Doanh nghiệp cao su tại TP.HCM đang khốn đốn vì giá xuất khẩu giảm, lại bị “giam” tiền hoàn thuế GTGT
Phải đi vay với lãi suất cao để kinh doanh, trong khi hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị “giam lỏng”, không ít doanh nghiệp đã phải “kêu trời”. Trước những khó khăn và bức xúc của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu rõ, việc hoàn thuế GTGT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố, làm đọng vốn với số tiền rất lớn. Điều này càng nhân lên thách thức với doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh doanh gặp khó, dòng tiền hạn hẹp.
Bị “giam” cả trăm tỷ đồng
Văn bản của VRA gửi Cục thuế TP.HCM, do ông Võ Hoài An, Phó chủ tịch VRA ký, nêu rõ, trong 10 doanh nghiệp cao su bị chậm hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp có số tiền thuế GTGT bị chậm hoàn thuế GTGT thấp nhất là gần 2 tỷ đồng, cá biệt có doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế GTGT lên đến gần 50 tỷ đồng.
Tổng cộng 10 doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế GTGT số tiền hơn 171 tỷ đồng, kéo dài từ tháng 1/2021 tới nay chưa được giải quyết.
Đại diện một doanh nghiệp ngành cao su cho biết, đây mới chỉ là những doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc kê khai. Tức là, con số hơn 171 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp “bị giam” cũng chưa đầy đủ.
Thông tin trên là có cơ sở. Trước đó, tháng 11/2022, tại Hội thảo Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững, do VRA tổ chức tại TP.HCM, ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT Tập đoàn Cao su Việt Nam thông tin, chỉ tính 5 doanh nghiệp là thành viên của Tập đoàn, số tiền thuế GTGT chưa được hoàn đã khoảng 290 tỷ đồng.
Đã kiệt sức lại thêm kiệt quệ
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một doanh nghiệp cao su cho hay, năm nay, xuất khẩu cao su gặp khó khăn về giá hơn so với năm 2021, dù năm ngoái, Covid-19 bùng phát.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thể hiện, giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng của năm 2022 ước đạt 1.578 USD/tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Kinh doanh khó khăn, không những vậy, đa số doanh nghiệp ngành cao sau đều phải vay vốn hoạt động, nên càng thêm lao đao vì lãi suất tăng vọt.
Trong bối cảnh đó, số tiền hoàn thuế GTGT sẽ là nguồn tài chính gánh đỡ đáng kể cho doanh nghiệp.
Để được hoàn thuế GTGT đã nộp trước đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin hoàn thuế, sau đó chờ cơ quan thuế các địa phương xác minh hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc và hoàn thiện các thủ tục. Thời gian xác minh tối đa 40 ngày từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều phải chờ từ 4 đến 9 tháng mà vẫn chưa có kết quả từ cơ quan thuế.
Tình cảnh này thậm chí đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh lâm nguy, buộc phải “kêu cứu” khắp nơi. Điển hình là Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận, vốn là doanh nghiệp xuất khẩu cao su hàng đầu Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu đạt trên 24 triệu USD/năm, sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn).
Năm nay, Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận bị giảm đến 94% doanh thu, lại còn bị “giam” tiền hoàn thuế GTGT lên tới gần 50 tỷ đồng, dẫn đến không có vốn để nhận đơn hàng, buộc phải cắt giảm một số hoạt động. Doanh nghiệp này đã cử đại diện đi “kêu cứu” khắp nơi, từ Hội thảo Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững, tới Hội nghị tổng kết Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền TP.HCM (tổ chức cuối tháng 11/2022).
Một trường hợp khác là Công ty TNHH SX và TM Hoa Sen Vàng (bị chậm hoàn thuế GTGT hơn 18,4 tỷ đồng) do phải chờ quá lâu để cơ quan thuế kiểm tra xong hồ sơ mới được hoàn thuế, cũng rơi vào khó khăn. Công ty Hoa Sen Vàng là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cao su thiên nhiên nổi tiếng thế giới, có khách hàng và nhà cung cấp tại hơn 40 quốc gia, đã được trao giải thưởng là một trong 100 nhà cung cấp Gold Trust hàng đầu tại Việt Nam cũng như nhà xuất khẩu đáng tin cậy, top 3 công ty xuất khẩu cao su uy tín nhất tại Việt Nam. Đáng nói là, doanh nghiệp này còn được hưởng chế độ “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” trong việc hoàn thuế VAT.
Ách tắc vì đâu?
Trong kiến nghị gửi tới UBND TP.HCM tại Hội nghị tổng kết Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền TP.HCM, bà Đinh Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận cho rằng, việc ách tắc hoàn thuế GTGT là do
Cục Thuế TP.HCM đang áp dụng việc hoàn thuế theo hướng dẫn tại 3 công văn của Tổng cục Thuế, gồm: Công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 (thanh tra, kiểm tra đối với 67 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về hoàn thuế GTGT); Công văn số 1873/TCT-TTKT ngày 1/6/2022 (tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT); Công văn số 1991/TCT-TTKT ngày 10/6/2022 (tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế).
Theo phân tích của một doanh nghiệp cao su, văn bản của Tổng cục Thuế là đúng khi yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian, từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng, nhưng chỉ khoanh vùng 67 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao.
Thế nhưng, căn cứ văn bản của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM ban hành Công văn số 1694 yêu cầu thanh tra phải xác minh đến khâu cuối cùng “cho các doanh nghiệp tại TP.HCM”, trong đó có nhiều doanh nghiệp cao su không trong danh sách, nên mới dẫn đến ách tắc hoàn thuế GTGT cả năm. Nguồn vốn hạn chế, mà vẫn phải “gồng mình” trả lãi ngân hàng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải hạn chế kinh doanh.
Mặt khác, việc “kiểm tra đến khâu cuối cùng” rất mất thời gian, cũng dẫn tới việc chậm hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, theo ông N.V.P (giám đốc một doanh nghiệp cao su bị chậm hoàn thuế GTGT, xin không nêu tên), trước đó, Bộ Tài chính từng ban hành Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 quy định xác minh đến khâu cuối cùng, nhưng gây vướng mắc khiến hàng loạt các doanh nghiệp, hiệp hội “kêu trời”. Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13706, ngày15/10/2013 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.
Theo hướng dẫn này, cơ quan thuế chỉ xác minh với doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện hoàn thuế GTGT (tức là chỉ kiểm tra F1). Việc kiểm tra xác minh này chỉ thực hiện trong thời gian 40 ngày. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định tại mục a, Khoản 1, Điều 60, Luật Quản lý thuế, là “hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật”.
Việc sửa đổi này đã giúp khơi thông ách tắc, được doanh nghiệp rất đồng tình. Thế nên, việc ách tắc hoàn thuế GTGT hiện nay, theo các doanh nghiệp cao su tại TP.HCM (nêu trong đơn kiến nghị tập thể), là do cơ quan liên quan “tự ý” áp dụng “trật” Văn bản số 13706/BCT-TCT của Bộ Tài chính.
“Một lần nữa, tập thể các doanh nghiệp xuất khẩu cao su có trụ sở đóng trên địa bàn TP.HCM đề nghị Hiệp hội Cao su Việt Nam có văn bản gửi Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM thực hiện hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đóng trên địa bàn Thành phố theo đúng tinh thần nội dung chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Văn bản số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 tránh để tình trạng ách tắc hoàn thuế GTGT kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”, các doanh nghiệp cao su tại TP.HCM nêu trong đơn kiến nghị tập thể.
Hồ sơ hoàn thuế của Công ty chúng tôi đã đáp ứng các điều kiện để được hoàn thuế theo quy định pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hoàn, thời gian quá hạn đã kéo dài quá lâu. Tại khoản 3, điều 75, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 nêu: “Quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”. Vậy số tiền lãi chậm hoàn thuế trong thời gian quá hạn do đơn vị nào chi trả cho doanh nghiệp?
Ý kiến của một doanh nghiệp cao su tại TP.HCM bị chậm hoàn thuế GTGT
(Còn tiếp)