Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh phát động chương trình ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Quỹ Vaccine phòng Covid-19 (VFVC) do Bộ Tài chính quản lý đã đi vào hoạt động. Việt Nam đã đàm phán mua được 170 triệu liều vaccine, đủ tiêm cho 70% dân số để miễn dịch cộng đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ muốn tự mua vaccine để tiêm cho người lao động, thậm chí cả gia đình người lao động.
Thành lập VFVC thần tốc
Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tính đến cuối ngày 3/6/2021, VFVC đã nhận được tổng cộng gần 104 tỷ đồng, 3.329 USD và 1.979 USD tiền ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động phòng Covid-19, tăng rất cao so với một ngày trước đó (khoảng 44 tỷ đồng), chưa kể hơn 2.000 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp lớn cam kết ủng hộ và đang được chuyển vào VFVC.
Tiền vào VFVC tăng liên tục, nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tỏ ra yên tâm và câu chuyện “xã hội hoá vaccine” tiếp tục nóng vì nhiều doanh nghiệp mong muốn có cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua vaccine tiêm cho người lao động.
Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, rất hiếm văn bản quy phạm pháp luật nào được Chính phủ thông qua “thần tốc” như Nghị quyết 09/NQ-CP (ngày 18/5/2021) về việc mua vaccine phòng COVID-19.
“Kể từ khi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đặt vấn đề thành lập nguồn tài chính tập trung nhằm mục đích tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine, chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau, Thường trực Chính phủ đã họp lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, sáng hôm sau thu hồi ý kiến và ngay buổi chiều, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP”, ông Kiên cho biết và khẳng định, cách làm rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng thể hiện cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân thấy rằng, giữa nói và làm của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trước làn sóng đại dịch thứ tư rất kịp thời, quyết liệt.
Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP về việc mua vaccine phòng COVID-19có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt y tế, thể hiện sự kịp thời trong phản ứng của Chính phủ đối với làn sóng Covid-19 thứ tư bất ngờ tràn vào và diễn biến phức tạp hơn, chuyển biến khó lường và nguy hiểm hơn. Còn về mặt kinh tế, việc tiêm vaccine nhanh nhất trên diện rộng đem lại niềm tin cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp.
“Trong thời điểm hiện nay thì đây là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo phân tích của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu chỉ có VFVC thì việc miễn dịch cộng đồng cho gần 100 triệu dân (tiêm vaccine cho 70-80% dân số) sẽ mất rất nhiều thời gian, vì theo các thoả thuận đàm phán mua 170 triệu liệu liều vaccine các loại thì phải đến quý 3 và quý 4 năm nay nguồn vaccine mới về đến Việt Nam.
“So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã bị chậm chân trong việc tiếp cận nguồn vaccine đủ lớn để tiêm chủng trên diện rộng”, ông Hiếu bình luận và cho rằng, bên cạnh nguồn vaccine được mua từ VFVC phải đẩy mạnh “xã hội hoá vaccine” bằng việc tạo ngay cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tự mua vaccine dưới hình thức tự mua, tự trả để tiêm cho người lao động, thậm chí cả gia đình họ.
Chậm đạt miễn dịch cộng đồng có thể ảnh hưởng đến đầu tư
Mặc dù hy vọng nguồn vaccine mua từ nguồn của VFVC sớm cập cảng, nhưng Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú tỏ ra rất sốt ruột.
Theo ông Phú, không còn cách chống dịch nào hiệu quả hơn là tiêm vaccine đến mức đủ miễn dịch cộng đồng và cũng không còn con đường nào khác là Việt Nam phải lo đủ lượng vaccine sớm hơn, sớm nhất có thể.
Nếu Việt Nam chậm chân, khi nhiều nước trên thế giới đã miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là các nước là đối thủ của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hoá, thu hút đầu tư từ các thị trường lớn đã miễn dịch cộng đồng, hoạt động sản xuất, kinh doanh quay trở lại thì doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi trong việc giữ được đối tác, thị trường truyền thống và khơi thông thị trường mới.
“Sản phẩm của Sunhouse chủ yếu để xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã hoạt động trở lại và đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, nhưng đối tác của Sunhouse không thể đến Việt Nam nên nếu chậm chân một thời gian nữa chắc chắn họ phải tìm nguồn cung hàng mới, họ sẽ nhập sản phẩm từ nước khác chứ không đợi Việt Nam miễn dịch cộng đồng”, ông Phú lo ngại.
Ông Phú cũng nhấn mạnh, cốt tử lúc này là phải dập dịch nhanh hơn. Và chìa khoá duy nhất là phải có đủ vaccine. Ngoài nguồn vaccine mua từ VFVC thì phải phải nhanh chóng có cơ chế để doanh nghiệp tự kiếm nguồn vaccine tiêm cho người lao động.
"Doanh nghiệp rất muốn tự lo trước, còn đợi đến nguồn vaccine mua từ nguồn VCFC phải mất ít nhất vài tháng nữa, khi đó, đối tác đã “bỏ ta mà đi” từ lâu rồi”, ông Phú lo lắng và nói thêm rằng, trong việc tiêm vaccine, không chỉ vaccine phòng Covid-19 mà vaccine nào cũng vậy, bao giờ cũng có mức độ rủi ro nhất định.
“Nếu sợ một vài vụ biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong do tiêm vaccine mà chần chừ, chưa cho phép doanh nghiệp mua ngay sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Phú nêu.
Là doanh nghiệp đang sử dụng 8.000 lao động trực tiếp và 4.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đối tác, mặc dù đến nay May 10 may mắn chưa dính ca F0, F1 nào, nhưng Tổng giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt cũng hết sức lo lắng, bởi với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, 12.000 lao động của May 10 không biết sẽ “dính” lúc nào.
“Chỉ cần một ca F0 thậm chí là F1 thì toàn bộ dây chuyền sản xuất, cả xưởng sản xuất, cả nhà máy thậm chí cả Công ty sẽ bị đình đốn sản xuất. Trong khi đó những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thuỷ sản, điện tử... lợi nhuận chính là ngày công lao động”, ông Việt phát biểu và cũng mong muốn sớm có cơ chế cho doanh nghiệp tự tiêm vaccine.
Cứ mua được vaccine để tiêm cho người lao động, còn các cơ chế về tài chính, thuế khoá... tính sau vì các ngành này đang phải chạy đua với thời gian để giao hàng cho đối tác, nếu giao chậm, ngoài bị phạt còn bị ảnh hưởng uy tín và đối tác có thể sẽ bỏ đi.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.