Gần đây, sau khi Mỹ thông tin áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ ở tất cả quốc gia, mức thuế có hiệu lực từ ngày 4/3, việc này đã tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu của nhóm thép trong nước.
Cổ phiếu nhóm thép bị bán sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế |
Chỉ riêng trong hai phiên giao dịch ngày 10-11/2, nhóm 5 doanh nghiệp thép trên sàn giảm trung bình 4,3%. Trong đó, cổ phiếu TVN giảm 5,6%, cổ phiếu HSG giảm 5,4%, cổ phiếu GDA giảm 5,9%, cổ phiếu NKG giảm 2,5% và cổ phiếu HPG giảm 2,1%.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề trên, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc trung tâm phân tích ACBS cho biết, mức thuế 25% sản phẩm thép thực tế đã được ông Trump áp trong nhiệm kỳ đầu tiên, chỉ có mức thuế cho sản phẩm nhôm tăng lên 25% so với mức 10% trước đó.
Cũng trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã miễn thuế với một số đối tác thương mại, gồm Canada, Mexico và Brazil. Sau đó, ông Biden mở rộng diện miễn thuế sang Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Điều này dẫn đến việc các nước được ưu tiên về thuế chiếm phần lớn trong tổng giá trị nhôm, thép xuất khẩu qua Mỹ.
Top 10 quốc gia xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ (Nguồn: ACBS cung cấp) |
Do đó, việc loại bỏ lợi thế cạnh tranh thực tế có thể giúp cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ giúp cho giá trị hàng hóa xuất khẩu thép và nhôm từ Việt Nam tăng lên.
Hiện nay, thị trường Mỹ đang chiếm tỷ trọng tương đối lớn với các doanh nghiệp thép tôn mạ như Hoa Sen (khoảng 18% tổng doanh thu 2024), Thép Nam Kim (khoảng 26% tổng doanh thu). Các doanh nghiệp này có thể hưởng lợi hơn khi giá cả hàng hóa các nước khác trở nên đắt đỏ hơn.
Đối với Hòa Phát, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng tương đối khiêm tốn (khoảng 5-10% tổng doanh thu xuất khẩu, 2-3% tổng doanh thu). Tuy nhiên, Hòa Phát là nhà cung cấp chính HRC, nguyên liệu đầu vào cho HSG và NKG để xuất khẩu qua Mỹ. Do đó, Hòa Phát có thể hưởng lợi gián tiếp.
“Dù vậy, vẫn cần quan sát thêm diễn biến tiếp theo của cuộc thương chiến. Hệ quả từ việc thương chiến kéo dài và lan rộng hơn có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh tế chung và các doanh nghiệp ngành thép nói riêng trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn đang phụ thuộc chính vào đầu tư công còn ngành bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ”, bà Đỗ Minh Trang nhấn mạnh thêm.
Đồng quan điểm với chuyên gia của ACBS, Chứng khoán Vietcap nhận định, mức thuế mới có thể được xem là một bản mở rộng của Section 232, áp dụng mức 25% đối với tất cả các quốc gia.
Trong đó, thuế nhập khẩu đối với thép Việt Nam không thay đổi, vẫn ở mức 25% theo Section 232. Quyết định chính thức này tích cực hơn so với tuyên bố ngày hôm qua của Tổng thống Trump, trong đó đề cập mức thuế mới sẽ được cộng thêm vào thuế hiện hành (tức Việt Nam sẽ phải chịu tổng cộng 50% thuế).
Các quốc gia/vùng lãnh thổ chịu tác động tiêu cực chủ yếu là những nước trước đây được miễn thuế theo Section 232, bao gồm Argentina, Brazil, Canada, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh.
“Với diễn biến mới này, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam như HPG, NKG, HSG và GDA sẽ hưởng lợi từ xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ do trước đó các đồng minh của Mỹ được hưởng mức thuế 0% còn Việt Nam phải chịu thuế 25%", Chứng khoán Vietcap nhận định.
Tuy nhiên, Vietcap cho rằng sẽ có sự gia tăng cạnh tranh về giá và sản lượng tại các thị trường xuất khẩu khác, khi thép từ các quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nêu trên tìm kiếm thị trường thay thế ngoài Mỹ.