Doanh nghiệp thép với "lựa chọn cuối cùng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi ông lớn trong ngành là Thép Hòa Phát dần "gượng dậy", thì một số công ty thép nhỏ hơn và bi đát hơn đã phải bán bớt tài sản để có thể giải quyết một phần nhu cầu về dòng tiền đang rất cấp bách.

SMC lỗ lớn 2 năm liên tiếp

Cuối năm 2023, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) có nghị quyết thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.

Sau đó, SMC thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại chi nhánh SMC Bình Dương với diện tích 6.197 m2, giá trị bán dự kiến 49 tỷ đồng. Ngoài ra, từ ngày 5/2 đến 4/3/2024, SMC bán toàn bộ 13,1 triệu cổ phiếu NKG, tương đương 4,98% vốn điều lệ Công ty cổ phần Thép Nam Kim, số tiền thu về ước đạt 307,8 - 320,9 tỷ đồng.

Thực tế, SMC đang phát sinh nhiều vấn đề khi thua lỗ lớn trong 2 năm liên tiếp. Năm 2022, Công ty lỗ sau thuế 579 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 879,3 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, SMC có lỗ lũy kế 162,9 tỷ đồng; tổng nợ vay 3.014,3 tỷ đồng, bằng 375% vốn chủ sở hữu; nợ ngắn hạn là 4.715,7 tỷ đồng, lớn hơn tài sản ngắn hạn (3.896,6 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, SMC có danh sách phải thu ngắn hạn khó đòi 553,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 50,3 tỷ đồng 1 năm trước.

Thép Pomina lỗ lũy kế bằng 45,4% vốn điều lệ

Công ty cổ phần Thép Pomina (mã chứng khoán POM) lỗ tổng cộng 2.126,6 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023. Kế hoạch tái cấu trúc của Công ty là thành lập Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ, vốn điều lệ dự kiến 2.700 - 2.800 tỷ đồng và vay ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn.

Trên danh nghĩa, Thép Pomina tái cấu trúc bằng việc góp vốn thành lập pháp nhân mới, nhưng về bản chất là bán một phần tài sản.

Theo kế hoạch, cơ cấu cổ đông tại Pomina Phú Mỹ bao gồm Thép Pomina sở hữu 35% vốn điều lệ, các cổ đông khác sở hữu 65% vốn điều lệ. Thép Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị tại 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3; các cổ đông khác sẽ góp vốn bằng tiền mặt.

Công ty Kiểm toán AFC & Savills đã định giá hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 có tổng giá trị 6.694 tỷ đồng. Căn cứ vào giá định giá của đơn vị kiểm toán, Thép Pomina ước tính giá trị 2 nhà máy đó từ 6.000 - 6.800 tỷ đồng và Công ty sẽ góp 900 - 1.000 tỷ đồng, tương ứng chiếm 35% vốn tại pháp nhân mới. Số tiền 5.100 - 5.800 tỷ đồng còn lại, Thép Pomina dự kiến dùng 3.757 tỷ đồng để thanh toán các khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại ngân hàng; dùng 1.343 tỷ đồng để thanh toán các khoản phải trả các nhà cung cấp.

Tính đến 31/12/2023, Thép Pomina có tổng nợ vay phải trả lãi lên tới 6.312,5 tỷ đồng, bằng 396% vốn chủ sở hữu; sử dụng 4.864,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn lớn hơn 1 năm; tổng lỗ luỹ kế là 1.2741 tỷ đồng, bằng 45,4% vốn điều lệ.

Tình thế chẳng đặng đừng

Năm 2022 - 2023, SMC lỗ tổng cộng 1.458,3 tỷ đồng, Thép Pomina lỗ tổng cộng 2.126,6 tỷ đồng.

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận xét, việc bán tài sản luôn là lựa chọn cuối cùng của các công ty trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là việc bán nhà máy, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê làm nhà xưởng như trường hợp của SMC hay Thép Pomina. Bởi lẽ, đó là một bước lùi khi họ phải thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh, chấp nhận giảm năng lực sản xuất và khả năng phải nhường thị phần cho đối thủ khi thị trường hồi phục. Kéo theo đó là việc cắt giảm nhân sự, tức là “chảy máu” người tài, từ đội ngũ chuyên gia, chuyên môn đến các cấp quản lý và cuối cùng là bí quyết, bí mật sản xuất - kinh doanh.

Việc hình thành nên một nhà máy đã hoạt động trơn tru không phải là điều một sớm một chiều có thể làm được ngay. Khó khăn lớn nhất đó là việc thuê mua quỹ đất và xin cấp phép mất rất nhiều thời gian. Bản thân các tập đoàn lớn để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thường có xu hướng mua lại các công ty sẵn có và thực hiện tái cấu trúc. Vì thế, việc cắt đi năng lực cạnh tranh hay khả năng mở rộng quy mô cung ứng là điều không doanh nghiệp nào mong muốn.

“Mặc dù vậy, đánh đổi lại, doanh nghiệp sẽ có nguồn tài chính để cơ cấu lại nợ, giảm áp lực lãi vay, giảm áp lực chi phí vận hành, tinh gọn bộ máy, tinh chỉnh lại hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh”, ông Vân nói.

Tin bài liên quan