Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, giá các sản phẩm thép cán nóng, cán nguội, phôi, thép xây dựng, quặng, phế liệu trên thị trường thế giới đều nhích lên chút ít. Đây có thể là thông tin tốt cho các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngành thép.
Thời gian qua, cổ đông của doanh nghiệp thép hết sức lo ngại về sự giảm giá thép trên thị trường và nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Nhất là trong tuần qua, giá thép xây dựng tại thị trường phía Nam giảm xuống còn 10 triệu đồng/tấn. Căn cứ vào giá nhập khẩu phôi thép hiện nay thì giá thép xây dựng có thể tiếp tục giảm, bởi giá thành sản phẩm theo giá phôi nhập khẩu hiện tại thấp hơn mức 10 triệu đồng/tấn.
Không ít doanh nghiệp ngành thép đang đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng các doanh nghiệp thép niêm yết nhiều khả năng không nằm trong nhóm này, bởi đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC (kinh doanh, phân phối các mặt hàng thép) cho biết, để đối phó với tình hình thị trường khó khăn, Công ty đã trả hết 250 tỷ đồng vốn vay ngân hàng, chỉ còn khoản vay đầu tư thiết bị và đất đai 35 tỷ đồng. Như vậy, chi phí vốn của Công ty trong tháng 11 và 12/2008 sẽ giảm rất nhiều.
Cho đến thời điểm này, SMC vẫn chưa phải trích lập dự phòng 7.000 tấn hàng tồn kho do giá vốn hàng tồn kho của Công ty là 10.000 đồng/kg, thấp hơn giá tiêu thụ hiện nay. Dự kiến năm 2008, SMC đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 67 tỷ đồng, vượt lợi nhuận kế hoạch đặt ra là 50 tỷ đồng. Năm 2009, nhận định tình hình thị trường còn khó khăn nên SMC đặt kế hoạch lợi nhuận 55 tỷ đồng.
Theo ông Ngọc Anh, sở dĩ SMC tránh được cuộc khủng hoảng do giảm giá thép lần này là do Công ty bán hàng đến tận tay người tiêu dùng, nắm bắt sớm thay đổi nhu cầu thị trường. Vì vậy, khi thị trường có dấu hiệu giảm tiêu thụ, Công ty đã ngừng nhập hàng và đẩy mạnh bán hàng, nên chỉ mất 1 - 2 tháng là giải phóng được lượng hàng tồn kho. Tại thị trường miền Nam, SMC hiện chiếm đến 17% thị phần thép xây dựng.
Theo CTCK Bản Việt, các doanh nghiệp sản xuất phôi gặp nhiều khó khăn nhất, do vừa không bán được hàng trong nước, vừa không xuất khẩu được. Vòng quay hàng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất phôi là 3 tháng, của các doanh nghiệp sản xuất thép cán là 2,5 - 3 tháng, của các công ty thương mại như HMC, SMC, KKC là 1 - 1,5 tháng. Doanh nghiệp nào tiếp cận được gần người tiêu dùng hơn thì giải phóng được hàng tồn kho nhanh hơn.
Đối với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), 9 tháng đầu năm 2008 đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng với tình hình khó khăn của thị trường thép, trong khi sản phẩm thép chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận của HPG như hiện nay, dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2008 của HPG có thể làm suy giảm lợi nhuận đạt được từ đầu năm. Tuy nhiên, HPG đã đẩy mạnh hình thức tiêu thụ sản phẩm đến tận chân công trình, nên vòng quay hàng tồn kho của HPG ngắn hơn khá nhiều so với các công ty sản xuất đơn thuần khác. Thị phần tiêu thụ thép của HPG đã tăng lên trong những tháng vừa qua.
Không ít dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép trong quý IV/2008 sẽ kém khả quan, nhưng xem ra kết quả này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Số liệu của CTCK Bản Việt cho thấy, vào ngày 7/11, chỉ số P/E của HPG là 4,35, VIS là 4,07, HMC là 3,67, SMC là 2,7… chỉ bằng một nửa so với P/E trung bình toàn thị trường.
Ngày 5/12, một doanh nghiệp ngành thép dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE là Tập đoàn Hoa Sen. Khó khăn của ngành thép có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Hoa Sen khi chào sàn, mặc dù nguyên liệu sản xuất chính của doanh nghiệp là thép nguội cán nóng, chứ không phải phôi thép. Lãnh đạo Hoa Sen nhận định, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, giá thép đã nhích lên và thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hoa Sen "ấm" lên kể từ tháng 11. Doanh nghiệp sẽ chia cổ tức đợt 1/2008 với tỷ lệ 12% vào ngày 1/12.