Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
“Lệnh sau đá lệnh trước” dẫn tới xác minh khó khăn, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ - khâu cuối cùng của chuỗi cung ứng - bị chậm hoàn thuế GTGT tổng cộng cả ngàn tỷ đồng, lâm cảnh khốn đốn.
Phải đi vay với lãi suất cao để kinh doanh, trong khi hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị “giam lỏng”, không ít doanh nghiệp đã phải “kêu trời”. Trước những khó khăn và bức xúc của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu rõ, việc hoàn thuế GTGT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố, làm đọng vốn với số tiền rất lớn. Điều này càng nhân lên thách thức với doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh doanh gặp khó, dòng tiền hạn hẹp.
Chậm hoàn thuế GTGT cả ngàn tỷ đồng
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ra Công văn số 8187/BNN-TCLN gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách liên quan đến thuế GTGT.
Văn bản này xuất phát từ việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp gỗ đang bị chậm hoàn thuế GTGT “kêu cứu” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi đã “khản tiếng” ở nhiều hội thảo trước đó.
Theo “kêu cứu” của VIFOREST, thời gian hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp được quy định là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt là doanh nghiệp có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn (sản xuất dăm, ván bóc/ván ép, viên nén) chưa được hoàn thuế GTGT lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn thuế 40 - 50 tỷ đồng, có doanh nghiệp chưa được hoàn tới 200 tỷ đồng.
VIFOREST cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu gỗ vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Vương quốc Anh… đang suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền thu về, thì ách tắc trong khâu hoàn thuế GTGT khiến các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn.
Nếu kéo dài tình trạng này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, tất yếu dẫn tới chuỗi cung cấp gỗ cũng “đứng hình” và sẽ tác động tiêu cực tới cả triệu hộ gia đình trồng rừng.
Tắc nghẽn bởi truy xuất tận gốc của Tổng cục Thuế
Trong Công văn số 8187/BNN-TCLN gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, VIFOREST phản ánh lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế GTGT là do cục thuế các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các văn bản: Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 (yêu cầu xác minh, đối chiếu nguồn gốc mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm nhằm đảm bảo việc giải quyết hoàn thuế GTGT); Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/2020 (về thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng) Công văn số 4569/TCT-TTKT ngày 27/10/2020 (về việc hoàn thuế có rủi ro cao); Công văn số 429/TCT-TTKT ngày 22/2/2021 (yêu cầu rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản).
Theo đó, ngành thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, nên yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ từ rừng trồng, dẫn đến ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng. Từ đó, ách tắc việc hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp nằm ở khâu cuối của chuỗi cung ứng.
“Lệnh” của ngành thuế “trật trẹo” quy định của ngành nông nghiệp
Cũng trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, vào ngày 16/11/2018, bộ này có Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Tại các điều 15, 16 và 20 của thông tư này quy định, gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.
“Như vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ.
Chưa hết, Văn bản số 2124/CT-TTKT, ngày 22/52020 của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế GTGT.
Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam khoảng 14,7 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới. Dự kiến, năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ thiết lập kỷ lục mới với 16 tỷ USD.
Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín.
Theo quy định, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện. Do đó, việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế GTGT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.
Có thể thấy, các công văn của Tổng cục Thuế ban hành năm 2020 và 2021, sau Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 năm. Ngành lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nên người dân, doanh nghiệp trồng rừng cung cấp gỗ cho chế biến phải tuân theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng, trong đó có hơn 1 triệu ha của 1,1 triệu hộ gia đình. Hằng năm, các diện tích này đang cung cấp khoảng 30 triệu m3 gỗ quy tròn.
Thế nên, yêu cầu xác minh gỗ tới “tận gốc” theo công văn của Tổng cục Thuế (ban hành sau Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 năm) sẽ khiến nhiều bộ phận trong chuỗi cung ứng gỗ khó lòng xoay xở. Đó là chưa nói thực tế, một số diện tích rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai, như thiếu sổ đỏ, đất có tranh chấp, diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế...
Điều này cũng đồng nghĩa, việc xác minh nguồn gốc gỗ là vô cùng khó khăn và các doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng - nằm ở khâu cuối cùng của chuỗi cung ứng - sẽ lĩnh hậu quả. Nếu tình trạng này kéo dài, tất yếu sẽ tác động tới người dân trồng rừng.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung chủ yếu và quan trọng, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu. Nguồn cung này là nền tảng đối với sự phát triển và lớn mạnh của ngành gỗ, góp phần đem lại nguồn thu trên 14 tỷ USD mỗi năm thông qua các mặt hàng gỗ xuất khẩu. Nguồn thu từ gỗ rừng trồng cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho khoảng 1,1 triệu hộ gia đình tham gia trồng rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại địa bàn khó khăn.
- Trong “kêu cứu” gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, để giải quyết tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế GTGT hiện nay, nhằm tránh nguy cơ đóng cửa đối với hàng trăm doanh nghiệp, “cần có sự thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế; chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nhất giải quyết việc hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định nhưng hiện tại chưa được giải quyết”.
- Tại Công văn số 8187/BNN-TCLN gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: “Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thuế GTGT”.
(Còn tiếp)