Tỷ lệ DN tin tưởng triển vọng kinh tế tốt hơn trong một năm tới vẫn ở mức 50%.

Tỷ lệ DN tin tưởng triển vọng kinh tế tốt hơn trong một năm tới vẫn ở mức 50%.

Doanh nghiệp thận trọng hơn

(ĐTCK) Ngay ở lần thứ hai công bố về kết quả cuộc khảo sát niềm tin kinh doanh Việt Nam và chỉ số niềm tin kinh doanh WVB-PVFCI quý IV/2008, chỉ số này đã sụt giảm so với quý trước 7 điểm, giảm từ 100 điểm xuống còn 93 điểm.

Quý III/2008, trong số 198 DN được lựa chọn tham gia cuộc điều tra, gần 59% thể hiện sự kỳ vọng vào tiến triển khả quan của điều kiện kinh tế chung của Việt Nam trong vòng 12 tháng tới. Tương ứng với mức độ kỳ vọng này, khoảng 58% DN dự kiến tăng số lượng lao động, cũng khoảng đó số DN lên kế hoạch tăng chi phí tài sản cố định trong vòng 12 tháng tới. Một tỷ lệ cũng rất khả quan khi 60% DN được khảo sát tin tưởng doanh thu của mình sẽ tăng trưởng trong vòng 12 tháng tới, do các điều kiện thuận lợi của nền kinh tế cũng như đầu tư hợp lý của DN.

Tuy nhiên, sau 3 tháng, xu hướng khả quan này đã đảo chiều; 66% trong tổng số 256 DN tham gia khảo sát cho rằng, nền kinh tế chung của Việt Nam so với 12 tháng trước đã xấu hơn; 50% DN quyết định giữ nguyên chi phí đầu tư cho tài sản cố định, chỉ có 36% muốn đầu tư thêm; 32% DN dự tính doanh thu của họ sẽ giữ nguyên và có đến 25% DN cho rằng, lợi nhuận của họ sẽ giảm đi trong vòng 12 tháng tới. Đặc biệt, 14% DN dự tính sẽ cắt giảm số lượng nhân viên, nhích hơn một chút với với 13% của quý trước đó.

 Rõ ràng, những dự tính về khó khăn của quý III đã trở thành hiện thực vào quý IV và điều này thể hiện rất rõ trong các kế hoạch kinh doanh của DN. Cũng cần phải thấy rằng, tổng số DN tham gia đợt khảo sát này tăng lên khá lớn so với trước và do vậy, các con số tuyệt đối của những tỷ lệ đánh giá này cũng cao hơn. Và bức tranh khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, kể cả DN quy mô lớn cũng như các DN nhỏ và vừa đều khá sắc nét.

Điều đáng mừng là mặc dù thách thức rất lớn, song tỷ lệ DN tin tưởng triển vọng kinh tế tốt hơn trong một năm tới vẫn ở mức 50%. Chính số DN này đã khiến tỷ lệ tin tưởng vào khả năng tăng doanh thu một năm tới cũng giữ được mức 50%. Mặc dù thấp hơn, song vẫn có tới 47% DN tham gia khảo sát dự đoán lợi nhuận của họ sẽ tăng lên trong vòng 12 tháng tới.

Trong cuộc khảo sát quý IV này, các câu hỏi được Công ty Dịch vụ tài chính (WVB FISL) và CTCP Đầu tư và Tư vấn tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Invest) đưa ra hướng tới tìm kiếm ý kiến của các DN về các vấn đề nóng hổi mà họ đang gặp phải, như vấn đề lạm phát, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề giảm lãi suất cơ bản, sức mua của người tiêu dùng, sự suy yếu của đồng USD và ảnh hưởng của sự không ổn định của TTCK đến DN. Có 67% DN tham gia điều tra dự đoán tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng tới sẽ ở mức 15% - 20%; khoảng 41% DN vẫn tin rằng, sức mua của người tiêu dùng trên thị trường đối với sản phẩm và dịch vụ của DN sẽ tăng lên,  nhưng có đến 28% DN bi quan về thị trường trong vòng 1 năm tới.

Rõ ràng, nút thắt về thị trường đang nổi lên rất lớn. Đặc biệt, với các DN sản xuất hàng xuất khẩu, cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến hàng loạt thị trường truyền thống bị thu hẹp. Tuy nhiên, cơ hội để quay lại thị trường trong nước lại không hề dễ dàng.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam thừa nhận, khả năng tiêu thụ hàng trong nước của các DN sản xuất đồ gỗ rất khó khăn. Mới đây, hàng loạt các đại lý của các "đại gia" ngành gỗ đã được mở cửa tại các đô thị lớn, song khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa đang vướng phải khó khăn về tài chính của người tiêu dùng.

Cũng trong tuần này, đại gia ngành bán lẻ Lotte của Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ USD để xây dựng 30 siêu thị tại Việt Nam trong vòng 15 năm tới, sau khi siêu thị đầu tiên đã được khai trương tại TP. HCM. Như vậy, ngay trước thời điểm 1/1/2009, những động thái đe dọa thị phần bán lẻ với nhà đầu tư trong nước đã xuất hiện. Trong khi đó, nỗ lực kết hợp giữa các nhà bán lẻ nội địa vẫn chưa thấy có kết quả cụ thể suốt 2 năm qua, sau khi những ký kết hợp tác được công bố rầm rộ...