Thông tư 44 được cho là gây phiền phức cho doanh nghiệp nhập khẩu thép. Ảnh: Đức Thanh
Trước đó, ngay sau thời điểm ban hành, Thông tư 44 đã vấp phải phản ứng của các doanh nghiệp trong ngành thép, trong đó kêu nhiều nhất là các doanh nghiệp kinh doanh loại thép để cung cấp cho các cơ sở sản xuất hàng dân dụng, công nghiệp và hàng xuất khẩu.
Cụ thể, ông Huỳnh Trung Quang, Công ty Thép Tây Đô cho rằng, từ hàng chục năm nay, nhiều doanh nghiệp chuyên nhập thép loại 2, chủ yếu từ Nhật Bản, để bán cho các cơ sở sản xuất hàng. Các sản phẩm này đều có giấy chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng của bên bán. Nhưng Thông tư 44 quy định, thép nhập khẩu phải được đánh giá phù hợp bởi tổ chức đánh giá của Bộ Công thương chỉ định. Điều này tạo thêm thủ tục, gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện một số loại thép mà trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu hoàn toàn là thép tấm cán nóng và thép lá cuộn cán nóng. Trong 2 loại sản phẩm này, có những sản phẩm chứa nguyên tố Bo và Cr.
Trong khi đó, Phụ lục 2 của Thông tư 44 có quy định 3 nhóm sản phẩm chính là: thép hợp kim chứa nguyên tố Bo từ 0,0008% trở lên; thép hợp kim có chứa nguyên tố Cr từ 0,3% trở lên và thép sản xuất que hàn phải chịu sự điều chỉnh nghiêm ngặt. Tổ chức, cá nhân sử dụng các loại thép trên, hàng năm phải đăng ký xác nhận năng lực sản xuất, nhu cầu và mục tiêu sử dụng thép làm nguyên liệu để sản xuất với Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công thương.
Tổ chức, cá nhân sử dụng các loại thép trên chỉ được phép nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu với lượng thép nhập khẩu không vượt quá 150% nhu cầu sử dụng trong 1 năm mà Bộ Công thương đã xác nhận. Hàng năm, trước ngày 20/1 hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổ chức, cá nhân sử dụng thép nhập khẩu phải báo cáo Bộ về tình hình sử dụng thép nhập khẩu.
Ông Sưa cho rằng, quy định trên gây phiền phức cho doanh nghiệp, bởi rất khó có thể biết trước được nhu cầu tiêu dùng cả năm và điều này phụ thuộc vào thị trường.
“Khi nhập các thép này về, doanh nghiệp đầu mối đem bán cho nhiều khách hàng nhỏ khác. Mục tiêu sử dụng của từng khách hàng là khác nhau, chả lẽ họ phải hỏi từng khách hàng để thống kê”, ông Sưa nói và cho rằng, quy định này không khác gì thêm một giấy phép con với doanh nghiệp nhập khẩu thép.
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, từ tháng 5/2014, VSA đã kiến nghị Bộ Công thương sửa một số điểm của Thông tư 44. Sau đó, Bộ Công thương đã có Công văn 4719/BCT-KHCN tạm thời chưa áp dụng việc kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nguồn đến hết ngày 31/12/2014. Các sản phẩm thép như quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư 44 cũng được tạm chưa phải bổ sung hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng đến hết năm 2014.
Tuy nhiên, sang năm 2015, Công văn 4719 đã hết hiệu lực áp dụng và mọi việc lại trở về như trước. Hiện nay, theo nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thép, hàng nhập về đang ùn ứ ở bến cảng mà chưa thông quan được.
Trước tình hình trên, VSA lại gửi Văn bản số 13/HHTVN tới Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị sửa đổi Thông tư 44 một cách toàn diện; sửa đổi ngay danh mục sản phẩm thép trong Phụ lục 2. Trước mắt, khi chưa kịp sửa đổi Thông tư 44, VSA khẩn thiết đề nghị Bộ Công thương gia hạn hiệu lực của Công văn 4719/BCT-KHCN.
Được biết, Bộ Công thương đã mời đại diện VSA đến làm việc về kiến nghị trên. Kết quả cuộc gặp là lời hứa của Bộ về việc sẽ sớm lập Ban sửa đổi Thông tư 44, công khai dự thảo thông tư sửa đổi để người dân và doanh nghiệp góp ý.