văn hoá minh bạch, thực hành kinh doanh có trách nhiệm và liêm chính.

Trong đó, quyết tâm cải cách thể chế, thay đổi phương thức quản lý theo hướng càng ngày càng hoàn thiện cơ chế thị trường, qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp từ phía Nhà nước có lẽ là một trong những yếu tố sống còn trong giai đoạn hiện nay.

Trong quá trình cải cách đó, cần lưu ý một điều căn cốt của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đã và đang thừa nhận, doanh nghiệp và doanh nhân xuất hiện là bởi sự thừa nhận các quyền tự do và tự chủ trong kinh doanh của họ. Việc đảm bảo các quyền tự do kinh doanh, trước hết được đảm bảo bằng sự tự chủ, tự quyết định trong việc sử dụng tài sản, tiền bạc của mình. Đây là quyền then chốt nhất nhằm đảm bảo không gian tự do tìm kiếm phương thức kinh doanh tốt nhất và các tài sản của doanh nghiệp được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Quyền tự chủ trong việc khai thác, sử dụng tài sản và tri thức, sự tự quyết định kinh doanh bao gồm cả việc tự định đoạt lợi nhuận mà mình kiếm được, kèm với đó là khả năng cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng tạo nên các quyền tự do kinh tế và đảm bảo cho môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp các doanh nghiệp có động lực vượt qua mọi khó khăn, rủi ro và bất trắc trong thương trường.

Do đó, để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn trong năm 2023, chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu, đồng thời thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí của tự do kinh tế là những ưu tiên quan trọng.

Trong quá trình cải cách thể chế, bản thân cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước cũng phải có tư duy thích ứng với bối cảnh biến động, không nên có sự nóng vội để rồi can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất hành chính mệnh lệnh và phi thị trường. Bên cạnh đó, cần lưu ý những rủi ro về tự do hợp đồng và quyền tài sản là những yếu tố rất dễ gây các tổn thương về niềm tin và gây tác động dây chuyền trong toàn bộ nền kinh tế. Để vượt qua những rủi ro này, không có gì khác hơn là quá trình cải cách vẫn phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những hiệp định thương mại, hiệp định đầu tư mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Thứ hai, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tư duy thích ứng và tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động và động lực cạnh tranh trước các “cơn gió ngược” của môi trường kinh doanh.

Bên cạnh các thay đổi trong quản trị nội bộ và sản xuất nhằm tháo gỡ các khó khăn, tiết giảm chi phí và ứng phó rủi ro thị trường, các doanh nghiệp cũng cần hướng tới văn hoá minh bạch, thực hành kinh doanh có trách nhiệm và liêm chính, ngay như việc cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế nhằm giảm các loại chi phí trung gian và không chính thức đang là rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu.

Tôi tin rằng, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đều đã có trong mình các động lực cải cách, sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường khu vực, quốc tế.

Tin bài liên quan